Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa

Những chú chó được nuôi trên đảo không kém phần thân thương, bởi một lẽ, giữa mênh mông trời nước, bất cứ điều gì gắn với đất liền, cũng trở thành cầu nối khiến Trường Sa bớt xa xôi.

Khi những câu chuyện thăm hỏi tình hình, cuộc sống của anh em trên đảo đã gần như tròn trịa, chúng tôi chuyển sang đề tài về những chú chó. Mai Văn Phấn, chiến sỹ canh giữ chủ quyền ở đảo Đá Lát, trung uý Lại Tất Hà, đồng chí Hiến (quê gốc ở Thái Nguyên, gia đình mới chuyển về Duy Tiên, Hà Nam được hai năm nay), đồng chí Trung (quê Thanh Hoá) say sưa nói chuyện về những người bạn 4 chân trên đảo.

 

Đảo Đá Lát có tổng số... 5 "anh" chó. Chúng tự tìm cho mình chỗ ở, đó là dưới gầm những vườn rau xanh được đặt ở độ cao trên một mét. Ban ngày, chúng vẩn vơ trên cầu tầu, hay lang thang ở rìa mép bê-tông bốn xung quanh nhà kiên cố. Đó là những khu vực trống và có bóng râm.

 

Câu chuyện về những chú khuyển trên đảo Đá Lát được trung uý Lại Tất Hà thủng thẳng kể: ban đầu là "sáng kiến" ngẫu nhiên của một chiến sỹ, về đất liền nghỉ phép mang ra một chú chó con. Chú chó ấy thành tài sản của cả đảo. Cứ ngỡ, ở môi trường mới nó không thích nghi được, ai dè nó sống khoẻ, không bệnh tật (chứng tỏ môi trường ngoài đảo quả là quá trong lành!)

 

Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa

Những chú chó trên đảo Thuyền Chài, Ảnh Kiên Trung

 

Có tiếng chó sủa nhóc nhách cũng khiến đảo đỡ buồn. Mấy năm trước, khi đất liền với đảo khơi còn là một khoảng cách vời vợi, chưa có sóng điện thoại phủ, liên lạc với đất liền chỉ bằng những cánh thư.

 

Thời gian nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ người yêu trên đảo, ngoài việc ôm đàn ghita bập bùng hát, giờ có thêm chú chó làm bầu bạn.

 

Chó sống trên đảo khôn ngoan và có kỷ cương, nề nếp đến giật mình: một chú chó đang hóng hớt làm quen với khách lạ, khi nghe tiếng quát liền ngoan ngoãn cúp đuôi về chỗ ở, không dám bén mảng ra ngoài.

 

Anh Hà bảo: đừng sợ, chó trên đảo không cắn ai cả, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, vì hình như, nó cũng mong có người ra thăm đảo.

 

Chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà mang từ đất liền, giống chó thóc, nhỏ bé nhưng khôn ngoan, linh lợi. Nhiều chú chó nghịch ngợm và liều lĩnh, nhảy xuống biển bơi oàm oạp, và cũng biết cùng anh em chiến sỹ đi lùa cá, bắt cá ở vùng biển cạn gần nhà kiên cố. Đó là những bãi san hô ngầm, khi triều cạn chỉ xăm xắp quá mắt cá chân.

 

Thời gian đầu, đàn chó nhà được nuôi ở đảo cứ tự chúng "nhân bản" lên theo cấp số cộng, từ hai con thành cả chục con, rồi thành cả đàn. Nhưng, đàn chó sống chung trên một đảo, nói gì thì nói, chúng đều là những thế hệ cận huyết, cùng huyết thống. Sau một thời gian, lũ chó thế hệ sau sinh ra, mặc dù vẫn lớn bình thường nhưng đầu óc lại... có vấn đề, chúng cứ ngẩn ngơ như mất hồn, và có biểu hiện của bệnh... đao!

