Công nhân mãi sống mòn với lương tối thiểu

(Dân trí) - Lương khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 62 - 69% mức sống tối thiểu. 90% số công nhân phải làm thêm giờ. Nhưng dù có làm thêm “miệt mài”, thu nhập vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu.

Lương tối thiếu quá chênh lệch với mức sống tối thiểu

Tại hội thảo Mức sống tối thiểu, những vấn đề đặt ra đối với việc xác định tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu của người lao động do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức, nhiều ý kiến ái ngại về việc lương tối thiểu vẫn còn chênh lệch quá xa so với mức sống tối thiểu của người lao động.

Nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tiền lương tối thiểu cho thấy lương luôn luôn chạy theo nhu cầu sống tối thiểu. Cụ thể, khu vực sản xuất kinh doanh (SXKD) chỉ đáp ứng được 62- 69% mức sống tối thiểu. Còn ở khu vực hành chính sự nghiệp, tỷ lệ này còn thấp hơn.

Ông Đặng Quang Điều, Viện công nhân và Công đoàn cho rằng, do mức lương tối thiểu của người lao động quá thấp (chỉ 2,3- 2,5 triệu đồng/ tháng) nên để có được mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, có đến trên 90% số công nhân phải làm thêm giờ.  Nhưng dù có làm thêm “miệt mài”, theo ông Điều, thu nhập của người lao động vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu. Bởi theo nghiên cứu, tính trung bình mỗi tháng, người lao động tối thiểu phải chi phí 800.000 - 900.000 đồng/tháng cho việc ăn uống, 1,2 triệu đồng cho các chi phí sinh hoạt khác. Nếu có thêm con cái, họ sẽ phải tiêu tốn thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

“Mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, chưa đủ để người lao động đủ sống. Do đó, các bữa ăn của công nhân, người lao đông rất kham khổ, cộng làm thêm nhiều nên không thể tái tạo lại được sức khỏe. Nhiều người phải ăn mòn mãi vào sức của mình, dẫn đến tình cảnh làm công nhân được vài làm là héo hắt, gầy mòn, nhất là lao động nữ” - ông Điều nói.

Bữa ăn của công nhân ngày càng đạm bạc

Bữa ăn của công nhân ngày càng đạm bạc

Còn ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, không ít bất cập của chính sách tiền lương tối thiểu hiện nay đã lộ rõ. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của chính sách tiền lương tối thiểu còn hẹp (chủ yếu trong khu vực chính thức), không điều chỉnh đối với công việc theo ngày, theo giờ.

Lương khu vực doanh nghiệp: Cần tăng cường giám sát

Thực tế cho thấy, trong số 506 vụ đình công xảy ra năm 2012 thì có 80% nguyên nhân là tranh chấp tiền lương và phụ cấp tiền lương. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc điều chỉnh lộ trình mức lương tối thiểu như kết luận của trung ương là rất khó khăn. Như năm 2013, Chính phủ chỉ tăng được 16 - 18% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Còn khu vực hưởng lương từ ngân sách thì thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng như đã trình với Trung ương (từ 1/5) cũng chỉ tăng lên mức 1,15 triệu đồng và thời gian áp dụng cũng chậm hơn 2 tháng. 

Tuy nhiên, cả ông Thành và ông Điều đều cho rằng, khó có thể điều chỉnh đúng lộ trình. Câu chuyện tiền lương và mức sống sẽ mãi như hình với bóng và khó biết bao giờ mới gặp nhau. Bởi việc cải cách tiền lương không đơn thuần là việc thay đổi bảng lương mà còn rất nhiều vấn đề liên quan khác.
 
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, do đó, tính toán về tiền lương tối thiểu phải gắn với việc tính năng suất lao động của họ trong quá trình làm việc.
 
Đứng ở góc độ bình đẳng giới, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng trong cách tính toán mức lương tối thiểu hiện nay không ổn ở chỗ chưa tính đến yếu tố đặc thù giới tính. “Lao động nữ có những đặc thù như trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ cũng cần tăng cường chế độ dinh dưỡng thì chưa thấy đề cập đến trong này”.
 
Ông Đặng Quang Điều đưa ra kiến nghị: Cần phải tăng cường quản lý tiền lương ở khu vực doanh nghiệp cũng như giám sát định mức lao động do doanh nghiệp đưa ra. Bởi lâu nay, việc quản lý vấn đề này quá lỏng lẻo, nhất là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì thế, người lao động chỉ còn cách đình công để đàm phán lương”.
 
Mặt khác, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng cần phải tăng cường năng lực và tính độc lập của công đoàn trong thương lượng tập thể. Thực tế hiện nay, người lao động rất thiệt thòi, bởi công đoàn là do giới chủ trả lương nên sức mạnh để đàm phán đòi hỏi quyền lợi cho lao động không cao.
 
Theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/5/2013) có một số nội dung mới như: mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; mức lương tối thiểu bao gồm lương tối thiểu theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố theo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia (gồm đại diện của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động ở Trung ương).

Phạm Thanh