Chuyện Tết “ly kỳ” ở tuyến đường sắt phía tây

12 giờ đêm. Bước chân tuần đường của anh Điêu Khắc Mẫn vừa chạm đến nơi bàn giao thẻ bài. Anh Mẫn không thể nhớ hết trong 25 năm làm tuần đường sắt thì bao nhiêu lần anh có mặt ở đây đúng thời khắc thiêng liêng của đất trời.

Dù là mùng 1 tết hay ngày thường, Hồ Thị Thu Lan cũng vui vẻ làm việc.

Dù là mùng 1 tết hay ngày thường, Hồ Thị Thu Lan cũng vui vẻ làm việc.
Đường sắt Yên Bái - Lào Cai nằm trên tuyến đường sắt phía tây của đất nước. Đây là tuyến đường huyết mạch. Mỗi dịp tết về, cường độ làm việc lại tăng gấp nhiều lần vì cả tàu vận chuyển hành khách và hàng hóa đều được lập thêm. Căng nhất là vào các ngày từ 26-29 tết và từ mùng 2 – mùng 4 tết, năm nào cũng phải tổ chức tăng nhiều đôi tàu.

 

Chúc tết ở… bãi tha ma

 

Ấy vậy mà những người tuần đường như anh Mẫn vẫn một mình bình thản bước đi trên quãng đường 18km, từ km 153+000 khu gian Văn Phú – Yên Bái đến km 162+000 khu gian Yên Bái – Cổ Phúc bất kể ngày đêm. Có nhiều đoạn bên này là vực, bên kia là sông. Đêm, các anh xuất phát lúc 22h và kết thúc công việc tuần đường lúc 6h sáng hôm sau. Giao thừa nào cũng vậy, trong lúc nhà nhà quây quần thì 38 công nhân tuần đường của Cty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Yên-Lào rảo bước trên đường với thẻ bài, cờlê, đèn, pháo hiệu trong tay để đảm bảo rằng đường sắt hoàn toàn an toàn cho các đoàn tàu. Điểm bàn giao thẻ bài của đoạn đường này gần bãi tha ma, không nhà dân, giao thừa anh Mẫn và đồng nghiệp gặp nhau, chỉ kịp hít một hơi dài, cảm nhận chút khí trời trong vắt đầu xuân, bắt tay chúc tết rồi tiếp tục quãng đường còn lại...

 

Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Quang Tuấn - Cung trưởng cung đường Phố Lu - thi thoảng có quãng lặng. Đấy là lúc anh nhớ về những phút “lao xao” trước thềm năm mới - từ anh Tuấn dùng để tả tâm trạng 29 năm không ăn tết ở nhà. Năm nay anh Tuấn 49 tuổi, có 31 năm công tác ở ngành đường sắt, trong đó 12 năm làm tuần đường. Ca trực của anh rơi vào giao thừa nhiều đến mức anh không thể nhớ cụ thể là những tết nào, diễn ra làm sao. Chỉ biết, tuần tự đến ngày trực thì làm việc hết sức mình, chẳng kể ngày đêm hay lễ tết. Bên chén trà đặc, khi mưa xuân đã lây phây, anh Tuấn bảo giao thừa đầu tiên xa nhà, là đàn ông cũng phải chảy nước mắt mơ về phút ấm cúng, sẻ chia với người thân, nhất là khi đúng thời khắc ấy đi qua quãng đường có nhà dân, thấy ánh đèn, tiếng con chúc thọ bố mẹ, tiếng vợ chồng ríu rít sao tránh khỏi chạnh lòng. Giờ đây, tất cả đã thành quen, đêm giao thừa làm việc cũng như ngày thường.

 

Anh Nguyễn Duy Lợi - Cung phó cung đường Mậu A - nói về việc trực tết bình thản tới mức người nghe phải khâm phục. Hơn 20 năm trong nghề, có những sự cố rơi vào ngày 30 tết anh Lợi không thể quên. Năm 1996, tàu trật bánh chiều 30 tết tại cung đường Mậu Đông. Trước đó, anh em đã cắt cử nấu nồi cháo gà định bụng để đón giao thừa; nhưng sự cố phải xử lý từ 15h ngày 30 tết đến tận 4h sáng mùng 1 mới xong. Lúc ấy vui vì tàu lại có thể lăn bánh, song nồi cháo thì không thể ăn được nữa vì đã vữa. Cũng năm ấy, các anh không có tết, phải làm việc một mạch đến mùng 7 tết, không nghỉ bù vào các ngày trong tết như những năm trước.

