1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cục trưởng Cục Trồng trọt lý giải hiện tượng củ cải, su hào chất đống thối rữa

(Dân trí) - Liên quan đến thực trạng thời gian gần đây ,tại một số địa phương, người nông dân phải ngậm ngùi vứt bỏ hàng tấn rau, củ, quả vì giá rẻ và rất khó tiêu thụ, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) khẳng định tình trạng sản lượng ế thừa nghiêm trọng, phải chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng mà xảy ra cục bộ ở Hà Nội và Hải Dương, với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào.

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh tình trạng rất nhiều loại nông sản do người nông dân làm ra như hoa tươi, rau củ quả,… đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được, phải bán giá rẻ như cho không, bị tư thương lợi dụng chèn ép, thậm chí nhiều nơi phải nhổ bỏ, chất đống cho đến thối rữa.

Người dân ở xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) ngậm ngùi vứt bỏ hàng trăm tấn củ cải trắng vì giá rẻ và khó tiêu thụ.
Người dân ở xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) ngậm ngùi vứt bỏ hàng trăm tấn củ cải trắng vì giá rẻ và khó tiêu thụ.

Trước tình hình trên, ngày 15/3/2018, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 2120/BNN-VP chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiểm tra, nắm tình hình và đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài về vấn đề này.

Sáng ngày 16/3, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) cho biết: Theo thống kê từ các tỉnh có nhiều vùng rau chuyên canh thì diện tích rau cuối vụ Đông và lứa đầu vụ Xuân hiện nay nhiều nhất ở Hà Nội còn 1.150 ha, Hải Dương còn hơn 100 ha, các tỉnh khác còn 10 - 15 ha. Ông Sơn khẳng định lượng tồn này đang ở mức thấp và tình trạng sản lượng ế thừa nghiêm trọng, phải chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng mà xảy ra cục bộ ở Hà Nội và Hải Dương, với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào.

Theo ông Sơn, qua khảo sát thực tế tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), người dân có khoảng 90 ha trồng chuyên củ cải. Mỗi năm trồng 5 lứa trong 8 tháng khi thời tiết thuận lợi, cho thu nhập rất cao. Củ cải giống Hàn Quốc, Nhật Bản năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha. Như thời vụ đầu năm, giá bán trung bình từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi héc ta cho doanh thu 500 triệu đồng cho một lứa thu hoạch. Hộ nào thắng liên tục, doanh thu có thể lên tới hàng tỉ đồng. Ở vùng này, phần lớn diện tích đã có hợp đồng bao tiêu nhưng vẫn còn nhiều hộ không có hợp đồng bao tiêu. Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán 2018, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp chưa hoạt động nhiều nên tốc độ tiêu thụ củ cải còn chậm.

Cũng theo ông Sơn, thời tiết thuận lợi, củ cải phát triển nhanh, cây cải bị trổ hoa sớm nên bên trong bị xốp, bẻ ra dễ dàng, không bán được; cộng với thị trường đang giảm giá và đã có nhiều loại khác thay thế cho củ cải. Tại xã Tráng Việt, có tình trạng nông dân phải nhổ bỏ củ cải trên diện tích khoảng 10 ha trồng loại củ này.

Tương tự, su hào ở Hải Dương cũng có tình trạng bị nhổ bỏ như củ cải, thời điểm thu hoạch trùng với thu hoạch vét các loại rau khác và có một số rau vụ Xuân, dẫn tới bán chậm. Bên cạnh đó, nông dân chần chừ chờ giá cao, su hào bị già không bán được. Phần lớn diện tích su hào bị nhổ bỏ là quá lứa, bị xơ xốp hết bên trong.

“Chiều 15/3, qua khảo sát tại Hải Dương, giá su sào giá bắt đầu tăng trở lại, từ 1.000 - 1.200 đồng/củ. Theo tính toán của nông dân Hải Dương, một sào su hào trừ chi phí thuốc, phân, giống hết khoảng 1 triệu đồng, nếu trồng 2.000 cây, giá bán 1.000 - 1.500 đồng/củ, thì vẫn có lãi. Dự báo, trong 7 - 10 ngày tới, giá su hào, củ cải sẽ ổn định trở lại” – ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

Hiện Cục Trồng trọt đang chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương tổng rà soát lại cơ cấu diện tích hiện nay còn trên đồng ruộng, cũng như cân đối về cung cầu để chúng ta có những khuyến cáo và hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Trước mắt, các rau ôn đới như su hào, bắp cải sẽ không kéo dài được nữa vì thời tiết nóng lên chất lượng sẽ giảm cho nên bản thân tự các địa phương đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, thông qua rà soát nếu thấy có hiện tượng nông dân vẫn lạm dụng và trồng nhiều loại rau này, chúng tôi sẽ có những cảnh báo đối với các địa phương để hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp.

Giá rẻ, cộng với khó tiêu thụ nên nhiều người dân ở huyện Tứ Kỳ - Hải Dương đã phải vứt hàng tấn su hào ra đường như thế này. (Ảnh: Tiến Mạnh).
Giá rẻ, cộng với khó tiêu thụ nên nhiều người dân ở huyện Tứ Kỳ - Hải Dương đã phải vứt hàng tấn su hào ra đường như thế này. (Ảnh: Tiến Mạnh).

Theo ông Sơn, điều quan trọng nhất hiện nay là việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu. Đi khảo sát tại xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, ông Sơn chia sẻ: “Khi được hỏi, nông dân nói rằng chúng tôi không cần phải giải cứu rau, quả và cũng không có ý kiến gì về vấn đề rau giảm giá vì chúng tôi đã tìm được những liên kết ổn định. Hay tại vùng Tráng Việt, rất nhiều hộ nông dân nói là chúng tôi không ảnh hưởng gì vì tất cả rủi ro thì chủ thương lái đã trả tiền trước cho chúng tôi rồi. Như vậy, rõ ràng nông dân có hợp đồng tiêu thụ trước, ổn định thì chúng ta sẽ tránh được tất cả những rủi ro này. Đặt hàng lúc đó là của thương lái, bao giờ thương lái cũng quan sát và cân đối thị trường tốt hơn nông dân làm nhỏ lẻ”.

Về lâu dài, ông Sơn cho rằng phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ Đông và Xuân để có hướng dẫn sát hơn.

“Bởi vì năm nào cũng xảy ra hiện tượng này thì sang năm chúng ta phải có những điều chỉnh từ đầu và có những cảnh báo nông dân, nhất là xác định đợt cuối cùng của vụ đông cho hợp lý, tránh rủi ro như hiện nay cũng như những năm trước” – ông Sơn nhấn mạnh.

Nguyễn Dương