Con tàu luôn vượt lộ trình

(Dân trí) - Con tàu Khuyến học Việt Nam giờ đây đang tiến về phía trước với vận tốc ngày một nhanh. Dù đã được lập trình bằng những chiến lược chặt chẽ, cụ thể nhưng lộ trình vẫn thường xuyên bị vượt qua làm ngạc nhiên cả chính những người cầm lái.

Những chỉ tiêu đặt ra cho 10 năm chỉ thực hiện trong vòng 6 - 7 năm. Thậm chí, có những mục đích đặt ra 3 năm thì chỉ sau 1 năm đã hoàn tất. Sự lớn mạnh không ngừng khiến ước mơ đưa công cuộc khuyến học trở thành một phong trào chính trị xã hội sâu rộng sẽ đến trong một tương lai gần. Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.
 
Con tàu luôn vượt lộ trình - 1

GS.TSKH Phạm Tất Dong

Những ước mơ đang thành hiện thực

Năm 2008 được đánh giá là năm hết sức khó khăn của đất nước ta trên mọi lĩnh vực. Thế nhưng với riêng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài lại được cho là năm có nhiều thành tựu. Vì sao lại có sự đánh giá này, thưa ông?

Năm vừa qua là một năm phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển khá mạnh mẽ. Các chỉ số đều tăng nhanh. Phong trào Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học cũng phát triển rất mạnh. Hàng ngàn các chi hội khuyến học được thành lập, hàng triệu hội viên đã được kết nạp. Những con số tưởng như chỉ là "mơ ước" giờ cũng đã thành hiện thực.

Những "mơ ước đã thành hiện thực" đó cụ thể là những gì vậy?

Ví dụ như việc phát triển Trung tâm học tập cộng đồng, dự định đến năm 2010, đạt mức 80%. Thế nhưng đến cuối năm nay, chỉ tiêu đó đã hoàn thành. Rồi "mơ ước" tỉ lệ 10% dân số (so với dân số hiện nay khoảng 8,5 triệu người) là hội viên hội khuyến học ngày nào, giờ đã sắp thành hiện thực bởi đã có trên 6 triệu hội viên...

Ngày "Tượng đồng - Bia đá"

Theo ông, công tác khuyến học năm 2008 có phát hiện gì mới so với các năm trước đó?

Theo đánh giá của tôi, công bằng mà nói năm qua chưa có mô hình, phát hiện nào mới. Nó là những cái cũ được phát triển sâu rộng hơn, bền vững hơn và cũng mạnh mẽ hơn. Điều đáng mừng là sự nghiệp khuyến học, khuyến tài không còn là "tài sản riêng" của Hội khuyến học mà đã trở thành tài sản chung của toàn xã hội. Nói cách khác, toàn xã hội đều tham gia vào sự nghiệp này và biến nó trở thành sự nghiệp của toàn dân. Nó có mặt ở mọi nơi, mọi lúc từ gia đình, dòng họ, làng xã đến cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang...

Chưa phát hiện mô hình mới tức là năm 2009, chúng ta sẽ vẫn chỉ đi trên con đường cũ?

Nói cho chính xác thì năm 2008, chúng ta chưa thấy xuất hiện những mô hình có tính tiêu biểu, tuy đã có một số manh nha. Ví dụ như sự phối hợp với Bưu điện văn hóa xã, sự tham gia có ràng buộc đối với các doanh nghiệp...

Năm 2008, Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 02/10 làm Ngày Khuyến học Việt Nam. Là một trong số những người lãnh đạo Hội Khuyến học đồng thời cũng là nhà giáo, ông cảm nhận điều đó như thế nào?

Trước hết, nó khẳng định sự quan tâm, coi trọng của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và toàn thể nhân dân với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Nó không chỉ có tác động đến những người làm khuyến học mà thực sự đã trở thành ngày hội của toàn dân và trở thành môt cột mốc trong lịch sử văn hoá giáo dục của dân tộc. Về tầm cỡ, nó có thể sánh ngang với ngày 28/5/1938 (Ngày truyền bá quốc ngữ) mà có lần Bác Hồ đã nói đại ý là công lao của các chiến sỹ diệt dốt không có tượng đồng bia đá nào sánh bằng. Tuy nhiên, kèm theo vinh dự bao giờ cũng là trách nhiệm và những người làm khuyến học chúng tôi hiểu mình sẽ phải nỗ lực như thế nào trong những năm tới.

