Công bằng cho trẻ, đến bao giờ?

Chúng ta nói nhiều đến công ước quốc tế về quyền trẻ em, đến việc làm cái này, cái khác cho trẻ nhưng trên thực tế trẻ em đang được đối xử như thế nào? Bạo hành về tinh thần và thể xác, không được chăm sóc đầy đủ. Đó là thực trạng mà nhiều trẻ em đang phải gánh chịu.

Không coi các em có quyền được tôn trọng, được nói lên tiếng nói của mình là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay.

 

Bạo hành về tinh thần

 

Một khái niệm còn khá mới mẻ với Việt Nam đó là "sự lạm dụng về tinh thần và tình cảm", nhiều hình thức mắng chửi, cô lập, coi thường, hạ thấp trẻ em. Hẳn mọi người vẫn chưa quên một câu chuyện đau lòng xảy ra cách đây không lâu. Một em gái 16 tuổi, đi học ôn bị hỏng xe nên về muộn, về nhà bị mẹ mắng nhiếc thậm tệ, cho là em đã đi chơi với bạn trai.

 

Quá uất ức, em đã treo cổ tự tử. Hay một em ở Bắc Giang, vốn là một học sinh ngoan, học giỏi, bị cô giáo mắng oan, em đã tìm đến cái chết. Lứa tuổi của các em rất nhạy cảm, bất cứ một tác động tiêu cực nào cũng có thể đưa các em đến những hành động nông nổi và hậu quả sẽ rất khó lường.

 

Có một thực tế đang tồn tại, những người lớn tự cho mình cái quyền mắng nhiếc trẻ em, tất cả những mệt mỏi trong một ngày làm việc, những lo toan căng thẳng trong cuộc sống thường nhật của cha mẹ thường trút xuống đầu các em.

 

Việc bị mắng một cách vô cớ đã trở lên bình thường, không ăn cơm được: mắng; bố mẹ mắng không phản ứng gì, cho là lì lợm, chống đối: mắng; mà nếu nói lại lúc đó lại còn bị mắng thậm tệ hơn. Khi mắng oan con cái, khái niệm xin lỗi dường như không bao giờ tồn tại với các ông bố, bà mẹ

 

Nhiều khi các em cũng có lỗi nhưng thường bị mắng nhiều hơn các lỗi mắc phải. Đôi khi chỉ là để quên quyển truyện trên bàn cũng có thể bị coi là bừa bộn, vô tích sự.

 

Tại Việt Nam, việc mắng con là việc hết sức bình thường trong gia đình. Các em rơi vào trường hợp đó sẽ có nhiều phản ứng, hậu quả khác nhau, tâm lí đó kéo dài trong thời gian dài sẽ gây những tổn thương không tốt về mặt tinh thần. Có những em trở lên ngang bướng, thường xuyên cãi lại bố mẹ, cũng có khi các em để những uất ức trong lòng dần trở lên trầm cảm và nguy hiểm hơn nữa là các em thấy bị mắng nhiếc nhiều, dẫn đến mất tự tin, không dám làm gì, dần tách khỏi những hoạt động trong cộng đồng.

 

Trẻ bị mắng oan dễ gây ức chế tâm lí, ai cũng muốn được đối xử công bằng, được tôn trọng. Trẻ em càng cần được chú ý vấn đề này vì các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, những tác động của môi trường ngoài sẽ là yếu tố quyết định đến vấn đề này.

 

Bạo hành về thể xác

 

Trực tiếp hay gián tiếp, nạn bạo hành cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ và tinh thần của các em. Nhiều gia đình có người cha nghiện ngập trở thành hung thần trong mắt con cái. Mỗi khi uống rượu say lại đánh vợ trước mặt các con, những trận đòn vô cớ cứ kéo dài hết ngày này qua ngày khác và đôi khi chính các em cũng trở thành nạn nhân của những trận đòn này.

 

Câu chuyện đau lòng xảy ra cách đây không lâu, 20-5 tên Ngô Viết Dũng, trú tại huyện Đồng Phú, Bình Phước. Rượu và hờn ghen với vợ đã khiến hắn châm lửa thiêu chết hai đứa con thơ, một đứa 8 tuổi và đứa nhỏ chưa đầy 4 tuổi. Gia đình là tổ ấm, thực hiện chức năng thoả mãn tâm lí, tình cảm cho mọi thành viên trong gia đình.

 

Khi trẻ lớn lên, hình ảnh tiếp xúc đầu tiên của trẻ là cha, mẹ, đó là tấm gương và là hình ảnh lí tưởng cho chúng suốt cuộc đời. Những khiếm khuyết của người cha người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến mẫu bạn đời lí tưởng của con cái sau này. Nạn bạo hành trong gia đình cần đưa ra là một vấn đề của xã hội chứ không phải việc riêng của gia đinh đó.

