Cố hạn chế ôtô thì phải tiếp tục chấp nhận xe máy

(Dân trí) – “Áp dụng các giải pháp buộc chứng minh có điểm đỗ khi đăng ký xe, tăng thuế, phí… là đề người dân thấy dùng ôtô không bằng phương tiện khác. Nhưng như vậy lại phải chấp nhận việc người dân tiếp tục dùng… xe máy”.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phân tích không ít cái khó trong mỗi biện pháp tình thế cũng như lâu dài để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại thủ đô.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ mở rộng, ông có trình bày, ùn tắc giao thông tại Hà Nội chủ yếu do hạ tầng yếu kém. Đây là vấn đề khó “gỡ” vì cần một nguồn tài chính cực lớn. Trong bối cảnh khủng hoảng, khó khăn này, “cửa” nào có thể giải quyết vấn đề?

Vốn ngân sách thì đã rất hạn hẹp rồi. Vấn đề giờ là phải làm thế nào huy động từ vốn ngoài ngân sách. Việt Nam hiện cũng không còn nằm trong nhóm nước được xét cho vay ODA nhiều nữa. Buộc phải thắt lưng buộc bụng huy động nguồn vốn trong xã hội. Nhưng để huy động được phải có cơ chế chính sách để hấp dẫn, thu hút hơn.

Hiện các hình thức, cơ chế chính sách hiện nay ở cấp Chính phủ, TƯ chưa hoàn thiện. Ngay cả hình thức truyền thống BT (xây dựng – chuyển giao) cũng rất nhiều bất cập.
Cố hạn chế ôtô thì phải tiếp tục chấp nhận xe máy - 1
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: "Việc buộc chứng minh chỗ đỗ khi đăng ký xe mới chỉ là đề xuất".

Hà Nội hiện có 4 – 5 dự án BT đã xong, chỉ việc đưa vào khai thác, sử dụng mà cũng không đơn giản.

BTO (xây dựng - chuyển giao - khai thác) và ngược lại BOT càng không hấp dẫn, ít người tham gia. PPP (công tư hợp danh), nhà đầu tư cũng đang còn tìm hiểu chính sách, quan điểm cụ thể của nhà nước.

Vậy nên thời gian tới để huy động những vốn đầu tư ngoài ngân sách cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách để hấp dẫn, thu hút hơn.

Cụ thể dự án tàu điện trên cao, tàu điện ngầm… dự kiến ngốn đến hàng chục tỷ USD trong năm tới, thời gian tới thành phố sẽ triển khai thế nào?

Giờ ngay cả phương thức đầu tư BT cũng khó có khả năng vì chúng ta không thể nào có đủ quỹ đất huy động để… đổi hạ tầng. Và ngay cả việc có quỹ đất để huy động tạo vốn thì việc đầu tư bất động sản hiện cũng đang là cả vấn đề báo động. Ở ta, 2 thị trường BĐS lớn là Hà Nội và TPHCM, tình trạng đều đã là bong bóng rồi.

Được biết vừa qua, Bộ KH-ĐT từng có văn bản yêu cầu Hà Nội chấn chỉnh lại phương thức đầu tư BT. Thành phố đã bị “thổi còi” vì có biểu hiện phá rào?

Vừa qua các cơ chế về hình thức này cũng chưa đồng bộ, hoàn thiện trong quá trình triển khai đầu tư nên buộc Hà Nội phải xem xét rà soát lại tất cả những dự án BT đã được Thủ tướng cho phép xem cái nào thực sự phải huy động để tạo vốn hoàn thiện cho công trình thì mới cho chạy còn không thì tạm thời dừng lại.

Ngoài biện pháp căn cơ về lâu dài là phải cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay, các giải pháp hành chính như buộc xác định được điểm đỗ xe mới cho đăng ký đối với ô tô cũng đang được tính tới?

Việc mua xe ô tô là vấn đề của thị trường, của người tiêu dùng nhưng trong điều kiện cụ thể chính quyền địa phương có thể ban hành quy định như muốn được cấp đăng ký lưu hành thì phải chứng minh có gara, điểm đỗ cho xe. Nhưng việc này cũng mới chỉ là đề xuất.

Còn những giải pháp khác đã được duyệt như tăng phí đối với ô tô trong khu vực nội đô?

Giải pháp đồng bộ để hạn chế phương tiện như áp thuế trước bạ hay phí giao thông dành cho ô tô, thành phố chủ trương phải nâng cao lên để làm sao người ta thấy dùng ô tô không bằng dùng phương tiện khác. Nhưng nếu vậy, ta lại phải chấp nhận việc người dân dùng loại phương tiện thông dụng, đơn giản nhất hiện nay là xe máy.

Còn phí đối với xe vào khu vực nội đô, Hà Nội vừa rồi đã phải tính phí này ở mức cao nhất - mức trần trong khung quy định, tức là áp dụng mức phí cao nhất mà Chính phủ cho phép.

Cũng có ý kiến đặt vấn đề nghi ngờ việc tăng thuế, phí phải chăng cũng là động thái để giúp làm ấm lại thị trường ôtô khi nhiều người sẽ phải tham gia cuộc đua mua xe trong những tháng cuối năm này để chạy thuế, chạy trước bạ trước thời điểm áp dụng mức thu mới?

Đó là câu chuyện về sự vận hành bình thường của xã hội. Ta phải tính mục đích lâu dài của cả một chính sách như nào. Còn trong thời gian thực thi, sẽ có những bước mà xã hội sẽ lập tức vận động theo là chuyện bình thường, không vấn đề gì cả.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Cần có giải pháp để xì hơi thị trường bất động sản, đừng để bong bóng nổ. Việc này đương nhiên nhà nước phải đứng ra, không thể nói ai có thể xì hơi giúp quả bóng này.

Quỹ nhà hiện đang dư thừa, nhất là chung cư trong khi các sản phẩm dành cho nhu cầu  thật như nhà ở xã hội lại đang rất thiếu. Đây chính là hiện tượng bất hợp lý trong cơ cấu bất động sản hiện nay.

Quỹ nhà đã tạo ra hiện còn ứ đọng trên thị trường rất lớn, có chăng chỉ là để đầu tư mua đi bán lại. Mà việc mua đi bán lại như hiện nay ta thấy đã bắt đầu xuống giá, không ít nơi phải bán cắt lỗ. Chỉ còn cách giờ nhà nước phải bỏ quỹ dự trữ quốc gia của mình ra hoặc thông qua hệ thống ngân hàng để mua lại số nhà ứ đọng đó để tạo thành quỹ nhà cho thuê.

Tiếp nữa, để ngăn chặn bong bóng phồng to lên phải dùng công cụ lãi suất để điều chỉnh thị trường. Mức lãi suất phải điều chỉnh sao để người ta thấy đầu tư vào bất động sản không còn lợi nhuận nữa sẽ tự cắt giảm, đầu tư vào lĩnh vực này.

Năm 2011, cho vay bất động sản chỉ chiếm 7% trong tổng dư nợ tín dụng ngân hàng của Hà Nội. Thành phố đã chỉ đạo sát sao như thế. Nhưng việc này cũng lại dẫn đến vấn đề một loạt dự án bất động sản đầu tư dở dang. Nếu không cho DN vay tiếp để hoàn thiện nốt, để có sản phẩm bán ra mà đồng vốn vẫn đọng lại sẽ còn nguy hiểm hơn.

P.Thảo (ghi)