Chuyện về những đứa trẻ được moi lên từ đất

“Lấy cuốc bổ được mấy lớp đất thì tay tôi đã run cầm cập. Sợ trúng đứa bé, tôi quăng cuốc sang bên, hai vợ chồng dùng tay đào. Khi mấy đầu ngón tay đã rướm máu thì lộ ra tấm lưng một đứa trẻ sơ sinh được quấn sơ sài bằng một tấm vải ngang bụng...”.

Nhâm nhi chén rượu khi màn đêm đã trùm lên dãy núi sau nhà, già Kpá Thur bảo: “Theo hủ tục của một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên, những đứa trẻ sinh ra không có cha là trẻ không bình thường, sẽ gây tai họa cho làng như ốm đau, dịch bệnh, hạn hán, thất mùa nên phải loại trừ bằng cách lấy chân đạp hay đổ rượu vào miệng, mũi cho trẻ ngạt chết rồi đem chôn...Cũng như vậy, những trẻ có mẹ không may chết sớm thì cũng làm cho chúng chết rồi chôn theo mẹ để nó được bú sữa. Chuyện vô lý và ác như vậy mà bây giờ vẫn còn nhiều người tin. Mình nghe ở đâu xảy ra chuyện ấy là tới can ngăn, khuyên giải họ đừng làm ác. Bây giờ thì dân làng đã nghe ra, nhưng chưa phải đã dứt hẳn đâu...” .

 

“Phật sống”  giữa đại ngàn

 

Một chiều mưa bão đầy trời, từ thành phố Pleicu (Gia Lai), chúng tôi vượt hơn 100 cây số tìm về làng Đăk Pơnan, xã Kon Thụp. Đón chúng tôi trong căn nhà tranh giữa rừng núi hiu hắt là anh Pyưi-Hmoch. “Chuyện con bé Py Yo Rong ấy à, cái tên đó do vợ chồng mình đặt đó. Mẹ nó là Tol, người làng Đắk Hrê, bị bệnh phong. Sinh nó được 3 tháng thì kiệt sức, dân làng sợ không cho ở chung trong làng nữa. Bị xua đuổi, anh chồng Chhui mới làm cái xe đẩy tuốt vô rừng, cách làng hơn 6 giờ đi bộ, định để hai mẹ con ở một mình trong cái chòi canh rẫy. Nhưng chưa đến nơi thì người phụ nữ đã ngất đi, bên cạnh đứa bé đỏ hỏn, tay chân bé tí teo, cái đầu thì bự chảng, thân hình lại còng kheo như con khỉ trên rừng. Người chồng kéo xe thêm một đoạn thì bỏ lại giữa rừng.

 

Hồi sau người phụ nữ tỉnh lại, bò xuống bám vào càng xe, chân cô ấy không thể bước nổi, đứa bé cũng không còn sức để khóc... Mình chạy đến hỏi han bệnh tình nhưng không thể giúp được gì.  Quay trở lại làng thì xa quá, mà cô ấy cũng không dám, vì sợ làng hại cả đứa bé. Vật vã đến gần sáng thì cô gái gục xuống, tắt thở. Rạng sáng, người chồng trở vào chôn cất vợ và định chôn cả con. Mình năn nỉ mãi anh chồng mới đồng ý cho đứa bé mang về nuôi.

 

Thế là mình cõng nó băng rừng chạy một hơi tới khuya mới về đến nhà, gọi vợ cùng đốt lửa sưởi ấm, đút nước cho nó uống. Đến trưa hôm sau, nó tỉnh lại. Mấy ngày sau nữa, nó bắt đầu uống sữa, uống như con voi rừng. Rồi da thịt nó dần hồng ra nhưng tay chân thì vẫn không động đậy được...”.

 


Chuyện về những đứa trẻ được moi lên từ đất  - 1

Bé Py Yo Rong bụ bẫm, kháu khỉnh trong vòng tay xơ Y Blưih.

