1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Góp ý Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XII:

Có đề bạt, cũng phải có hạ bệ mới đủ độ thử thách cán bộ

(Dân trí) - Kêu gọi bỏ “chủ nghĩa lý lịch”, đánh giá thực chất mỗi cá nhân khi đề bạt, giới thiệu, chọn bầu nhân sự, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, “quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ, nếu người được chọn bầu không hoàn thành nhiệm vụ” để chống tư tưởng “lên” rồi là… yên vị.

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: E ngại con quan được đề bạt là do tâm lý xã hội mất lòng tin.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: E ngại "con quan" được đề bạt là do tâm lý xã hội mất lòng tin.

Vừa rồi, nhiều lãnh đạo trẻ được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận được sự quan tâm của dư luận vì những cán bộ sớm thành đạt này hầu hết là con em của những cán bộ đang giữa các chức vụ trong bộ máy nhà nước dẫn đến không ít những “ì xèo” về việc… con quan rồi lại làm quan?

Về hiện tượng nhiều cán bộ trẻ được đề bạt vào những chức vụ quan trọng, trước hết phải xem lại quan niệm thế nào là trẻ, trẻ về tuổi tác hay trẻ về quá trình tham gia. Khi đã bàn về phạm trù “trẻ” thì không nên tuyệt đối hóa khái niệm mà phải thấy nhiều thế hệ kế cận nhau. Xu hướng trẻ hoá hiện nay, tôi cho là tích cực. Chúng ta nhớ rằng, Tổng Bí thư đầu tiên – Tổng Bí thư Trần Phú đảm nhận chức vụ đó khi chỉ có 27 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Nội vụ vào năm 1945, khi mới 34 tuổi.

Còn việc một số cán bộ trẻ xuất thân là con của các vị lãnh đạo cấp cao thì nếu ở trong một xã hội lành mạnh, việc đó rất bình thường và tốt thôi. Chúng ta cũng biết, ở Mỹ, có Tổng thống Bush bố và Bush con, ở Singapore có ông Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long… Ở Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ ngoại giao cũng là con trai của một cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rất nổi tiếng.

Vấn đề có lẽ chúng ta rơi vào tâm lý xã hội mất lòng tin, hệ thống giá trị không chuẩn nên bất kỳ hiện tượng nào, sự kiện nào, người ta cũng đặt câu hỏi đằng sau đó có gì không, có khuất tất không, có lợi ích nhóm không, có cái gì là “cha truyền con nối” không... Chính vì thế mà phải minh bạch.

Thực tế, việc có “lý lịch” đẹp, việc xuất thân trong gia đình có truyền thống, có lịch sử chính trị tốt không thể phủ nhận chính là bệ phóng, là nền tảng tốt với mỗi người để tiến thân. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, uy danh của cha chú cũng là một lợi thế tác động tới lá phiếu dành cho nhiều lãnh đạo trẻ?

Liên quan đến công tác nhân sự vừa qua, đúng là tôi thấy có 2 hiện tượng đối lập nhau, có người trình độ giỏi, nhưng lý lịch không chính thống, cho nên bị loại ra và những người là con của những người rất chính thống lại được đề bạt.

Theo quan điểm của tôi phải chặt hai đầu thái cực đó đi, tức là phải bỏ qua “chủ nghĩa lý lịch” đi, đừng vì lý lịch mà đánh giá người ta mà phải tập trung vào bản thân người đó xem có đúng chuẩn không. Đương nhiên chuẩn ở đây là phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, như là quy định của nhà nước, pháp luật, phương thức minh bạch hóa, tranh thủ ý kiến dân chủ.

Quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ nếu như cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ chứ chỉ đi theo một chiều hướng, đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa là điều rất dở.

Nói chuyện hơi xa xôi một chút, ngày xưa các cụ rất chuẩn mực, có công thì thưởng, có tội thì phạt, như ông Nguyễn Công Trứ có khi bị giáng xuống làm Hiệu lệnh - một hình thức phạt rất nặng, nhưng cũng có lúc lên rất cao. Có thế thì cán bộ mới phải giữ an toàn, lên từng nấc, từng nấc.

Có phải vô tình, trùng hợp không mà sau đợt Đại hội Đảng ở các địa phương, cán bộ trẻ thành công, được chọn vào Tỉnh uỷ, Thành uỷ đều rơi vào đúng con em của cán bộ lãnh đạo?

Rõ ràng phải giám sát để bảo đảm khách quan, để xem việc đề bạt đó có đúng hay không. Nhưng có lẽ chúng ta không nên e ngại, cứ để thực tế trả lời, miễn sao các khâu làm nghiêm túc. Một người được giao nhiệm vụ không tương xứng với năng lực thì thực tế sẽ trả lời ngay thôi. Tôi cho rằng, quan trọng là phải giám sát tốt khâu hậu đề bạt.

Cũng có ý kiến đưa ra so sánh việc sớm thành đạt, tiến vững chắc của “con quan” so với với vị trí “bấp bênh” của 600 tri thức trẻ sau khi kết thúc đề án đưa những người này về làm Phó chủ tịch xã. Thực tiễn diễn ra đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách làm. Đương nhiên chúng ta phải chấp nhận thử nghiệm, nhưng đừng để lại hậu quả nặng nề. Năm năm mới có Đại hội một lần, đây là cơ hội để thử nghiệm những chính sách về cán bộ, nhân sự.

P.Thảo (ghi)