 

Nguyễn Thừa Quynh trong ca trực.
Nguyễn Thừa Quynh trong ca trực.

 

Quây quần bên gia đình… người khác

 

Gặp những người sống và làm việc ở tuyến đường sắt phía tây, càng thấy giờ khắc chuyển giao năm mới được ở bên người thân, hoặc chí ít là được ở trong ngôi nhà của mình mới thiêng liêng và quý báu biết bao. Có một chàng trai người Hải Dương mắt ngấn nước khi nói về cảm giác chiều 30 tết ngồi bên mâm cơm tất niên quây quần của gia đình... người khác. Đó là Nguyễn Thừa Quynh- sinh năm 1982, làm điều độ ga Lào Cai từ năm 2005. Năm ca trực của Quynh rơi vào 30 tết, Quynh cố giấu nỗi buồn để tập trung hoàn thành công việc dù mỗi khi có tiếng còi tàu xin vào ga, Quynh lại càng nhớ da diết bố mẹ và em trai ở nhà. Chiều 30 tết hàng quán đóng cửa, chưa đến giờ lên ban, các cô các chú trong cơ quan nhà gần ga gọi Quynh đến ăn cơm cùng cho đỡ nhớ nhà.

 

May mắn hơn cánh nam giới, chị em gác chắn đường ngang ở tuyến phía tây thường được ưu tiên không phải trực đêm giao thừa, nhưng lại lên ban lúc 5h30 sáng mùng 1 tết. Hồ Thị Thu Lan có 23 năm công tác, làm gác chắn đường ngang Hồ Kiều (TP.Lào Cai) vẫn nở một nụ cười, bảo “chiều 30 tết em sắm đủ hết các thứ rồi hướng dẫn cho chồng... nấu cỗ mùng 1, thế là yên tâm làm nhiệm vụ”. Tế nhị mãi mới dám hỏi Lan có thấy buồn không khi ngày đầu tiên của năm mới một mình ngồi trong trạm gác, nhìn vợ chồng con cái người ta chở nhau trên đường. Lan bảo “em quen rồi, vả lại đây là công việc”. Câu trả lời nhẹ như không. Không một chút tính toán nghĩ suy, không một chút bon chen vụ lợi.

 

Anh Mẫn ghi sổ báo cáo tại ga Yên Bái lúc 23h.
Anh Mẫn ghi sổ báo cáo tại ga Yên Bái lúc 23h.

 

Đời lái tàu không có tết

 

Hỏi chuyện 10 người ở tuyến đường sắt phía tây thì cả 10 đều có thâm niên không đón giao thừa ở nhà. Họ là người lao động trực tiếp, là cán bộ công đoàn, là lãnh đạo chuyên môn. Giao thừa năm nào cũng vậy, công đoàn và lãnh đạo đơn vị đến chúc tết các điểm trên tuyến. Hỏi các anh nếu không được tuổi mà xông điểm gác chắn hoặc điểm trên tuyến không sợ xui sao? Trả lời: Trong đoàn, người này không hợp sẽ có người kia; hết năm này qua năm khác thay phiên nhau xông đất.

 

Bước chân lên đoàn tàu chạy về Lào Cai để đi Sa Pa đón xuân mới, lại nhớ lời anh Đỗ Viết Tị - công nhân lái tàu đội lái máy 5 phân xưởng Yên Bái: “Đời lái tàu là không có tết”. Còn cậu lái xe- người đưa chúng tôi đi gặp những người trực tết- thì nheo mắt hỏi: Có cần gặp thêm người làm việc xuyên tết nữa không, em đây, 19 năm không ăn tết ở nhà vì công việc. Những vùng đất Mậu A, Lâm Giang, Lang Khay, Lang Thít, Trái Hút, Xuân Giao... giao thừa năm nào cũng có dấu chân của các anh, các chị.

 

Đêm giao thừa, anh Mẫn vẫn một mình với thẻ bài, cờlê, đèn, pháo hiệu đi tuần đường.
Đêm giao thừa, anh Mẫn vẫn một mình với thẻ bài, cờlê, đèn, pháo hiệu đi tuần đường.

 

215 triệu đồng tiền quà

 

Ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam - cho biết, đã yêu cầu công đoàn các cấp phối hợp với chuyên môn tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên cán bộ công nhân viên lên ban làm việc lúc giao thừa Tết Nguyên đán Quý Tỵ- 2013. Tổng số quà tặng cho CNLĐ đêm giao thừa là 215 triệu đồng, do Công đoàn Đường sắt chi.

 

Theo Thu Trà

Lao Động