“Chuyện lạ” về cây thủy tùng ở Krông Năng

Những năm đầu thập niên 90, hàng nghìn cây thủy tùng ngàn năm tuổi ở Krông Năng bị chặt bỏ, vùi lấp dưới đáy hồ thủy lợi. Một vài hộ dân “may mắn” có thủy tùng sót trên rẫy bỗng trở thành kiểm lâm viên bất đắc dĩ khi dân khắp nơi đổ về nhăm nhe đốn hạ.

Tại thôn Quảng An, xã Ea Hồ (Krông Năng, Đắk Lắk) còn 1 cây thủy tùng khổng lồ sống sót nằm trên rẫy của anh Y Mion Niê (buôn Gier) và anh được Hạt Kiểm lâm huyện hợp đồng canh giữ cây quý với số tiền khoảng trăm nghìn/tháng. Y Mion kể: những năm 1995, gia đình anh đến khu sình Ea Kuang, thôn Quảng An phát nương làm rẫy, thời đó thủy tùng nhiều lắm, cây nào cây nấy to bằng cả 2-3 vòng tay người lớn ôm. Để lấy đất làm hồ thủy lợi, địa phương đã đốn hạ và hàng nghìn cây thủy tùng bị chôn vùi xuống sình Ea Kuang, trong đó có 2 cây trên đất rẫy nhà anh may mắn sống sót.

 

Năm 2007, cơn sốt thủy tùng lên cao, người dân khắp nơi kéo về khu sình Ea Kuang nơi anh làm lúa, ngày đêm đào bới, săn tìm thủy tùng. Họ lấy đi bất kể bộ phận gì liên quan đến thủy tùng. Ruộng lúa nhà Y Mion bị băm nát, phải bỏ hoang, 2 cây thủy tùng còn sống trên rẫy cũng liên tục bị nhòm ngó. Để bảo vệ cây, Hạt kiểm lâm Krông Năng đã hợp đồng với anh trông giữ, Y Mion có thêm một công việc mới - canh giữ 2 cây thủy tùng.

 

Cây thủy tùng anh Y Mion đang nhận trông giữ.

Cây thủy tùng anh Y Mion đang nhận trông giữ.

 

Thời gian đầu, Y Mion đã dựng chòi trên rẫy để tiện bề trông coi. Cẩn thận hơn, anh còn cho số điện thoại những nhà dân sống quanh rẫy mình, nếu lỡ hôm nào bận việc không vào rẫy được thì nhờ họ “để mắt” giùm, nếu có động tĩnh gì thì gọi điện báo anh biết. “Trong một đêm trời mưa rất to, kẻ xấu đã đột nhập cưa mất cây thủy tùng nhỏ hơn, sau đó cán bộ kiểm lâm đến đo đếm, lập biên bản, lúc đó mình nghĩ, lần này chắc bị bắt đền hoặc xử phạt vì đã trông coi không cẩn thận… Rất may cán bộ chỉ nhắc nhở và yêu cầu mình phải trông giữ cây còn lại cẩn thận hơn” – anh cười cho biết.

  

Xung quanh cây thủy tùng khổng lồ mà Y Mion canh giữ cũng đã xuất hiện những câu chuyện ly kỳ. Hôm chúng tôi vào rẫy để được tận mắt thấy “cây cổ”, quanh gốc cây cỏ mọc um tùm ngang thắt lưng, cây thủy tùng  có đường kính gốc hơn 2 mét, ngọn đã bị sét đánh gãy, giữa thân đã bị sâu tạo nên nhiều lỗ hổng nhưng cây vẫn phát triển, cành lá um tùm xanh tốt.

 

Tôi cùng một đồng nghiệp định lội qua lớp cây cỏ để được sờ vào thân cây thì những đứa trẻ con sống quanh đó cản lại. Chúng bảo: gốc cây có cặp rắn ông - rắn bà rất to trú ngụ; đã có một số người vào cưa trộm nhánh cây làm kinh động chỗ ở và bị rắn cắn trả thù. Nghe đến đây tôi sững lại không còn dám bước vào dù rất muốn được tận mắt, tận tay sờ vào loại cây được cho là “cùng thời với khủng long” này. Tiếc nuối, chúng tôi chỉ biết đứng từ xa giơ máy ảnh lên chụp mấy tấm về cây làm tư liệu.

