Chuyện về người con dâu “quý hơn vàng”

Một cô gái chấp nhận về làm dâu một gia đình mà mẹ thì mù lòa, chồng nằm bất động vì bị tai nạn giao thông ở đường Tô Hiệu, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng khiến nhiều người xúc động, cảm phục.

 
Đã hơn hai năm, chị Trang không quản ngại vất vả chăm sóc, tập luyện cho anh Châu. Ảnh: ĐH.
Đã hơn hai năm, chị Trang không quản ngại vất vả chăm sóc, tập luyện cho anh Châu. Ảnh: ĐH.

 

Chúng tôi tìm tới nhà của hai vợ chồng anh Phạm Châu (SN 1990) và chị Lê Thị Trang (SN 1987) tại tổ 73, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là chị Trang đang hí hoáy giúp chồng tập vật lý trị liệu. Dù rất vất vả vì anh Châu gần như bất động nhưng trên khuôn mặt hai vợ chồng vẫn nở nụ cười tươi hạnh phúc.

Gia cảnh đáng thương

 

Gạt mồ hôi sau bài tập vật lý trị liệu cho chồng, Trang kể, chị quê ở Đại Đồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Vài năm trước, chị ra Đà Nẵng làm công nhân xí nghiệp dệt, ở trọ trong khối phố nghèo ở đường Tô Hiệu, cách nhà anh Châu một đoạn. Một lần đi làm về, chị tình cờ gặp và quen Châu. Họ đều có những người bạn trong xóm nên sau đó uống cà phê lại “chạm trán” nhau. Gia đình chị Trang ở quê nghèo, ba mẹ không sống được với nhau, ba vào miền Nam, mẹ ở nhà nuôi bốn chị em. Là con đầu, chị Trang cáng đáng nhiều việc, phải bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình từ sớm.

 

Gia cảnh của anh Châu cũng rất đáng thương hơn, mẹ anh là bà Phạm Thị Liệu (56 tuổi) bị mù từ năm 15 tuổi, bà kiếm đứa con để đỡ đần khi trái gió trở trời. Tuy rau cháo qua ngày nhưng anh Châu lớn lên vạm vỡ, cao lớn, lòng mẹ mừng thầm. Do điều kiện khó khăn, anh Châu không được học đến nơi đến chốn, phải đi làm nghề sửa xe, phụ hồ kiếm tiền phụ mẹ qua ngày. Cảm mến và dường như chung cảnh ngộ nên anh chị Trang- Châu đến với nhau, tình yêu cứ thế lớn dần.

 

Nhưng khi hai người tận tưởng tình yêu chưa được bao lâu thì tai họa ập tới. Vào đêm 30/11/2010, anh Châu đang đi trên đường thì bị một xe máy khác chạy qua quẹt ngã. Anh được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cấp cứu, các bác sĩ cho biết anh bị chấn thương cột sống, dập tủy, hy vọng sống mong manh.

 

Nước mắt người mẹ bị mù không còn để khóc con trai, nhưng bà Liệu vẫn tin rằng “còn nước còn tát”. Bà đã chạy khắp nơi để vay mượn tiền, cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người để cứu con trai. Về phần mình, chị Trang ngày ngày lo liệu, chăm sóc anh. “Thời gian đầu mọi người không cho Châu biết, kẻo sợ bi quan, nói chỉ bị thương nhẹ, nằm trong thời gian ngắn là ra viện nhưng nằm mãi, đến hai tháng mà chưa thấy gì. Cuối cùng đành nói thật, anh Châu rất bất mãn, muốn chết cho xong nhưng mẹ và Trang là động lực giúp anh duy trì niềm hy vọng sống”, chị Trang kể lại.

 

Hơn hai tháng sau, anh Châu tiến triển rất tốt, tuy tứ chi vẫn bất động nhưng ăn uống được, nhận biết thêm nhiều điều. Các bác sĩ điều trị cũng hết sức bất ngờ với sức khỏe của anh. Sau đó, anh được chuyển qua Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng với những bài tập vật lý trị liệu.

