Cơ hội cho người dân “định giá” đồ án quy hoạch Hà Nội

(Dân trí) - Hội Môi trường xây dựng Việt Nam vừa kiến nghị Quốc hội chưa nên thẩm định đồ án Quy hoạch chung Hà Nội. Tuy nhiên qua “cửa” Quốc hội, bản quy hoạch sẽ được triển lãm rộng rãi, là cơ hội cho tất cả công dân góp ý kiến về tương lai thủ đô.

Bản quy hoạch do liên doanh tư vấn PPJ lập dường như được đặt rất nhiều hy vọng “thay sắc” cho những vấn đề bức bối của Hà Nội hiện tại nhưng triển vọng một thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại vẫn còn đó những câu hỏi cần giải đáp thỏa đáng…

Hà Nội “đầu to”?

Hà Nội có sức hút đầu tư mạnh mẽ - Đây là lợi thế cũng là nguy cơ của căn bệnh ”đầu to”. Việc tập trung quá mức, quá nhiều lĩnh vực trên một địa bàn làm trầm trọng thêm bệnh mất cân đối nội tại và cả vùng chung quanh. Hà Nội nên chăng cần chia sẻ cơ hội phát triển sang các địa phương lân cận như  phân bổ các trung tâm công nghiệp tới các địa phương thuận lợi vận tải đường biển, đường sông.

Cơ hội cho người dân “định giá” đồ án quy hoạch Hà Nội  - 1
Phân tích vùng phát triển của các địa phương chung quanh Hà Nội mở rộng

Các trung tâm giáo dục đại học cần chuyển tới các tỉnh đông dân cư nhưng tiềm năng đất đai đang sử dụng phân tán. Trung tâm y tế lớn nên chăng bố trí tới các địa phương lân cận, giảm áp lực giao thông, chi phí cho bệnh nhân và người nhà khi phải đến thành phố với nhiều chi phí đắt đỏ.

Thực tế các tỉnh bạn đã hình thành các dự án theo định hướng này, nhưng trong tài liệu quy hoạch, nội dung này chưa được sáng tỏ. Do đó trong địa giới Hà Nội vẫn trải đều ra các trung tâm đại học, bệnh viện, khu công nghiệp, thậm chí vẫn duy trì cả trong khu trung tâm cũ lẫn bên ngoài.

Đủ nước sạch duy trì hành lang Xanh

Bản quy hoạch Hà Nội nhấn mạnh hình ảnh hành lang Xanh. Đã phủ màu xanh nghĩa là phải đủ nước bốn mùa, nhưng đơn vị tư vấn chưa đề xuất giải pháp thuyết phục nhằm giải quyết tổng thể nguy cơ khô hạn, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và khả năng nhiễm mặn khi biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng cao.

Biến đổi khí hậu và can thiệp của con người đang hiện rõ khi sông Mê Kông mỗi ngày một cạn do Trung Quốc đắp 11 đập ở thượng nguồn để đối phó với nạn thiếu nước làm ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng Nam bộ Việt Nam. Tại Bắc bộ, Hà Nội ở vị trí trung tâm tam giác châu thổ sông Hồng, diện tích vùng 15.000 km2, dân số 22,5 triệu người (¼ dân số cả nước), tỷ trọng  sản xuất chiếm 22% cả nước.

Sông Hồng dài 1.150km , nhưng bắt nguồn và có 1/2 tổng chiều dài nằm trong lãnh thổ Trung Quốc - đất nước chiếm 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 7% nguồn nước toàn cầu 75% sông, hồ đã ô nhiễm. Không có gì đảm bảo từ đầu nguồn sẽ ngày một nhiều nước đổ vào sông Hồng chảy về Hà Nội.

Thực tế sông Hồng khô hạn ngày một gia tăng. Mùa khô 2009, các ngành chức năng phải huy động 2 tỷ m3 dự trữ các hồ chứa để giải cứu cả vùng nông nghiệp dọc theo dòng sông mẹ. Bản quy hoạch cần mô tả thuyết phục về giải pháp điều tiết, lưu trữ nước ngọt đảm bảo sinh thái bền vững cho Hà Nội, thành phố trung tâm và cả vùng châu thổ.

Con đường chắc đến tương lai?

Cơ hội cho người dân “định giá” đồ án quy hoạch Hà Nội  - 2
Bản đồ vùng trũng ngập (màu xanh thẫm) trong lưu vực sông Tích, sông Đáy quy hoạch thành hành lang Xanh trữ 3 tỉ m3 nước ngọt.

Mở rộng thành phố ra ngoài thì đồng thời phải cải thiện mở rộng trong trung tâm đô thị diện tích cây xanh, giao thông, không gian công cộng. Đất đai từ trung tâm ra bên ngoài phải là tài nguyên quý giá, cần trở thành tiền bạc tương xứng với giá trị để làm giàu ngân sách thành phố. Đất đai tự nó phải tạo ra nguồn lực để phát triển đô thị lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ USD (chứ không chỉ đền bù rẻ mạt đất ruộng rồi bán nền nhà giá cao, chỉ làm giàu cho các chủ dự án kinh doanh BĐS).

Phần tài chính đô thị trong bản quy hoạch chưa rõ mà chỉ tính đầu tư ngân sách hay đi vay (ODA, FDI…) để phát triển hạ tầng. Vẽ ra viễn cảnh không khó, tìm ra giải pháp khai thác tối ưu tài nguyên đất đai để đầu tư xây dựng tạ tầng đô thị theo bản vẽ mới cần đến cái tài giỏi của trong tư vấn quốc tế .

Thành phố ngàn năm chắt chiu gây dựng bảo vệ, mảnh đất thấm nhiều mồ hôi tâm huyết của bao thế hệ mà chỉ trong thời điểm mở rộng chớp nhoáng, 744 dự án ra đời trong hấp tấp vội vàng đến khó hiểu. Bản quy hoạch cũng đã mất nhiều công sức để cân nhắc giữa bỏ và giữ.

Đến nay hình hài đô thị đã “lên khung” với tổng diện tích xấp xỉ 1.000 km2 đô thị hóa, gấp cả chục lần thành phố cũ xây dựng trong suốt cả ngàn năm. Vậy nên chuyện xây thành phố có làm đất nước giàu có, thịnh vượng hơn hay phải đi vay để làm, chồng thêm gánh nặng nợ nần - Câu hỏi không chỉ tư vấn trả lời mà có lẽ dành cho nhiều người cùng suy nghĩ thấu đáo, đóng góp xây dựng.

Trần Huy Ánh