 

Kể đến đây, giọng Pyưi chùng xuống. Hmoch tiếp lời chồng: “Thấy nó chóng ăn, chóng lớn vợ chồng mình mừng lắm, suốt ngày đêm thay nhau canh không dám đi ngủ, còn mấy cặp gà mình cũng bán đi mua sữa cho nó bú. Nhưng đúng 15 ngày sau thì da thịt đứa nhỏ tự dưng tím tái. Coi bề không ổn, chồng mình lập tức lấy xe máy chở nó ra nhà thờ An Mỹ (huyện Đăk Đoa) nhờ các xơ ở đây xem giúp bệnh gì. Sau khi sơ cứu, xơ Y Pơnh lấy thêm mấy tấm chăn quấn đứa bé lại, trùm áo mưa, rồi ngồi lên sau yên xe, bảo chồng mình chở ngay về Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Vinh Sơn 1 (phường Thống Nhất, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum), cách đó độ 80 cây số để có điều kiện chăm sóc tốt hơn...”.

 

Tôi tìm đến Trung tâm Vinh Sơn 1. Xơ Y Blưih, người trực tiếp đón nhận và chăm sóc bé Py Yo Rong bồng ra một đứa trẻ bụ bẫm, khoe rằng: “Cháu đây, ngoan lắm, cứ bú no là ngủ, mới hơn 7 tháng tuổi đã nặng gần chục ký. Vậy mà suýt chút nữa đã “làm ma” vì một hủ tục chôn con theo mẹ như bao đứa trẻ bất hạnh khác...”.

 

Câu chuyện cứu người của đôi vợ chồng trẻ, nghèo khó phải làm lụng tất bật mới đủ nuôi 4 đứa con, mà đứa nhỏ nhất vẫn còn bồng trên tay, giờ đã lan truyền khắp làng Đăk Pơnan và Trung tâm Vinh Sơn 1. Nhiều người biết chuyện đến thăm cháu rồi đòi gặp vợ chồng Pyưi- Hmoch, họ gọi anh là “Phật sống”.

 

Nhưng Pyưi rất ngại gặp mọi người, anh nói: “Chuyện bình thường thôi mà. Cái tai mình nghe, con mắt mình thấy người ta có hoàn cảnh như vậy thì làm sao bỏ qua được. Hiện thời mình đang làm khai sinh cho đứa nhỏ, xong sẽ đem về làm con. Nhà mình nghèo lắm nhưng sẽ cố lo cho nó không thua sút ai”.

 

Chuyện về những đứa trẻ được moi lên từ đất  - 2
Vợ chồng Pyưi- Hmoch, người đã cứu bé Py Yo Rong.

 

Đứa bé có tên “Moi từ dưới đất lên”

 

Rời Trung tâm Vinh Sơn 1, tôi quay lại huyện Chư Sê (Gia Lai), nơi mà câu chuyện về một bé gái tên Rơ Mach Quai (tiếng dân tộc Gia Lai có nghĩa là “Moi từ dưới đất lên” - PV) đã gây xúc động cho nhiều người. Hài nhi bị chính bà ngoại của mình chôn sâu dưới 7 tấc đất gần cả đêm, đã được ông Kpá Thur, già làng Hồ Lao, xã Chư Pơng (Chư Sê) phát hiện và cứu sống.

 

Nhà già Thur nằm sâu trong sườn núi, phía trước là cánh rừng cao su bạt ngàn. Già giục thằng con đuổi bắt gà làm cơm đãi khách từ xa mới đến. Sau mấy chén thù tạc, già cởi tấm lòng: “Một buổi sáng trời mù sương, tôi vừa từ chòi canh cà phê ở làng Hồ Bi bên cạnh về tới nhà thì nghe vợ Rơ Mach Plăk báo tin con Kpui H’Bien trong làng vừa sinh. Linh tính có chuyện không lành nên tôi hộc tốc qua đó, thấy nó đang nằm hơ lửa. Hỏi sao lại đốt lửa, nó nói bị bệnh. Dò hỏi một lúc thì tôi biết nó vừa sinh con hồi đầu hôm, nhưng tìm trong nhà lại không thấy đứa bé nào. Nhớ lại chuyện chồng nó đã mất mấy năm, nay nó lại sinh con, chắc là sợ mang tai tiếng nên đã đem đứa bé đi chôn sống...

 

Nghĩ đến đó, tôi vội kêu vợ chia nhau tìm kiếm. Chừng nửa tiếng dò tìm quanh khu vườn phía sau nhà nó tôi phát hiện một hố đất còn tươi, bèn lấy cuốc bổ lên. Xuống mấy lớp đất thì tay tôi đã run cầm cập, vì sợ trúng đứa bé, nên quăng cuốc sang bên, hai vợ chồng dùng tay đào. Mãi đến khi mấy đầu ngón tay đã rướm máu thì lộ ra tấm lưng một đứa trẻ sơ sinh được quấn sơ sài bằng một tấm vải ngang bụng. Moi lên thì thấy một bé gái còn dính nhau thai, khắp người tím tái, tay chân lạnh như đá nhưng vẫn còn hơi thở.