Thay đổi nhiều số phận

Những gì đúng thì ủng hộ, những gì sai thì góp ý, phê phán. Làm ngơ trước cái sai nào thì cũng không nên nhưng làm ngơ trước cái sai về giáo dục thì còn là một tội lỗi với tương lai.

Theo dự báo, năm 2009 sẽ là năm rất khó khăn về kinh tế. Công tác khuyến học không có nguồn ngân sách Nhà nước cấp mà hoạt động chủ yếu nhờ quyên góp của các nhà hảo tâm nên chắc chắn gặp không ít khó khăn. Hội Khuyến học đã có phương án gì để đối phó với tình hình này?

Chúng tôi hiểu rằng khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, họ khó có thể lo lắng cho phong trào như các năm trước đây và việc huy động tài trợ sẽ không dễ dàng. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các cấp Hội lưu ý việc sử dụng tài chính làm sao cho hiểu quả và thực sự minh bạch. Mặt khác, chúng tôi cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn tài chính từ các hoạt động có thu... Cái khó là hiện nay chưa có chủ trương liên kết đào tạo nên các mô hình này đang gặp bế tắc. Tuy khó khăn nhưng tôi nghĩ khuyến học là sự nghiệp chung, lại có tác dụng lâu dài đến toàn xã hội nên công tác này cũng sẽ vẫn nhận được sự quan tâm.

Muốn các doanh nghiệp và nhà hảo tâm giúp đỡ mình thì một trong những việc quan trong là việc sử dụng số tiền đó...?

Đúng là như vậy. Người ta bỏ tiền ra, họ phải biết đồng tiền đó sử dụng có hiệu quả không, có thất thoát không, có đến tận tay người nhận không... Vì vậy, phương châm của Quỹ chúng tôi là "Một đồng đến là một đồng đi". Tôi đã từng đến nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa để trao quà của Quỹ. Số tiền 500 - 1 triệu đồng/ người so với thành phố chẳng đáng là bao nhưng người dân ở đấy thì rất cảm động. Đã có không ít số phận thay đổi nhờ những đồng tiền ít ỏi đó.
 
Con tàu luôn vượt lộ trình - 2
Ông Phạm Huy Hoàn, TBT Báo điện tử Dân trí trong lễ trao
học bổng "Vòng tay đồng đội" cho các học sinh nghèo, hiếu
học đầu năm 2009.
 
Tôi thấy cần phải nói thêm rằng Quỹ Khuyến học Việt Nam có được sự ủng hộ như hiện nay là nhờ những đóng góp rất lớn của báo chí, nhất là Dân trí Điện tử và Khuyến học & Dân trí của Trung ương Hội. Quỹ nhờ có Báo để tuyên truyền và Báo thông qua Quỹ để nâng cao vị thế xã hội. Đây là mối quan hệ qua lại rất hiệu quả.  

Đã từng làm TBT lâu năm, ông có góp ý gì cho những người làm báo của Hội hiện nay?

Không phải cá nhân tôi mà tập thể lãnh đạo Hội rất mừng khi thấy sự phát triển mạnh mẽ và đánh giá rất cao những đóng góp của các cơ quan báo Hội, đặc biệt là tờ Dân trí điện tử và Khuyến học & Dân trí. Còn về cá nhân, tôi nghĩ là nhà báo cần có tính độc lập. Những gì đúng thì ủng hộ, những gì sai thì góp ý, phê phán. Làm ngơ trước cái sai nào thì cũng không nên nhưng làm ngơ trước cái sai về giáo dục thì còn là một tội lỗi với tương lai.

Xin cám ơn Giáo sư và chúc ông một năm mới an lành!

              Bùi Hoàng Tám (thực hiện)