Hà Tĩnh:

Cụm công trình 33 tỷ đồng “mục nát” sau 8 năm bỏ hoang

(Dân trí) - Được đầu tư với quy mô hoành tráng với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng, thế nhưng sau khi hoàn thành đến nay đã 8 năm, cụm công trình khu tái định cư Tân Phúc Thành (phường Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chưa 1 lần được sử dụng, nhiều hạng mục đã hư hỏng mục nát.

Xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 1 trong 5 xã di dời để nhường đất cho Công ty Formosa. Năm 2010, trụ sở mới xã Kỳ Lợi được xây dựng với tổng kinh phí lên đến 33 tỷ đồng tại khu tái định cư Tân Phúc Thành.

Hoang tàn, nhếch nhác

Theo ghi nhận của PV, nằm giữa trung tâm khu tái định cư Tân Phúc Thành là trụ sở xã Kỳ Lợi được xây cao 3 tầng, khang trang, kiên cố. Tuy nhiên, ngay từ ngoài đi vào, chiếc cổng sắt phía trước đã bị rỉ sét, gãy ọp ẹp. Hàng dây điện chạy trước trụ sở bị gãy cột trụ nên được gác tạm lên những cây củi sà xuống nằm rải rác dưới đất nhìn rất nhếch nhác, nguy hiểm.

Trụ sở UBND xã Kỳ Lợi nằm im lìm sau 8 năm hoàn thành.
Trụ sở UBND xã Kỳ Lợi nằm im lìm sau 8 năm hoàn thành.

Trong khuôn viên trụ sở hoành tráng này cỏ mọc tốt, các loại cây dại như sim, mua... chen chúc nhau dưới những hàng cây cảnh được trồng ngay ngắn trước đây. Khó coi hơn, ngay khi đi vào, một đàn bò chen chúc nhau đứng tránh nắng phía trước hành lang trụ sở. Phân, nước tiểu bò thải ra nằm rải rác khắp nơi khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cả một vùng.

Khuôn viên nhếch nhác, hoang tàn.
Khuôn viên nhếch nhác, hoang tàn.

Bên trong trụ sở tất cả các phòng trống trơn, gạch lát hoa bị bong tróc, sụt lún. Những cửa chính, cửa sổ của các phòng được làm gỗ nay đã bị mục gãy, hư hỏng, nhiều phòng cửa bị gãy nằm đổ phía dưới đất, các hệ thống kính chắn gió cũng bị vỡ nằm vương vãi. Nhà hội trường nằm trong trụ sở nhìn tan hoang, trần bị sập thủng lỗ chỗ những mảnh lớn.

Cửa mục nát
Cửa mục nát

Phòng làm việc hư hỏng nặng
Phòng làm việc hư hỏng nặng

“Trụ sở này được xây dựng xong cách đây 8 năm. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà cán bộ vẫn làm việc ở trụ sở cũ, chứ không chuyển lên đây khiến cho trụ sở này trở thành nơi trâu, bò gặm cỏ, trú mưa, nắng” – ông Nam (một người dân sống gần UBND xã Kỳ Lợi) nói.

Cụm công trình trở thành bãi chăn bò lý tưởng cho những người dân ở xung quanh.
Cụm công trình trở thành bãi chăn bò lý tưởng cho những người dân ở xung quanh.

Bên cạnh trụ sở xã là Trạm y tế xã Kỳ Lợi cao 2 tầng, bên trong các phòng khám, phòng điều trị là những cánh cửa gỗ đã bị hư hỏng; nền gạch, tường nhà bị bong tróc, nứt nẻ; khu vực nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi hám; trên sân khuôn viên cỏ dại mọc um tùm, nhiều đống củi vứt ngổn ngang…

Một hạng mục đáng chú ý trong cụm công trình nữa là Trường THCS Kỳ Lợi được xây dựng khang trang 2 tầng với 8 phòng học. Do không được sử dụng nên ngôi trường này đành nằm phơi mưa phơi nắng, ngày càng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Do chưa di dời được dân

Ông Trần Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho chủ trương xây dựng trụ sở, trường học, trạm xá mới ở vùng đất tái định cư thuộc phường Kỳ Trinh. Tổng số kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở này hơn 33 tỷ đồng. Trụ sở mới đã được xây dựng hoàn thành từ 8 năm nay nhưng do vướng mắc trong quá trình di dời dân đến khu tái định cư mới nên cán bộ xã vẫn phải ở lại làm việc tại trụ sở cũ. Chính vì thế, hiện nay trụ sở mới bị bỏ hoang, đã xuống cấp hư hỏng trầm trọng.

“Trạm y tế xã không sử dụng là do nhu cầu khám chữa bệnh không có, người dân chưa tập trung lên khu tái định cư đông. Còn trường cấp 2 được xây dựng với hơn 3 tỷ đồng, nhưng sau đó do học sinh cấp 2 chuyển về học ở Kỳ Trinh nên trường này bị bỏ hoang” – ông Lâm nói.

Trạm Y tế, trường học đều chung số phận.
Trạm Y tế, trường học đều chung số phận.

Còn theo ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, dự án di dời dân thuộc dự án cảng Sơn Dương của Formosa, công trình do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng xong giao cho UBND xã Kỳ Lợi quản lý.

Nguyên nhân khiến các công trình đồng bộ bị bỏ hoang là do chưa thực hiện xong việc di dời dân.

“Di dời dân phụ thuộc vào chủ trương từng giai đoạn của dự án, lấy đất đến đâu và thực hiện giải ngân đến đâu sẽ di dời đến đó. Hiện có khoảng 600 hộ dân Tân Phúc Thành 2, 3 chưa di dời lên khu tái định cư”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, địa phương đang tích cực vận động, tuyên truyền để toàn bộ hộ dân sớm di chuyển lên ở khu tái định cư, khi nào người dân ở ổn định thì sẽ sử dụng trụ sở mới này. Chính quyền thị xã Kỳ Anh cũng rất băn khoăn trước kinh phí để sửa chữa lại trụ sở mới đang bị xuống cấp trầm trọng.

Tiến Hiệp