Có nên khuyến khích dân bắt cướp?

Một tên cướp hung hãn, giật máy tính xách tay, đâm chết người, đâm trọng thương công an. Người bị tước đoạt mạng sống là anh Hoàng Ngọc Tri - một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.

Có nên khuyến khích dân bắt cướp?
Một trong nhiều tên cướp (người ngồi sau xe máy) bị nhóm “hiệp sĩ” TPHCM bắt.

Hằng ngày, có rất nhiều vụ cướp xảy ra trên địa bàn TPHCM, nhưng nạn nhân không khai báo gì hết, chỉ những trường hợp liên quan đến án mạng dư luận mới biết đến.

Người dân đang sống trong nỗi bất an vì cướp giật. Có những vụ cướp tàn bạo, sẵn sàng hạ thủ người dám ngăn cản hay truy đuổi. Loại tội phạm này vừa là cướp giật, vừa là sát thủ đường phố, mà vụ án nêu trên chỉ là một ví dụ.

Anh sinh viên vừa ra trường mất mạng vì cố truy đuổi tên cướp để giành lại chiếc laptop. Bất cứ ai cũng có thể rút ra một điều, nếu như anh không đuổi theo tên cướp, thì anh chỉ mất chiếc máy tính, nhưng không mất mạng. Điều này gần như mâu thuẫn với cái gọi là phong trào phòng, chống tội phạm, nếu như ai cũng có suy nghĩ tiêu cực là sợ bọn cướp, thờ ơ với chuyện bất bằng giữa đường thì cướp giật càng hoành hành.

Nhưng nếu truy đuổi cướp mà không có kỹ năng cần thiết, không có vũ khí và kinh nghiệm bắt cướp thì nguy hiểm cho bản thân và cho người đi đường. Không chỉ trường hợp anh Hoàng Ngọc Tri, đã có không ít người vì đuổi theo cướp mà bị tai nạn giao thông hoặc bị bọn cướp tấn công. Cho nên, kêu gọi và biểu dương những gương điển hình dám chống lại bọn cướp không phải là việc tích cực nếu như không có những cảnh báo đi kèm.

Đối với người dân, cách tốt nhất là biết đề phòng cẩn thận khi ra đường, tránh tối đa các cơ hội để bọn cướp ra tay, hơn là kêu gọi mọi người cùng tham gia bắt cướp. Trong bất cứ trường hợp nào, dù với bất kỳ lý do gì, mạng sống con người luôn quý giá nhất. Để bắt được một tên cướp nhưng đẩy rủi ro về phía người lương thiện, có thể bị tấn công và bị tước đoạt mạng sống, thì nên lựa chọn sự an toàn cho người dân. Thà để mất một tài sản và để sổng một tên cướp hơn là lấy mạng người vô tội ra đánh đổi.

Vậy thì chẳng lẽ để cho bọn cướp hoành hành? Không! Đó là việc của công an. Người dân đóng thuế cho Nhà nước, trong đó có phần kinh phí trả lương cho các cơ quan bảo vệ tính mạng và tài sản của dân chúng. Lực lượng công an có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, được huấn luyện và vũ trang, được pháp luật cho phép bắt giữ can phạm. Nếu như tội phạm cướp giật tràn lan, ngang nhiên tấn công dân lành thì công an chưa hoàn thành nhiệm vụ. Công tác điều tra, nắm bắt hoạt động của các băng nhóm tội phạm trên địa bàn không tốt thì không thể ngăn chặn cướp giật.

Phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm rất đáng được mọi công dân hưởng ứng, trong đó chú trọng đến việc phát hiện và báo cáo với cơ quan chức năng các trường hợp liên quan đến hoạt động tội phạm, tăng cường đề phòng cảnh giác trong các khu phố, thôn xóm để đề phòng trộm cướp. Không nên kêu gọi phong trào truy đuổi bọn cướp giật bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. 
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động