 

“Chúng mình cưới nhau đi”

 

“Thời buổi này mò kim đáy bể cũng khó tìm ai được như cô Trang. Nhiều người cưới rồi cũng bỏ chạy nữa huống hồ đang yêu. Tôi phục, quý Trang lắm và cũng rút ra bài học cho mình: Hãy biết yêu quý cuộc sống mình đang có”, chị Nguyễn Thị Dạ Thảo, hàng xóm, nói về chuyện Trang đã giúp chồng vượt qua “bão táp số phận”.

Ở bệnh viện tốn tiền, chị phải chuyển anh về nhà tự điều trị. Sau những lần học được bài tập vật lý trị liệu ở bệnh viện, ngày đêm chị lặng lẽ lau mồ hôi tập cho anh. Nhưng vì anh quá nặng, đến bài tập đứng, một mình chị không thể ôm anh đứng dậy được. Hai người chỉ biết ôm nhau khóc.

 

Điều mà nhiều người càng khâm phục chị Trang là dù biết anh Châu khó trở lại như người bình thường nhưng chị vẫn một mực xin gia đình để được cưới anh. Khi thưa chuyện, mẹ chị không tin vào tai mình, bà tưởng con gái nói đùa. Nhưng qua nhiều lần thuyết phục, thấu hiểu con gái thương người yêu thật lòng, bà chấp nhận. Còn bố của chị đến nay vẫn chưa biết tin, chị chỉ mong bố ở đâu đó biết được, thấu hiểu cho tình cảm của hai đứa.

 

Còn bà Liệu, khi nghe chị Trang nói muốn lấy con trai mình làm chồng, bà cứ nghĩ chị chỉ an ủi bà. Cũng là phận gái, bà thừa hiểu người con gái cần một tấm chồng như thế nào để dựa dẫm. Mừng mừng tủi tủi, bà ôm chị mà nước mắt tuôn trào. Bà khuyên chị nghĩ lại, rằng: “Con lấy Châu thì chắc chắn sẽ không có ngày sung sướng, mẹ mù, chồng liệt, gia cảnh khó khăn…”. Nhưng lòng chị đã quyết, trái tim chị đã hướng về anh trọn vẹn.

 

Khi nghe chị nói “chúng mình cưới nhau đi”, anh chỉ biết nhìn chị âu yếm chứ không biết nói gì hơn. Anh thầm cảm tạ trời đất đã đưa chị đến cho mình. Những người hàng xóm nghe chuyện ai cũng giật mình, chép miệng, vừa mừng cho anh, vừa lo cho chị và phục tấm chân tình có một không hai của cô gái này.

 

Ngày 10/6/2012, đám cưới chỉ vài ba mâm cơm diễn ra. Chú rể mặc áo trắng ngồi trên xe lăn, cô dâu mang áo trắng quần jean giản dị. Nhưng ít ai biết được, để có một đám cưới giản dị đó bà Liệu phải đi vay hội người mù 4 triệu đồng. Không bạn bè, không chụp ảnh, ghi hình, cũng không có xe hoa… nhưng với Châu - Trang đó là ngày cưới hạnh phúc nhất đời.

 

“Bây giờ em chỉ mong anh Châu nhanh chóng khỏi bệnh để tự chăm sóc cho mình, để em còn đi làm phụ giúp mẹ, chứ giờ để một mình mẹ mù lòa mà đi làm để nuôi hai đứa thì em không đành lòng”, Trang nghẹn ngào nói.

 

Được biết, hàng ngày, bà Liệu làm massage ở Hội người mù quận Liên Chiểu, còn chị Trang thì sáng chở mẹ chồng đi làm, khoảng 22 giờ đêm chở về, thời gian còn lại chị ở bên anh tập hết những bài tập bác sĩ đưa ra. “Tui cũng không nghĩ ở đời lại có người tốt đến thế chú à. Nếu không có con Trang thì thằng Châu nó chết từ lâu rồi. Nó là đứa con dâu mà tôi quý hơn vàng”, bà Liệu tâm sự.

 

Theo Đức Hoàng
 Gia đình và Xã hội