 

Đánh trẻ em không phải là biểu hiện của tình yêu thương như câu nói "yêu cho roi cho vọt" mà chỉ là biểu hiện bất lực của cha mẹ trong giáo dục con cái. Không chỉ ở gia đình mà nạn bạo hành còn xảy ra trong môi trường giáo dục.

 

Cách đây không lâu, tại trường PTCS Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ, Quảng Trị) cô giáo Ngân Hà đã giao cho lớp trưởng dùng roi đánh nhiều học sinh trong lớp mỗi em gần 100 roi do phát hiện cuốn sổ đầu bài bị tẩy xoá...và còn nhiều không chuyện đau lòng không ai dám nghĩ đến. Đó không phải là tình yêu thương mà còn gây ra tổn thương to lớn về tình cảm, tinh thần, lòng tự trọng bị xâm phạm mà nảy sinh trong lòng các em tâm lí oán hận.

 

Hiện tượng xao nhãng trẻ em

 

Đây đang là một vấn đề đáng báo động hiện nay. Tại ven sông Hồng đang tồn tại một xóm liều, đó là những người dân đến từ nhiều vùng quê khác nhau mang theo cả những đứa trẻ. Cuộc sống tạm bợ trên những chiếc thuyền rách nát, những đứa trẻ không được đến trường, không được chăm sóc đầy đủ, thường xuyên chơi những trò nguy hiểm, nguy cơ bệnh tật, chết đuối luôn rình rập. Những đứa trẻ từ các vùng quê lên sống tại gầm cầu, lang thang, vạ vật, bệnh tật, thất học và có những em còn chưa được khai sinh

 

Hiện tượng xao nhãng trẻ em không chỉ tồn tại trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Việc mưu sinh, nỗi lo cơm áo khiến họ không còn thời gian dành cho con cái. Sức khoẻ, tính mạng của những đứa trẻ bị đe doạ, trong môi trường tệ nạn xã hội lan tràn, tâm lí của những đứa trẻ chưa biết phân biệt đúng sai, phải trái, dễ bị lôi kéo dẫn đến sa ngã và hàng ngàn các nguy cơ không tên khác.

 

Một hiện tượng phổ biến là những tác động của một gia đình không hạnh phúc. Trong suốt quá trình xuất hiện rạn nứt đến khi bố, mẹ li hôn là cả một quá trình nguy cơ, mọi hậu quả không ai khác, những đứa con là những người phải gánh chịu nhiều nhất.

 

Xao nhãng là một khái niệm khá mới mẻ, không đáp ứng những quyền cơ bản, những nhu cầu cơ bản. Xao nhãng thể hiện ở nhiều góc độ cả sự không đáp ứng về nhu cầu vật chất và sự thờ ơ với đời sống tinh thần của các em. Ngay tại các gia đình khá giả, dư thừa vật chất các em cũng không được chăm sóc đầy đủ, đó là sự xao nhãng về đời sống tinh thần. Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, mải mê với những hợp đồng kinh tế, với sự thăng tiến và mưu cầu địa vị xã hội và đôi khi cả vì sự đam mê công việc một cách thái quá. Những đứa trẻ gần như cả tháng không được gặp cha mẹ.

 

Chúng đến trường khi cha mẹ vẫn còn đang ngủ và mỗi tối khi đã yên giấc từ lâu cha mẹ chúng vẫn chưa có mặt ở nhà. Nhiều câu nói của các em, nhiều mong ước của các em tưởng như rất vô lí: "Cháu chỉ mong một lần cả nhà cháu cùng ngồi ăn với nhau một bữa cơm", Việt Hùng 15 tuổi trường Kim Liên vừa nói vừa khẽ thở dài.

 

Tiền ăn sáng của Hùng được bố mẹ phát cho hàng tháng, bữa trưa và bữa tối bố mẹ đã đặt sẵn và có người mang đến tận nơi. Không được quan tâm đầy đủ, đặc biệt trong giai đoạn mới lớn, nhu cầu đượ tâm sự, chia sẻ rất lớn. Không uốn nắn kịp thời các hành vi bất thường của các em, hậu quả sẽ rất khôn lường.

 

Trong việc truy quét các động lắc trong thời gian gần đây, cơ quan công an cho biết, đối tượng đến với các động này hầu hết là các em có hoàn cảnh khá giả. Tìm đến động lắc như một sự giải thoát khỏi nỗi cô đơn, quên đi cảm giác bị bỏ rơi.

 

Theo VTV