Cô gái với hàng ngàn “mụn nước” phủ khắp người

Những khối u mọc khắp người như nấm sau mưa cứ tiếp tục to dần của con gái đã đẩy gia đình bà Sà Phay trở thành biệt lập tại vùng quê nghèo Ngan Rô, Trần Đề, Sóc Trăng.

Gia đình đông anh em, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc khiến cho căn bệnh kỳ lạ của chị Sa Ly vẫn còn là điều bí ẩn. Người mẹ gầy còm hơn 5 năm qua chăm sóc con gái trong nước mắt.

 

Mang nặng nỗi đau

 

Chị Thạch Thị Sa Ly - 35 tuổi, ngụ ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) có thân hình kỳ quái. Hàng ngàn “mụn nước” mọc khắp người rồi to dần. Hiện nay, những khối u này đã che đi đôi mắt, lấp luôn sống mũi, khuôn mặt không còn nhận dạng được nữa.

 

Bà Thạch Thị Sà Phay - mẹ của Sa Ly - cho biết: Lúc mới sinh ra, Sa Ly bình thường như 7 đứa con khác của bà. Đến hơn 1 tuổi, phía sau lưng Sa Ly có vài mụn bướu nhỏ, cứ tưởng là mụn bình thường, nhưng rồi Sa Ly càng lớn, những mục này lớn theo và lan ra khắp người. Gia đình quá nghèo, không có điều kiện lo thuốc thang cho con. Sa Ly dù mang chứng bệnh lạ, nhưng hằng ngày vẫn đi bẻ trái sơri thuê cho người khác để kiếm tiền. Do mặc cảm nên Sa Ly không dám đến trường. Em sống lầm lũi giữa xóm làng. Nỗi đau bệnh tật cộng với nỗi cô đơn trống vắng của người con gái đến tuổi cập kê khiến cho Sa Ly rơi vào trạng thái trầm cảm.

 

Cách nay 10 năm, bà Sà Phay từng dắt con gái lên BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, nhưng nơi đây không có khả năng điều trị, đề nghị chuyển lên TPHCM. Không tiền, bà Sà Phay dắt con về nhà. Cũng từ đó, căn bệnh của Sa Ly ngày càng nặng thêm. Sa Ly không thể đi lại bình thường. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ mẹ chăm sóc.

 

Cô gái với hàng ngàn “mụn nước” phủ khắp người  - 1

Trên người chị Thạch Thị Sa Ly nổi đầy mụn che hết cả khuôn mặt. Ảnh: N.H

 

Phó mặc cho… trời

 

Không có tiền điều trị, không biết bệnh gì, làng xóm không dám đến gần, đêm đêm nghe tiếng con khóc than thảm thiết, vợ chồng Danh Tèo - Sà Phay không sao cầm được nước mắt. Thân hình bà Sà Phay gầy còm hơn so với độ tuổi 63 của mình. Theo bà Sà Phay, từ đầu năm 2011, thị trấn đã đưa con bà vào diện trợ cấp xã hội, với mức trợ cấp 9 tháng được 1,62 triệu đồng.

 

Ngày 29/11, PV đến Trung tâm các Bệnh xã hội tỉnh Sóc Trăng để tìm sự sẻ chia, hy vọng có phương cách nào hướng dẫn cho người dân tìm nơi điều trị. Tuy nhiên, tình cảm của chúng tôi không được nơi đây đón nhận.

 

Ông Đặng Hoàng Mậu - Phó Chánh văn phòng - không cần nghe chúng tôi trình bày tên họ của bệnh nhân, thẳng thừng: “Muốn chẩn đoán phải chở bệnh nhân lên, chúng tôi mới làm xét nghiệm, khám bệnh”. Khi chúng tôi đưa cho ông Mậu xem những tấm ảnh của Thạch Thị Sa Ly với câu hỏi, bệnh nhân này đã từng có đến đây khám bệnh hay không, ông Mậu quay ngang: “Anh về nói với bệnh nhân phải đem giấy nhập viện, ra viện cụ thể vào ngày - tháng - năm nào chúng tôi mới trả lời được có đến đây khám chữa bệnh hay không. Nói tên họ, tôi không biết”.

 

Với cách trả lời này, chúng tôi càng thông cảm với nỗi chua xót của bà Sà Phay khi cho rằng “Bệnh của con tôi chắc phó mặc cho trời”(!?).

 

Căn bệnh của chị Thạch Thị Sa Ly có phải là “vô phương cứu chữa”? Mong các thầy thuốc lưu tâm trả lời câu hỏi này.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn bệnh của chị Thạch Thị Sa Ly gần giống với bệnh của bà Nguyễn Thị Đáng - xóm Dền, thôn Trung (Bình Lục, Hà Nam) và ông Nguyễn Đình Chiểu - cụm 9, thôn Vương Điện, xã Ngọc Thảo (Phúc Thọ, Hà Nội). Hiện 2 trường hợp này vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để.

 

Theo Nhật Hồ

 Lao động