 

Tôi biểu vợ mang nó về hơ lửa và lấy nước ấm lau, còn mình chạy bộ băng rừng ra tiệm thuốc tây mua quần áo, bông gòn, sữa hộp về, vì đinh ninh là số mạng nó còn lớn, không chết được. Vợ chồng chăm mãi từ sáng đến hơn 2 giờ chiều thì môi nó động đậy, rồi khóc ré lên. Tôi la lên “sống rồi”, còn bà vợ mừng quá cũng khóc hu hu...”.

 

Chuyện về những đứa trẻ được moi lên từ đất  - 3
Già làng Thur và đứa bé “moi từ dưới đất lên”.

 

Vợ chồng già Thur đã nhận đứa bé ấy làm con nuôi và đặt tên là Rơ Mach Quai (“Rơ” là lấy theo họ vợ của già Thur, vì người Gia Rai có tục đặt tên con theo họ mẹ, còn “Mách Quai” có nghĩa “Moi từ dưới đất lên”. Hai ông bà đã có cháu nội, ngoại đầy đàn giờ lại tíu tít “chăm con mọn”.

 

Già Thur khoe: “Mỗi tháng phải đến 5-6 hộp sữa bự chảng mới đủ cho vào cái mồm nó. Mình đã lần hồi bán 2 con dê lớn được 600.000 đồng, 3 con dê nhỏ 550.000 đồng, thêm 1 “bò em” (bò lứa thứ hai - PV) 4.000.000 đồng để mua sữa, nhờ vậy mà nó mới được như ngày nay”.

 

Bé Quai giờ đã lên 6. Em luôn ngồi trong lòng già Thur khi ông trò chuyện với tôi. Đôi mắt Quai tròn xoe, hết nhìn tôi lại ngó bố nuôi hóng chuyện.

 

Bà Rơ Mach Plăk, vợ già Thur vừa nấu xong nồi cháo gà bưng lên mời khách, rồi múc một tô thật to, tay đút cho Quai, miệng nói: “Cái số con bé sinh ra làm con vợ chồng tôi sao ấy, bị chôn sâu cả mấy tấc đất, qua gần cả đêm mà vẫn sống. Từ ngày có nó, vợ chồng tôi vui lắm, thấy mình như trẻ lại...”.

 

Chỉ còn 4 mùa rẫy nữa là già Thur đã tròn 82 tuổi. Đi nhiều nơi, cộng với hơn 20 năm được suy cử làm già làng, già Thur có cả một “kho” chuyện về hủ tục chôn trẻ con, mà ông gọi là hủ tục “năh tui mĩh” (đọc theo tiếng phổ thông là “năn tui mí”- PV) xảy ra trong đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Nguyên.

 

Già Thur cứ kể hết chuyện nọ sang chuyện kia, cho đến giáp 10 ngón trên 2 bàn tay ông, trong số đó chỉ có 3 trường hợp may mắn phát hiện kịp thời và cứu được đứa bé.      

 

Đêm dần khuya, vợ chồng già Thur vừa trò chuyện với tôi vừa dán mắt vào màn hình, xem một bộ phim kinh dị từ đầu đĩa DVD. Thuer, con trai út của già mới ngoài 20 tuổi đã có 2 đứa con, đứa lớn lên 7, hỏi tôi thích phim, nhạc gì sẽ mở cho xem. Rồi nó đọc cho cả 2 số điện thoại, dặn: “Có chuyện cần gặp ông già thì cứ a lô, em sẽ chuyển máy, khỏi phải đi lại mất công”.

 

Tôi cảm ơn nó mà lòng vừa mừng, vừa lo. Mừng cho buôn làng xa xôi giờ đã có điện thắp sáng, có điện thoại bàn, điện thoại di động liên lạc khắp nơi. Nhưng lại không hiểu sao, sự hiện diện của cuộc sống hiện đại vẫn chưa đẩy lùi được nếp nghĩ lạc hậu như thủa hồng hoang...

 

Theo Hoàng Mai

 Gia đình và Xã hội