 

 

 

Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa

Những chú chó trên đảo Đá Tây. Ảnh Kiên Trung
 

Ban đầu, anh em không biết, rất lo lắng, sau, suy luận, mới chợt nghĩ đến cái lý do mà chẳng ai nghĩ đến. Một "giải pháp" được đưa ra, đấy là đổi con chó đực từ đảo nọ sang đảo kia. Đàn chó lại tiếp tục gia tăng, và chấm hết những thế hệ chó con ngẩn ngơ ngoài đảo.

 

Đầu giờ chiều ngày 23/4, chúng tôi có mặt ở đảo Đá Tây B. Đảo gồm hai nhà kiên cố được nối với nhau bằng một "chiếc cầu" bê-tông hẹp, có tay vịn. Bên mạn phải gần với nhà chỉ huy là tháp hải đăng của ngành Dầu khí. So với Đá Lát, sự có mặt của ba công trình đồ sộ và kiên cố ấy phần nào cũng khiến biển cả bớt mênh mông.

 

Chiều Đá Tây. Nửa chang chang nắng, nửa lồng lộng gió biển. Thấy có khách tới thăm đảo, "gia đình" nhà chó trên đảo Đá Tây lũ lượt ra đón chúng tôi, lớn bé, già trẻ, đực, cái... lên tới vài chục con.

 

Vài chú chó choai có lông màu khoang, tinh nghịch như một anh thanh niên mới lớn, sán vào lòng khách, có chú hiếu động ngoạm hẳn một chiếc dép có hơi người lạ ra một góc khuất nằm... gặm chơi. Bị phát hiện, chú nhảy ùm xuống biển bơi một dạo, rồi lại tý tởn vào bờ, lại sán vào chỗ đông người, rũ bộ lông ẩm ướt làm nước biển bắn ra tứ phía.

 

Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa


Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa
Nguyễn Văn Cường, thiếu uý phụ trách xuồng máy trên đảo Đá Tây khoe với chúng tôi về đàn chó con vừa mở mắt. Ảnh Kiên Trung

 

Khi màn "chào hỏi" đã kết thúc, lũ chó lại lục tục đi tắm nắng. Chúng ngả ngốn chật kín trên chiếc cầu nối từ khu nhà chỉ huy sang khu nhà chiến sỹ, có cảm giác như, muốn từ nhà này sang nhà kia, phải nhón mũi chân kẻo dẫm phải các ông bạn khuyển.

 

Hình ảnh lạ mắt khiến các ống kính máy ảnh thi nhau chĩa về hướng đó. Người bạn cùng tuổi dẫn tôi xuống khu vực nhà kho ở tầng dưới cùng của khu nhà chiến sỹ, cho tôi xem một đàn chó 8 con vừa mở mắt, con nào con nấy mũm mĩm, hiền lành và đáng yêu khôn tả.

 

Mẹ của chúng, chú chó có bộ lông màu đen, người gầy gầy, xương xương. Nếu xếp theo "vai vế", chú chó này có lẽ đang ở ngôi... chó cụ ở đảo Đá Lát!

 

Nắng chiều hắt xuống mặt biển, tuỳ theo độ sâu của mực nước mà phản quang thành những khối màu khác nhau: khu vực bãi san hô ngay gần chỗ chúng tôi ngồi là những khoảng sáng đan xen như ô bàn cờ, vì nó soi rõ những khối san hô sáng trắng; càng ra xa, màu xanh càng trở nên sẫm đậm như màu mảnh chai.

 

Gió chiều lồng lộng. Tôi nằm trên bờ xi-măng dẫn ra khu trận địa, thiu thiu ngủ. Trong giấc ngủ vội vàng ấy, tôi nhớ, có cả hình ảnh chú chó có bộ lông màu đen đang canh chừng bên đàn con vừa mở mắt; có cả chú chó tinh nghịch ngoạm chiếc dép của khách lạ ra ngoài gặm chơi; có cả tiếng sủa dõng dạc của một chú chó thanh niên vạm vỡ, đi theo sau những bóng áo lính hải quân đang bồng súng tuần tra biển...

 

Xung quanh, biển xanh rào rạt, và nắng thuỷ tinh ôm trùm lấy khu nhà kiên cố, trông xa, sẫm đậm như một pháo đài nhô lên mặt biển.

 

Theo Kiên Trung

 VietNamnet