Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Con người và tấm gương Hồ Chí Minh

(Dân trí) - “Khỏe - Học - Làm - Sống” là 4 nhu cầu cơ bản của con người. Có khoẻ mới có thể học tốt, làm tốt, sống tốt. Có khoẻ, có học hay mới có khả năng làm giỏi, làm sáng tạo, mới có thể sống hạnh phúc, đạo đức, văn minh.

Con người và tấm gương Hồ Chí Minh  - 1
Bác Hồ tập thể dục rèn luyện sức khỏe.
 

Để trở thành “con người thông thái”

 

“Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ... Dân cường thì quốc thịnh”. (1)

 

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu... Phải trở thành dân tộc thông thái”. (2)

 

“Tấm gương Hồ Chí Minh” là tổng hoà cách giữ gìn sức khoẻ khoa học, cách tự học thiên tài, là cách làm cách mạng sáng tạo với cách sống đạo đức, văn minh, danh nhân văn hoá thế giới, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, cấp bách trước mắt cũng như về cơ bản lâu dài, trong sự nghiệp “trồng người, xây dựng, nâng cao thể lực và trí lực con người Việt Nam chính là “Tấm gương bốn tốt”: “Sức khoẻ tốt, Học tốt, Làm tốt, Sống tốt”, “Sức khoẻ tốt, Tự học hay, Làm sáng tạo, Sống đạo đức, văn minh”.

 

Con người của một dân tộc đang phấn đấu “trở thành dân tộc thông thái”, “dân cường quốc thịnh”, được xây dựng thông qua vận dụng - phát triển tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh, cùng nhịp bước khẩn trương của thời đại, phải là một con người “thông thái”, cao khoẻ, tự học hay, làm sáng tạo, sống văn minh”, gọi tắt là “con người thông thái bốn tốt”, “con người thông thái”.

 

Con người thông thái biết tự chăm lo vun đắp cái vốn quý nhất của mỗi con người và của dân tộc, giống nòi là sức khoẻ và trí tuệ: biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, nâng cao sức khoẻ và tầm vóc nên người cao khoẻ; biết cách tự học hành sáng tạo suốt đời; biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý, tất cả “vì chân lý - vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (3), sống hạnh phúc, đạo đức, văn minh.

 

Cách dạy sáng tạo

 

Vì mục tiêu đào tạo ra những con người thông thái bốn tốt, trường học cần xây dựng đội ngũ nhà giáo bốn tốt có bản lĩnh dạy sáng tạo.

 

Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” có thể xem là phong trào đổi mới cách dạy của các “nhà giáo bốn tốt”: Thầy “tự học hay, dạy sáng tạo, đạo đức cao” chủ động tự đổi mới, vận dụng các cách dạy sáng tạo cho trò “tích cực tự học, sáng tạo”.

 

Tuy vậy, phổ biến hiện nay vẫn là “Thầy truyền đạt - trò thụ động tiếp thu một chiều”, “Thầy giảng - trò nghe, nói theo, làm theo” - một phương pháp lạc hậu tạo ra những con người được nhồi nhét kiến thức để vượt qua các kỳ thi, nặng về phục tùng, thừa hành, rập khuôn. Việc học nặng nề, quá tải đã dẫn đến những con số thống kê ảm đạm các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, tâm thần, trẻ lùn còi, lùn béo... đáng báo động về sức khoẻ, chiều cao và trí tuệ của con người và giống nòi!

 

Yêu cầu nhà giáo làm “tấm gương sáng tạo”, nhưng thực tế thi cử khắc nghiệt “thi gì học nấy” buộc nhà giáo phải làm “người luyện thi”!

 

Vận động nhà giáo “dạy sáng tạo”, nhưng sách giáo khoa - pháp lệnh tối cao trong nhà trường - buộc thầy phải làm “người truyền đạt” kiến thức một chiều đúng theo từng trang sách, trò phải học thuộc từng bài, từng chương để vượt qua các cửa ải thi cử! Sách học của ta lại đang ở dạng lạc hậu là “một ngân hàng kiến thức” áp đặt kiến thức sẵn có cho học sinh học thuộc, trong lúc sách học tiến bộ trên thế giới là “Công cụ khám phá”, “Ngân hàng tình huống” cung cấp một hệ thống tình huống - vấn đề cho người học suy nghĩ, tự mình tìm ra cách xử lý và kiến thức.

