1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12:

Chuyện về gia đình có 5 liệt sĩ được Bác Hồ tặng áo lụa

(Dân trí) - Tại thành phố Nam Định có một gia đình giàu truyền thống cách mạng đã cống hiến cho đất nước 5 người anh hùng, được Bác Hồ ngợi khen: “Một nhà trung hiếu - Muôn thuở thơm danh” và tặng áo lụa.

Đó là gia đình ông Tạ Quang Tám - cựu chiến binh khu vực phường Thống Nhất, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
 
Ông Tạ Quang Tám tìm lại những tư liệu ghi chép về gia đình (Ảnh: Báo Nam Định)

Ông Tạ Quang Tám tìm lại những tư liệu ghi chép về gia đình (Ảnh: Báo Nam Định)

 

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Tám vẫn còn khá khỏe khoắn. Trong căn nhà đơn sơ nằm giữa khu phố nhỏ yên bình, điều gây ấn tượng với những vị khách như chúng tôi là những tấm bằng khen, bằng Tổ quốc ghi công treo kín trên tường, cùng với bức trướng đỏ thêu nội dung bức thư Bác Hồ gửi khen tặng gia đình ông.

 

Nhắc đến những năm tháng đã qua của gia đình, ông bồi hồi nhớ lại, từng chi tiết trở về trong dòng hồi tưởng như thước phim quay chậm. Gia đình ông từ nhiều thế hệ trước đã có truyền thống cách mạng. Cụ thân sinh của ông là nhà Nho Tạ Quang Yên - một người yêu nước, ngay từ những ngày đầu tháng Cách mạng tháng Tám thành công đã hăng hái tham gia Hội Liên Việt; mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi, cũng hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Gia đình ông có 9 người con, 8 anh em trai và một chị gái thì có tới 7 người đã tham gia kháng chiến, năm người hy sinh.

 

Người anh trai cả của ông là Tạ Quang Trường, từ trước Cách mạng tháng Tám đã tích cực hoạt động trong phong trào công nhân của Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 22/8/1945, ông Trường là một trong những người tham gia vào đoàn quân của chi đội Lạc Quần lên giành chính quyền ở Thành phố Nam Định. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Trường xung phong lên đường vào Nam chiến đấu.

 

Noi theo gương anh, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, các anh em ông Tám đã hăng hái tham gia phong trào cách mạng tại địa phương, cả bốn người anh của ông Tám là ông Tạ Quang Khả, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức đều gia nhập quân ngũ và là chiến sỹ của Trung đoàn 34, đến năm 1946 được cử về xây dựng trung đội tự vệ khu 4 ở thành Nam.

 

Đầu tháng 3 năm 1947, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định mở cuộc hành quân giải vây cho quân của chúng ở thành phố Nam Định, trung đội tự vệ do anh Tạ Quang Khả làm trung đội trưởng được giao nhiệm vụ đánh chặn viện binh của địch men theo đê sông Hồng tiến xuống, buộc chúng phải rút lui hoặc chuyển hướng tiến công. Cuộc chiến không cân sức giữa những người lính tự vệ thành Nam với những vũ khí thô sơ và một lực lượng lớn quân Pháp có xe bọc thép và nhiều trang thiết bị hiện đại đã khiến cho cả bốn người anh của ông Tám hy sinh, dù đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng.

 

Con trai cả đã lên đường vào Nam, giờ cả bốn người con trai tiếp theo lại cùng hy sinh trong một trận đánh, “Giây phút nhận được tin dữ ấy, cha mẹ tôi chết lặng. Sau đó cha tôi gần như phát điên, còn anh em tôi chỉ biết ôm nhau khóc”. Quyết tâm lên đường vì nợ nước thù nhà, ông và người em trai của ông là Tạ Quang Mười tiếp tục tham gia cách mạng, ông tiếp tục công tác tại trung đoàn 34 còn người em sau này cũng xin nhập ngũ, làm nhiệm vụ ở sư đoàn pháo cao xạ, nhưng đã chiến đấu anh dũng và vĩnh viễn nằm lại tại Vĩnh Linh, trên chiến trường Quảng Trị vào năm 1972.

 

Năm 1947, khi biết tin về sự hy sinh của bốn người anh và những đóng góp của gia đình, nhân ngày Quốc khánh 2/9, cụ thân sinh của ông đã được Bác Hồ tặng một áo lụa và gửi thư khen: “Kính gửi cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định: Tôi rất cảm động được báo cáo rằng cụ có 8 người con trong đó 6 người tham gia kháng chiến, mà bốn người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: “Một nhà trung hiếu, muôn thuở thơm danh”. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ 1 chiếc áo mà đồng bào đã biếu tôi. Chúc cụ mạnh khỏe và sống lâu”.

 

Năm gia đình ông được vinh dự về thôn Ngọc Tỉnh (nay thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định) để đón nhận quà và thư của Bác Hồ, ông vừa tròn 17 tuổi. Ông còn nhớ như in: “Tấm áo lụa có màu vàng, cổ cao, trên ngực phải có thêu chữ: "Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn, Ninh Bình". Gia đình ông coi chiếc áo như một báu vật, giữ gìn bằng mọi giá giữa những năm tháng chiến tranh bom rơi lửa đạn. Vì là gia đình có truyền thống cách mạng nên những hoạt động của các thành viên đều bị địch theo dõi, lùng sục rất gắt gao, có thời điểm mẹ ông đã phải xé chiếc chăn bông duy nhất trong nhà để nhét chiếc áo Bác tặng vào giữa, tránh cho giặc phát hiện. Nay gia đình ông đã tặng kỉ vật đó cho một bảo tàng để nhiều người dân được chiêm ngưỡng tấm áo. Thân mẫu của ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi sau này đã được tặng danh hiệu Bà mẹ Nam Hà và năm 1994 cụ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, dù đã lớn tuổi song đến nay ông Tám vẫn tích cực tham gia công tác mặt trận ở địa phương, gia đình ông vẫn luôn đi đầu trong những phong trào của phường và khu phố, vận động người dân nâng cao ý thức, bài trừ tệ nạn xã hội. Ông Tám còn tìm giáo viên, tổ chức các lớp xóa nạn mù chữ cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.

 

Những đóng góp và hy sinh lặng lẽ của ông, của gia đình ông trong kháng chiến và trong thời bình không khỏi khiến người khác khâm phục. Nhìn vào những tấm gương như thế, thế hệ trẻ hôm nay sẽ cần biết phải làm gì để bảo vệ và giữ gìn những thành quả xương máu mà cha ông họ đã đánh đổi để đất nước có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay.

 

Hiền Hạnh
 TTXVN