1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Chuyện một chủ trang trại được giải cứu bên bờ phá sản

(Dân trí) - “Thời buổi này làm ăn đã khó, nhưng khổ nhất là thủ tục, sự nhũng nhiễu của không ít người chỉ thích hành dân. Tôi đã suýt phá sản nếu như không có sự “cứu nguy” kịp thời của vị lãnh đạo tỉnh này”.

Đó là tâm sự của ông Võ Đình Voóc, "gã" nông từ nghèo khó vươn lên thành tỷ phú ở vùng quê nghèo Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. 
Ông Võ Đình Voóc, từ một nông dân nghèo khó, giờ đã là một tỷ phú ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Ông Võ Đình Voóc, từ một nông dân nghèo khó, giờ đã là một "tỷ phú" ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Người nôn dân giàu nghị lực

Chúng tôi tìm về nhà ông Võ Đình Voóc, trú tại thôn 5, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên giữa cái nắng chói chang. Ở mảnh đất còn nghèo khó nằm cuối huyện Cẩm Xuyên này không ai là không biết tên tuổi của ông. Ông nổi tiếng khắp vùng bởi từ một gia cảnh cơ cực, khốn khó vươn lên thành tỉ phú, cái trang trại nuôi lợn công nghiệp của gia đình ông mỗi năm cho lãi ròng hơn cả tỉ đồng.

Ông Voóc sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông anh em nên khi xây dựng gia đình, ông không có đất để làm nhà riêng. Mãi đến năm 2003, bố mẹ ông mới dồn góp cho vợ chồng ông một mảnh đất be bé để dựng nhà. Sinh ra ở mảnh đất thuần nông, cuộc sống của 2 vợ chồng chỉ dựa vào 2 sào ruộng khoán nên khó khăn càng thêm chồng chất khi những đứa con lần lượt ra đời. Quanh năm lam lũ vẫn không đủ cái ăn, cái mặc thường ngày nhưng đã từng là người lính trải qua chiến tranh khốc liệt nên cái khổ, cái nghèo không những không đánh gục được tinh thần bất khuất ở người cựu chiến binh này mà trở thành động lực hun đúc trong ông ý chí vươn lên.

Năm 2007, ông vay mượn tiền người thân để đi tham quan một số mô hình trang trại cả ở trong và ngoài tỉnh. Đi nhiều, thấy nhiều, ông quyết định chọn con lợn là hướng thoát nghèo. Ý tưởng đã có, song đi vào thực tế, tóc trên đầu ông Voóc phải rụng đi phân nửa vì khi đó, ông chỉ có hai bàn tay trắng, không vốn liếng, không kinh nghiệm và không có đất đai dựng trại.

“Lúc đó tui thấy tuyệt vọng. Nhiều khi tui muốn từ bỏ, nhưng nhờ được sự động viên của bà xã, của những người hàng xóm, ngọn lửa làm giàu trong tui lại rừng rực cháy lên” – ông Voóc tâm sự.

Khởi đầu cho hướng thoát nghèo nhờ nuôi lợn, ông Voóc cầm cố mảnh vườn đang ở để lấy 30 triệu đồng làm vốn, rồi được xã cho thuê lại bãi đất hoang để dựng trại. Do quá ít vốn nên ban đầu, ông chỉ đào hồ đắp bờ ao nuôi cá, xây chuồng nuôi trên dưới mươi con lợn thịt.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, có đến đâu tái đầu tư đến đó, gầy dựng dần từng bước nên phải mất mấy năm, trang trại của ông mới dần hình thành. Sau mỗi đợt lợn xuất chuồng hiệu quả, qua thời gian ông Voóc càng tự tin hơn với lựa chọn của mình.

Do gặt hái được một số thành công từ mô hình này nên năm 2009, gia đình ông quyết định một bước đi táo bạo, tập trung vay mượn để mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi để mỗi lứa có từ 100 đến 120 con lợn thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Voóc có nguồn thu nhập hơn 140 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 5 lao động.

Ông Voóc chọn hướng chăn nuôi lợn để thoát nghèo
Ông Voóc chọn hướng chăn nuôi lợn để thoát nghèo

Trang trại nuôi lợn của ông Voóc như “cá gặp nước” khi thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 với hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, mà đáng chú ý nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Đầu năm 2011, lão nông đầy ý chí này một lần nữa quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng mở rộng khu chuồng trại, đủ để nuôi hơn 100 con lợn siêu nạc cấp bố mẹ và 300 lợn thương phẩm.

Ngoài số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng từ chính sách và số vốn tự có trước đó, ông Voóc có nhu cầu vay vốn ngân hàng 800 triệu đồng để lo thức ăn, đàn giống và chi phí phát sinh. Chiếu theo các chính sách hỗ trợ của nhà nước, trang trại của ông đủ điều kiện để được vay số vốn này. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt ôm hồ sơ đi vay, ông đều bị cán bộ ngân hàng làm khó. Có lần, người cựu chiến binh giàu nghị lực đã bật khóc khi chi nhánh NHNN&PTNT huyện Cẩm Xuyên từ chối cho vay với lí do số vốn tự có của gia đình để triển khai dự án thấp (lí do mà sau này chính một loạt cán bộ chi nhánh ngân hàng này nhận án kỷ luật).

Mấy tháng ròng nuôi lợn cầm chừng do thiếu vốn, chi phí tăng vọt, gia đình ông như ngồi trên đống lửa. Ông Voóc đã thực sự mất hi vọng khi hệ thống chuồng trại thuộc loại quy mô, bài bản nhất huyện không thể tiếp tục chăn nuôi, có nguy cơ phải đóng cửa.  