 

Một bộ sách học - ngân hàng tình huống - công cụ khám phá - cùng với một hệ thống đánh giá thi cử thông thoáng (bỏ kỳ thi trung học cơ sở và kỳ thi vào đại học...) mở rộng đường cho nhà giáo đi sâu vào cách “dạy sáng tạo”.

 

Học sáng tạo
 
Con người và tấm gương Hồ Chí Minh  - 2
Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc

 

Từ “học thụ động, tiếp thu một chiều, học vẹt, khuôn sáo, giáo điều” khá phổ biến hiện nay trong toàn hệ thống nhà trường và xã hội, đến “tự học hành sáng tạo suốt đời”, “biết cách độc lập suy nghĩ, tự mình chiếm lĩnh lấy tri thức”, là cả một cuộc cách mạng về việc học của toàn xã hội.

 

Mỗi người học “vừa là chủ thể vừa là mục tiêu vừa là động lực chủ yếu” của cuộc cách mạng đó cần chủ động phấn đấu tự học, từ rèn thành con người thông thái bốn tốt thông qua các cuộc vận động thi đua “Học sinh bốn tốt”, “Sinh viên bốn tốt” với những tiêu chí cụ thể đáp ứng đúng nhu cầu độ tuổi. Hằng năm, cần có tổng kết khoa học nghiêm túc về “cách học hành sáng tạo”, biểu dương khen thưởng những “Học sinh, Sinh viên Bốn tốt”, “Học sinh, Sinh viên Sáng tạo”.

 

Mỗi người dạy cần phát huy vai trò “tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, xoáy sâu vào trọng tâm là dạy sáng tạo: Thầy hướng dẫn cho trò biết cách tự xử lý các tình huống - vấn đề tự tìm ra kiến thức, biết cách tự học, độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo. Cần suy tôn “Nhà giáo Sáng tạo” qua việc tổng kết khoa học hằng năm về “cách dạy sáng tạo”.

 

Sự nghiệp xây dựng con người thông thái từ thuở thai nhi thật cao cả, mà gia đình thì lắm nạn: nạn nghèo khó, nạn kém hiểu biết về giáo dục và chăm sóc thai nhi, giáo dục và chăm sóc trẻ em, nạn phá thai, nạn ly hôn...

 

Cần thiết thực trang bị cho gia đình hiểu biết và kỹ năng giáo dục chăm sóc cho thai nhi, trẻ em và người lớn, giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo có những điều kiện cần thiết cho con em được chăm sóc, học hành.

 

Cần gắn kết các bộ, ngành, các hội, đoàn thể và tổ chức có liên quan đến sức khoẻ và trí tuệ của con người cùng chung sức “đem tài dân, của dân và sức dân” (4) xây dựng “Gia đình Hiếu học - Khoẻ mạnh - Văn hoá” thành “Gia đình bốn tốt” - Gia đình chăm lo thoả mãn tốt bốn như cầu cơ bản của con người, với những thành viên bốn tốt.

 

Tấm gương bốn tốt

 

Sức khoẻ tốt: Biết cách tự chăm sóc, từ rèn luyện, nâng cao sức khoẻ.

 

Học tốt: Biết cách tự học hành sáng tạo. Có trình độ giáo dục phổ cập theo độ tuổi.

 

Làm tốt: Biết lao động, có nghề. Lao động giỏi, có sáng kiến, sáng tạo.

 

Sống tốt: Cần kiệm, lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.

 

“Gia đình bốn tốt” là hội tụ các phong trào kinh tế - xã hội lớn của đất nước thành nơi con người phát triển toàn diện, tự học hành sáng tạo suốt đời là tế bào của xã hội học tập. Với đại đa số số hộ là gia đình bốn tốt, thì cả nước trở thành một xã hội học tập hiện đại.

 

Đất nước đổi mới đang đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên, đoàn viên hãy là một con người thông thái “dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám nhận trách nhiệm”!

 

Mỗi người cán bộ quản lý - lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hãy phát huy mạnh mẽ vai trò “Tấm gương bốn tốt", đặc biệt là bản lĩnh điều hành sáng tạo, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh trong thời đại toàn cầu hoá - tin học hoá cho dân ta thành người thông thái, dân tộc ta thành dân tộc thông thái, nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

(1) (2) (3) (4): Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục. 1990. Tr. 47.36.151.53.

 

Vũ Oanh

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,

Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam