Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam:

Chuyện về cô gái mồ côi tham gia biệt động Sài Gòn

(Dân trí) - Tìm đến căn nhà nhỏ trên đường Hưng Phú, quận 8, TPHCM những ngày tháng 4, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Bích Nga, cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn, người trực tiếp tham gia pháo kích vào Sở chỉ huy của tướng Mỹ Westmoreland tại Sài Gòn cách đây hơn 43 năm.

Cuộc đời bà Nga trải nhiều thăng trầm. Quê bà ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người anh ruột thì thất lạc, còn bà được một chiến sĩ bộ đội nhận làm con nuôi lúc 2 tuổi. Do cha nuôi tập kết ra Bắc năm 1954 và chết 2 năm sau đó vì bệnh nặng, nên mọi gốc gác về người thân ruột thịt của bà đều mù mờ.

 

Bà nhớ mơ hồ mình sinh năm 1951 nhưng không rõ ngày tháng sinh. Được những người thân của cha nuôi ở huyện Đức Phổ đùm bọc, nuôi dưỡng, cho đến năm 12 tuổi bà vào Sài Gòn mưu sinh. Bà Nga sớm giác ngộ cách mạng, thoát ly tham gia vào lực lượng bộ đội năm 15 tuổi. Nhận thấy khả năng nhanh nhẹn, tháo vát của bà, tổ chức cử vào căn cứ ở Dầu Tiếng tham gia một khoá đào tạo pháo binh. Sau đó bà được phân công về hoạt động tại B8 Biệt động thành Sài Gòn từ tháng 10/1966 nhằm thâm nhập vào nội thành tham gia chiến dịch pháo kích cuộc diễu binh của chính quyền Sài Gòn ngày 1/11/1966.

 

Trong cuộc đời làm biệt động, bà Nga trải qua nhiều trận đánh lớn nhỏ và được tổ chức giao nhiệm vụ quan trọng là “xạ thủ” gắn liền với khẩu cối 82 ly. Đến giờ, bà vẫn nhớ như in trận pháo kích Sở chỉ huy tướng Westmoreland (tướng chỉ huy quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) tại Sài Gòn ngày 13/1/1967.

 

“Đó là trận đánh đáng nhớ cả đời”, bà Nga bồi hồi nhớ lại. Mùa xuân 1967, quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung lực lượng càn quét, tàn phá tại vùng tam giác sắt (Bến Súc, Hố Bò, Củ Chi). Để lật ngược thế cờ, Biệt động Sài Gòn được Bộ chỉ huy quân khu chỉ đạo tổ chức pháo kích vào Sở chỉ huy của tướng Westmoreland. Bà Nga cùng đồng đội cấp tốc vào nội thành Sài Gòn chuẩn bị trận địa.

 

Để địch không nghi ngờ, bà cùng một đồng đội đóng vai cặp vợ chồng mới cưới (vợ là học sinh, chồng là sinh viên ngành y), thuê nhà ở khu vực Vườn Chuối (nằm gần mục tiêu pháo kích), ngày đêm nghiên cứu địa hình, chuẩn bị trận đánh lớn. Sau thời gian điều nghiên, công việc chuẩn bị vũ khí cất giấu trong căn nhà thuê đã hoàn tất.

 

Đến thời điểm chín muồi, 6h sáng 13/1/1967, từ căn nhà thuê, bà Nga (với vai trò xạ thủ số 2) cùng 3 đồng đội khác bắt đầu sử dụng pháo cối 82 ly pháo kích vào Sở chỉ huy tướng Westmoreland nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) với hàng loạt quả pháo liên tiếp rơi vào khuôn viên Sở chỉ huy địch. Những tiếng nổ dữ dội của pháo kích khiến hàng chục tên lính Mỹ, ngụy thương vong, cả Sở chỉ huy hoảng loạn. Dự đoán bọn địch sẽ truy tìm điểm đặt pháo kích, bà Nga cùng đồng đội nhanh trí cho đặt lại 5kg thuốc nổ vào nơi đặt nòng pháo rồi tẩu thoát. Khi toán lính ngụy đến khám xét căn nhà trên thì khối thuốc phát nổ làm chết thêm một Phó Ty Cảnh sát ngụy ở quận 3 (cũ) cùng 2 thuỷ quân lục chiến và một số cảnh sát ngụy.

 

Sau trận đánh gây tổn thất lớn cho địch, bà Nga bị nhận diện và truy lùng gắt gao. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, bà Nga được tổ chức tin tưởng phân công vào nhóm xạ thủ để pháo kích vào Dinh Độc Lập; tuy nhiên, trên đường vào nội thành, bà bị địch bắt. Chúng biệt giam bà với những trận đòn tra tấn khốc liệt lần lượt từ Trại giam Thủ Đức cho đến Khám Chí Hoà, Trại giam Tân Hiệp. Trong thời gian này, bà ở chung phòng giam với các nữ tù chính trị nổi tiếng như bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước), bà Võ Thị Thắng (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch). Sau các trận đòn tra tấn dã man, chúng đày bà ra biệt giam trong chuồng cọp ở Côn Đảo cho đến ngày giải phóng mới được trở về Sài Gòn với sức khỏe gần như suy sụp.

 

Sau giải phóng, dần dần phục hồi sức khỏe, bà được bố trí làm việc ở UBND quận 1, Công ty xăng dầu TPHCM sau đó chuyển về công tác tại Công ty Vật tư tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu sớm vì sức khoẻ yếu vào năm 1993. Tuy nhiên, nỗi khoắc khoải về nguồn cội luôn thúc giục bà lặn lội tìm kiếm người thân suốt từ năm 1975 đến nay. Bà chỉ biết cha đẻ tên là Thông An, không biết họ, thời trước dạy chữ nho, chết sớm do bệnh dường như được chôn cất ở thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Còn người mẹ đẻ cũng chết sớm vì bệnh hiểm nghèo, không rõ họ tên, nơi chôn cất. Bà chỉ còn một người anh ruột.

 

Bà Nga nhớ lại: “Khoảng năm 1962, sau thời gian dò la tung tích thì người anh ruột có đến nhà tìm gặp nhưng tôi không hỏi địa chỉ và không nhớ tên, sau đó do chiến tranh loạn lạc nên không còn gặp nữa”. Từ ngày giải phóng đến nay, bà Nga đã nhiều lần lặn lội trở về miền quê ở Quảng Ngãi để tìm tung tích người anh trai nhưng trước những thông tin mơ hồ khiến việc tìm kiếm không thành làm cho bà luôn đau đáu. Bà chia sẻ: “Đến giờ tôi vẫn không biết anh trai đang ở đâu, cả gốc gác của mình tôi cũng không rõ”.

 

Mỗi khi xem chương trình “Như chưa từng có cuộc chia ly” phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam là bà Nga lại ngậm ngùi khi chứng kiến một gia đình thất lạc được đoàn tụ. Bà mơ ước đến ngày nào đó mình cũng sẽ được như họ. Vì thế, nhiều lần bà liên lạc với Tổng đài của chương trình này nhờ giúp đỡ để tìm kiếm người anh bị thất lạc 57 năm nay. Thậm chí bà cũng nhờ chính quyền địa phương ở Quảng Ngãi dò la tung tích và đã nhiều lần đăng báo tìm người anh bị thất lạc. Nhưng mọi cố gắng, nỗ lực tìm kiếm của bà đều không thành. Bà Nga nghẹn ngào nói: “Tôi chỉ mong gần đến cuối đời mình biết được gốc gác người thân thì mới yên lòng !”.

 

Thế Vinh

 TTXVN