Chuyên gia nói gì sau khuyến cáo “không nên ăn hải sản tầng đáy”?

(Dân trí) - “Tôi thấy khuyến cáo, cảnh báo như thế là rất tốt. Những thông tin khoa học có ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng con người thì Nhà nước cần thông báo kịp thời cho người dân” - PGS.TSKH Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chia sẻ với PV Dân trí.

Bộ Y tế vừa công bố cho biết, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có Phenol. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có Phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, các đục, bạch tuộc, cua đá. Đây là các loài hải sản sống ở tầng đáy.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo, không nên sử dụng các loại hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói về kết quả nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản miền Trung (Ảnh: T.A)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói về kết quả nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản miền Trung (Ảnh: T.A)

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết, ông đánh giá cao khuyến cáo của Bộ Y tế về việc không nên ăn hải sản đánh bắt ở tầng đáy của 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện nay ngư dân đánh bắt nghề tầng đáy dưới 20 hải lý cũng rất khó chuyển đổi nghề đánh bắt mới.

"Tôi thấy khuyến cáo, cảnh báo như thế là rất tốt. Những thông tin khoa học có ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng con người thì Nhà nước cần thông báo kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, đối với người dân thì rất khó. Người dân người ta không biết thế nào là vùng 20 hải lý, đo đạc thế nào để biết lúc nào đánh là vùng 20 hải lý và vùng nào không 20 hải lý. Thực ra, điều kiện môi trường, nguồn lợi hải sản và thực phẩm xung quanh những vùng bị ô nhiễm thì khoan nên sử dụng" - PGS Tác An nói.

Về khả năng ngư dân sẽ chuyển việc đánh bắt từ tầng đáy sang tầng nổi dưới 20 hải lý hoặc đánh bắt ở phạm vi ngoài 20 hải lý, ông Nguyễn Tác An nhận định đây là việc khó. Nghề nghiệp đánh cá là thói quen, phải rèn luyện lâu chứ không thể nói chuyển là chuyển được.

Đánh cá nổi, nguồn lợi nổi và nguồn lợi đáy là 2 nghề nghiệp rất khác nhau, công cụ và thói quen rất khác nhau. Văn hóa và quá trình đào tạo thực hiện 2 nghề này cũng rất khác nhau.

Từ xưa nay, người quen làm nghề đáy thì bây giờ người ta chỉ làm nghề đáy, quen làm nghề nổi thì làm nghề nổi. Vả lại, ngư dân cũng sắm những công cụ, học tập những kinh nghiệm cha truyền con nối theo những nghề đó, khó có thể thay đổi nghề nghiệp truyền thống của cha ông.

Một số hải sản tầng đáy Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng - Nguồn: Viện nghiên cứu Hải sản
Một số hải sản tầng đáy Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng - Nguồn: Viện nghiên cứu Hải sản

Để hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở tầng đáy dưới 20 hải lý, PGS Tác An cho rằng, đây là vấn đề Nhà nước cần phải rất quan tâm. Tùy theo tuổi tác, trình độ, mong muốn, nguyện vọng người ta là gì. Đối với những người trẻ thì cho người ta học nghề, chuyển đổi nghề, công việc khác. Đối với những người có tuổi thì cần bố trí cho người ta những công việc thích hợp.

Theo kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề phục hồi tầng đáy biển sau các sự cố môi trường, PGS cho biết, ở các nước từng bị ô nhiễm công nghiệp khác, thời gian phải mất 50-60 năm. Ở Việt Nam - vùng đất nhiệt đới, đa dạng sinh học lớn, điều kiện động lực mạnh như miền Trung, ông An phán đoán phải trên dưới 10-15 năm biển mới có thể phục hồi, chứ không thể đơn giản một vài hôm. Và, khoảng thời gian này là cả một vấn đề trong quá trình xử lý ô nhiễm ở tự nhiên.

Khó khăn hàng đầu phải đối mặt trong việc khắc phục sự cố môi trường, theo ông An, là hết sức tốn kém, khó khăn, hiệu quả không cao và điều kiện rất phức tạp.

Đến nay, Việt Nam cũng thường chỉ trông chờ vào quá trình tự làm sạch của biển khi xử lý ô nhiễm vì hoạt động của con người chỉ là bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các quá trình thiên nhiên ở đó để cho nó tự làm sạch.

"Còn việc dùng kỹ thuật, đầu tư kỹ thuật cũng làm được nhưng người ta đầu tư vào khâu quản lý, không cho thải ra. Nói chung, con người can thiệp vào khâu quản lý, kiểm soát thật chặt chẽ quá trình xả thải" - ông An nói.

Viết Hảo