Cử tri TPHCM ủng hộ Luật Biểu tình, Luật Biển

(Dân trí) - “Biểu tình không phải là phương tiện chống chính quyền mà còn có vai trò phản biện chính sách; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân; thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, chống lại âm mưu, diễn biến hòa bình…”, cử tri Cao Văn Triệu nhận định.

Ủng hộ Luật Biểu tình, Luật Biển

Ngày 28/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 - TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề nóng bỏng đã được đặt ra, trong đó nổi bật là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và vấn đề xây dựng Luật Biểu tình.
 
Cùng quan tâm tới các vấn đề lớn của đất nước, liên quan trực tiếp tới các tầng lớp nhân dân, cử tri Cao Văn Triệu - phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 bày tỏ nhiều tâm tư về Luật Biểu tình; cho rằng việc Quốc hội xem xét, xây dựng Luật Biểu tình vừa áp dụng theo điều 69 của Hiến pháp, nhưng đồng thời cũng đáp ứng được mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân. “Biểu tình không phải là phương tiện chống chính quyền mà biểu tình còn có vai trò phản biện chính sách; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cũng như thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, chống lại âm mưu, diễn biến hòa bình của các thế lực ngoại xâm;… Chưa có Luật Biểu tình là chưa thể hiện được dân chủ, chưa thực hiện nghiêm Hiến pháp …”, cử tri Cao Văn Triệu khẳng định.
Cử tri TPHCM ủng hộ Luật Biểu tình, Luật Biển - 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời ý kiến cử tri

Cử tri Lê Văn Minh, phường Cầu Ông Lãnh, thì đề nghị cần xem Luật Biển là vấn đề cực kỳ quan trọng và ưu tiên xây dựng trong thời gian tới. Cùng chung quan điểm, cử tri Trần Đăng Tâm, phường Đakao rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển Đông. Cử tri này cho rằng, xây dựng Luật Biển là một trong những bước đi quan trọng để hiện thực hóa chủ quyền đó.

Nhiều cử tri đánh giá cao tính hiệu quả của kỳ họp Quốc hội vừa qua. Kỳ họp đã “hỏi trúng, trả lời nghiêm” và không diễn ra cảnh “khảo bài - trả bài” như các kỳ họp Quốc hội khóa trước. Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (P. Cô Giang, Q.1) bày tỏ vui mừng khi kỳ họp lần này, Quốc hội đã đổi mới được cả về chất lượng lẫn phương cách làm việc; đặc biệt là cách chất vấn. Tuy nhiên theo cử tri Nguyệt, chức năng lập pháp của Quốc hội nên được làm rõ hơn. Trong đó, cần tránh sửa đổi nhiều về luật vì thống kê hiện nay cũng còn tới 50 luật cũng chưa được thi hành.

Nhiều cử tri cũng cho rằng một số vấn đề mà Quốc hội, MTTQ các địa phương cần phải lưu ý sau kỳ họp là các ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện nhận thức còn chưa đầy đủ thì cần phải được xem xét lại tư cách đại biểu, kể cả tính tới giải pháp bãi nhiệm tư cách đại biểu.

“Nóng” những bức xúc về chuyện dân sinh

Một số ý kiến cũng nêu tình trạng sử dụng lao động nước ngoài “chui” tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là hàng chục ngàn lao động Trung Quốc hiện gây bức xúc dư luận nhưng người dân lại chưa được thông tin rộng rãi. Cử tri Nguyễn Đình Tê, phường Phạm Ngũ Lão, còn đề nghị trang bị vũ khí cho ngư dân đánh bắt xa bờ để tự bảo vệ mình khi có tàu lạ xâm hại.

Cử tri Hoàng Công (P. Cầu Kho, Q.1) bày tỏ lo ngại về các nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận; dự án bô xít ở Lâm Đồng ít thông tin cho báo chí và người dân biết. Cử tri này cho rằng, hiện nay nhiều nước đang xem xét, khuyến cáo ngưng hoạt động các cơ sở, nhà máy điện hạt nhân ở nước họ. Như vậy nước ta cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lượng lợi hại để có được quyết định có lợi cho kinh tế đất nước, đời sống dân sinh. Theo đó, trong các phương án lựa chọn nhà đầu tư (hiện đang thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga) phù hợp và có cả các phương án dự phòng khi xảy ra tình hướng xấu nhất.
 
Cử tri TPHCM ủng hộ Luật Biểu tình, Luật Biển - 2
Cử tri TPHCM sôi nổi nêu ý kiến

Cử tri Nguyễn Minh Sửu, phường Đakao quan tâm vấn đề hư hỏng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Cử tri này cho rằng việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “trảm tướng” chỉ giải quyết phần ngọn mà không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Cử tri này kiến nghị, thà hy sinh một điều gì đó để khôi phục triệt để hư hại này, qua đó làm gương cho các công trình tương tự.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, cử tri Trịnh Thị Ngọc (đại diện khối doanh nghiệp) phản ánh hiện các doanh nghiệp rất “dễ phá sản” khi số lượng đơn hàng khan hiếm, hay áp lực lương thưởng tết cuối năm,… “Nhưng vấn đề ở đây là một số doanh nghiệp lợi dụng luật phá sản (còn nhiều bất cập) để xin phá sản, trốn nợ (có khi lên tới hàng trăm tỷ), sau đó rất dễ dàng để thành lập một doanh nghiệp mới”, bà Ngọc bức xúc.

“Sẽ ban hành Luật Biểu tình”

Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng khi đa số cử tri đã dành nhiều quan tâm và thời gian theo dõi các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch nước nhấn mạnh trong số 16 ý kiến trực tiếp và các ý kiến gián tiếp đã góp ý vào 3 vấn đề lớn, hết sức quan tâm của dư luận cả nước hiện nay là vai trò lập pháp, giám sát và tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Trong đó, vai trò lập pháp của Quốc hội hiện được đặt lên hàng đầu, trước đòi hỏi của những vấn đề vĩ mô; tình hình lạm phát cao, mức tăng trưởng giảm;…
Cử tri TPHCM ủng hộ Luật Biểu tình, Luật Biển - 3
Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi bà con cử tri

Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, hai mục tiêu xuyên suốt mà cả hệ thống chính trị phải thực hiện là: Bảo vệ bằng được chủ quyền biên giới, biển đảo và giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Về Luật Biểu tình, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hiến pháp đã quy định rõ ràng mọi công dân Việt Nam đều có quyền biểu tình nhưng chắc chắn phải có luật để đảm bảo mọi nguyền lợi, quyền dân chủ của mọi người dân được đảm bảo và thực thi”.

Công Quang