“Nếu không được giải cứu kịp thời, tôi đã phá sản”

Tuyệt vọng, đầu tháng 8/2012, ông Voóc viết một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh  trình bày nỗi cơ cực trong hành trình tìm vốn cho trang trại của mình. "Tôi gửi vào chiều thứ 6, vậy mà sáng chủ nhật ngày 5/8/2012, bác ấy đã cử một đoàn gồm đại diện các sở ban ngành liên quan, liên minh các hợp tác xã và cả lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn đi thẳng về trang trại của tôi để kiểm chứng”.

Ông Voóc chọn hướng chăn nuôi lợn để thoát nghèo

Một ngày sau khi nhận được lá thư tay kêu cứu của người nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự (bìa phải) đã triệu tập ngay đoàn công tác có mặt tại trang trại của ông Voóc, thị sát và giải cứu trang trại kịp thời.

Đi mấy vòng trang trại, vị Chủ tịch tỉnh - ông Võ Kim Cự - và tất cả những người cùng đi với ông đã thực sự ngỡ ngàng trước cơ ngơi trang trại của lão nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng. Người đứng đầu tỉnh chăm chú nghe ông chủ trại kể về cuộc sống khó khăn và hành trình vượt khó xây dựng cơ sở vật chất của mình; cũng như hành trình mỏi mòn chờ đợi đến cả năm mà không vay được vốn ngân hàng.

“Ngay lập tức, bác ấy đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp ngay tại Hội trường UBND xã Cẩm Trung. Hôm đó, bác ấy nói: “Các vị có thấy cơ ngơi của người ta như thế, người ta làm ăn thật như thế, điều kiện người ta có đủ, chính sách Trung ương, tỉnh đã ban hành, đã hướng dẫn rồi, địa phương đã làm hết sức mà các vị  không cho người ta vay vốn thì cho ai vay nữa? Tôi nói thẳng là các vị không tâm huyết, không sâu sát, thiếu trách nhiệm với người dân. Các vị đã làm mất lòng tin của nhân dân đối với các chính sách tốt đẹp của Đảng, nhà nước” - Ông Voóc kể.

Và ngay tại cuộc họp, vị Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh phải kiểm điểm Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên. 

Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, một ngày sau (6/8/2012), Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi cho bà kết luận của Chủ tịch tỉnh đề nghị kỷ luật những cán bộ đã gây khó khăn cho người dân; đồng thời quyết ngay vốn vay cho hộ ông Voóc.

“Chúng tôi đã kỷ luật 3 cán bộ tại Chi nhánh huyện Cẩm Xuyên. Cũng từ sau vụ việc này, chúng tôi đã triệu tập một cuộc họp lãnh đạo các chi nhánh trên toàn tỉnh để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm” - bà Diên nói.

Chỉ ít ngày sau, gia đình ông Voóc được Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên giải ngân khoản vay 800 triệu đồng.

Lão nông dân đi dạy làm kinh tế

Nút thắt khó khăn đã được khai thông, ông Voóc có kinh phí đầu tư vào trang trại, mua thêm lợn giống, thức ăn. Chỉ sau một năm, lợn thương phẩm của ông tăng từ 100 lên 300 con/lứa/chuồng (2 chuồng); đàn lợn nái siêu nạc cấp bố mẹ xuất chuồng được hơn 2.000 lợn giống ra thị trường. Cùng hệ thống ao hồ nhiều ha nuôi cá diêu hồng, cá chép, tổng cộng mỗi năm trang trại đã mang lại cho gia đình ông Voóc tổng doanh thu hàng tỷ đồng. Riêng năm 2014, trừ tất cả chi phí, gia đình ông Voóc lãi ròng gần một tỷ đồng. 

Ông Voóc trong trại lợn cho nguồn thu lớn của gia đình
Ông Voóc trong trại lợn cho nguồn thu lớn của gia đình

Từ một nông dân nghèo và một ông chủ bên bờ phá sản, gia đình ông Voóc đã thực sự lột xác, vươn lên trở thành tỷ phú nông dân ở làng quê nghèo. Ngoài chuyện trả nợ ngân hàng, giờ ông đã xây được nhà mới, đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô theo hướng công nghiệp hơn. Ông Voóc còn được tín nhiệm bầu giữ chức chủ nhiệm một HTX sản xuất tại địa bàn. Mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình ông được nhiều hộ gia đình trong tỉnh đến tham quan học tập, được UBND tỉnh coi là mô hình điểm để nhân ra diện rộng.

Điều thú vị là từ một nông dân chân lấm tay bùn, ông lần lượt được xã, huyện rồi tỉnh mời dự một số cuộc tổng kết về xây dựng, phát triển mô hình kinh tế. Tại đó, người đàn ông chân chất, từng trải này đã chia sẻ kinh nghiệm, chỉ từng bước đi trên hành trình biến mảnh đất hoang hóa thành trang trại cho nguồn thu tiền tỷ.

“Tôi đã suýt phá sản nếu như không có sự “cứu nguy” kịp thời của những người hết lòng vì dân” - lời tâm sự của ông trước khi chi tay chúng tôi phản ảnh rõ một sự thật: miếng cơm manh áo của người dân luôn gắn liền với trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy hết lòng của người cán bộ.

Văn Dũng - Xuân Sinh