 

Rời cây cổ, chúng tôi tìm về buôn Gier gặp buôn trưởng Y Cơn. Dọc hai bên đường buôn, những ngôi nhà ngói khang trang mọc san sát. Trước cửa nhiều nhà chất đầy những mảnh gỗ, rễ cây đen sì mà theo lời già Y Cơn thì đó là thủy tùng bà con đi “xăm” ngoài sình Ea Kuang về. “Cơn sốt thủy tùng không còn nóng như trước, với lại những mảnh gỗ bà con tìm được nhỏ, không có giá trị nhiều, dù bỏ lăn lóc trước cửa nhà cũng chẳng ai trộm cắp cả” – Y Cơn cười nói.

  

Trước cửa nhà Y Cơn cũng có một vài súc gỗ thủy tùng vứt lăn lóc, trên nóc tủ vài mảnh thủy tùng có hình thù kỳ lạ được ông rửa sạch làm vật trưng bày chơi.

 

Đưa mắt nhìn xa xăm về phía trước, Y Cơn kể: Từ khi còn bé già đã thấy thủy tùng, nhiều lắm; bạt ngàn những cánh rừng, cây nào cũng to cỡ 2-3 vòng tay người lớn ôm. Gỗ thủy tùng ngày xưa đồng bào Êđê ít sử dụng lắm, thân gỗ mềm và không phải ai cũng được sử dụng, chỉ những già làng lớn tuổi có uy tín trong buôn mới được dùng. Khi muốn chặt một cây phải làm lễ cúng, xin thần rừng rồi mới đốn hạ. Mà đốn về rồi cũng chỉ sử dụng để làm các chi tiết bên ngoài nhà như mái hiên, lát sàn lên xuống cầu thang chứ không dùng làm đồ nội thất trong nhà.

 

“Người dân buôn Gier dùng thủy tùng làm nhà mới khoảng vài chục năm gần đây, khi thủy tùng bị đốn hạ ồ ạt để làm đập chứa nước; đi làm ruộng rẫy đốt không hết, bà con thấy tiếc gỗ nên mang về xẻ ván lát sàn, làm hàng rào… và cũng chỉ những người nghèo mới dùng gỗ thủy tùng thôi” - Y Cơn cho biết.

 

Cũng theo già Y Cơn: chừng dăm, bảy năm gần đây không biết từ đâu rộ lên tin đồn thủy tùng có khả năng chữa bệnh nan y, xua đuổi ruồi muỗi, khiến người dân khắp nơi đổ xô về các khu sình lầy trước đây có thủy tùng bị chôn lấp đào, bới tìm những thân thủy tùng bị chôn vùi đem về bán, gây ồn ào, mất trật tự suốt một thời gian dài. Các đầu nậu gỗ khắp nơi tìm về buôn lùng sục, những nhà nào trước đây dùng thủy tùng làm nhà, làm hàng rào hay làm chuồng trâu, bò đều tháo ra bán hết. Nhờ tiền bán gỗ thủy tùng đó mà xây được nhà bê tông, tậu được xe…

 

Rời buôn Gier, đi dọc đoạn đường từ buôn ra thị trấn, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài phụ nữ Êđê gùi sau lưng những gùi rễ cây, mảnh gỗ thủy tùng nho nhỏ còn bám đầy đất đen sì. Họ cho biết đang gùi số rễ, gỗ thủy tùng này ra ngoài đường cái lớn để bán, nếu may mắn, một gùi như vậy cũng bán được một đến hai trăm ngàn. Hôm nào không may thì lại phải gùi về, lúc nào rảnh rỗi lại gùi ra bán tiếp…

 

Theo L.Văn
 Đắk Lắk Online