1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hậu Giang:

Chuyện buồn của những cô gái xuất ngoại lấy chồng

(Dân trí) - Không kham nổi cuộc sống khổ cực bên nhà chồng, nhiều cô dâu Việt phải bỏ trốn về quê, việc ly hôn cũng gặp nhiều khó khăn, kéo theo đó là những đứa con lai khó hòa nhập với cuộc sống nơi quê mẹ.

Xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) được xem là một trong những địa phương có trào lưu lấy chồng nước ngoài nhiều nhất ở tỉnh Hậu Giang. Theo thống kê của chính quyền địa phương xã cho biết, từ khoảng năm 1999 đến nay, toàn xã có gần 300 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhiều nhất là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Bỏ trốn về quê vì nhà chồng nghèo hơn nhà mình

Tiếp chuyện với PV Dân trí, ông Trần Văn Quen - cán bộ Tư pháp xã Vị Thắng - cho biết, tình hình phụ nữ ở địa phương lấy chồng nước ngoài gia tăng qua các năm. Theo ông Quen, thời gian qua, việc lấy chồng nước ngoài thường theo phong trào và chủ yếu là vì kinh tế. “Có tình trạng ông này thấy nhà kế bên có con đi lấy chồng nước ngoài gửi tiền về cho cha mẹ trả nợ, xây nhà, mua xe nên cũng bắt mối gả con gái đi nước ngoài. Cứ thế hết nhà này đến nhà khác nên có một thời cũng rôm rả lắm”, ông Quen nói.

Cũng theo ông Quen, qua thống kê cho đến giờ có khoảng 60% phụ nữ ở địa phương lấy chồng nước ngoài có cuộc sống khá tốt, còn lại hầu như là gặp nhiều trắc trở. Trong đó, có nhiều chị em phụ nữ phải bỏ trốn về quê nhà vì không chịu được cảnh sống quá khó khăn ở bên nhà chồng.

Ông Quen cho hay, chỉ tính riêng trong năm 2013 có 21 trường hợp phụ nữ địa phương lấy chồng nước ngoài. Trong đó có 9 trường hợp lấy chồng Trung Quốc và hầu hết những trường hợp này đều gặp bất hạnh. “Khi tổ chức đám cưới thì thấy bên nhà trai cũng khá lắm nhưng khi qua bên nhà chồng, một số chị em mới biết sự thật là nhà chồng nghèo hơn nhà mình nên không kham nổi cuộc sống bên đó, vì thế đã bỏ trốn về quê nhà”, ông Quen cho biết.

Đơn cử như chị T.T.N.G (ngụ ấp 9) mới lấy chồng Trung Quốc hồi tháng 4/2013. Khi qua bên đó mới biết nhà chồng ở tận miền núi xa xôi nghèo khổ nên chị G. đã bỏ trốn đến 2 lần mới về được Việt Nam. “Chị G. có đến UBND xã để xin làm thủ tục ly hôn nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hiện chị này cũng không ở nhà mà đi làm ở tận Bình Dương”, ông Quen thông tin.

Hay như trường hợp của chị T.T.M.T lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2009 cũng bỏ về nhà 1, 2 năm nay. Trường hợp của chị N.T.C (ngụ ấp 12) cũng lấy chồng Hàn Quốc, sau đó bỏ trốn về quê từ năm 2006. Chị T.T.N lấy chồng Trung Quốc từ năm 2007 cho đến nay chưa một lần được về thăm nhà, do nhà chồng quá nghèo, không có tiền về quê.

Ông Quen cho biết, đa số chị em lấy chồng nước ngoài khi bỏ về đều đi làm ăn xa, một phần vì mặc cảm, phần vì cuộc sống quá khó khăn. Hầu hết những chị em này cũng gặp khó khăn trong vấn đề làm thủ tục ly hôn. Khi bỏ trốn về quê, chị em đều tay trắng, không có giấy tờ gì nên ngành chức năng khó giải quyết ly hôn. Từ đây kéo theo một số hệ lụy, trong đó có vấn đề con lai.

Cô dâu Phạm Thị Trúc (quê tỉnh Hậu Giang) đã chết bên nhà chồng ở Hàn Quốc.
Cô dâu Phạm Thị Trúc (quê tỉnh Hậu Giang) đã chết bên nhà chồng ở Hàn Quốc.

Những đứa con lai ngoài hộ khẩu

Ông Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng - cho biết, qua thống kê trên địa bàn xã hiện có 11 đứa trẻ là con lai. Những đứa bé này đều có giấy khai sinh mang quốc tịch nước ngoài, do đó, khi về sống ở Việt Nam đều nằm ngoài hộ khẩu gia đình.

Trường hợp của chị T.T.M.T. lấy chồng Hàn Quốc, khi bỏ về Việt Nam mang theo một đứa con gái khoảng 5 tuổi. Sau đó, bên nhà chồng có qua bắt lại nhưng gia đình bên chị T. không chấp nhận. Cháu bé này cho đến nay vẫn không thể nhập hộ khẩu bên nhà ngoại được vì mang quốc tịch nước ngoài.

Việc không ly hôn được cũng đã làm khó cho cuộc sống gia đình của nhiều chị em phụ nữ khi muốn đi bước nữa. Như trường hợp của chị N.T.X (ngụ ấp 6) lấy chồng Hàn Quốc, trốn về quê cũng đã 5 năm nay. Sau đó chị X. lấy một người đàn ông Việt Nam làm chồng, sinh một người con nhưng cháu phải mang họ mẹ. Cán bộ Tư pháp xã cho biết, do chị X. chưa ly hôn với người chồng nước ngoài nên chưa đủ điều kiện để làm thủ tục khai sinh mới cho con với người đàn ông sau.

Cũng theo ông Quen, những đứa con lai ở địa phương khi đi học hiện nay chỉ là tạm thời cho biết chữ mà thôi. “Gia đình lấy giấy khai sinh của các cháu dịch ra tiếng Việt rồi gửi đi học ở một số trường tiểu học. Nhưng các cháu học xong tiểu học thì không thể học tiếp lên cấp 2 vì các cháu không có hộ khẩu. Ngoài ra, các cháu cũng không được hưởng những chế độ như trẻ em Việt Nam. Đây là những cái khó khăn đối với trẻ em lai hiện nay” - ông Quen nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, ông Quen cho biết, việc lấy chồng nước ngoài là quyền của mỗi cá nhân, địa phương không thể cấm. Tuy nhiên, để đảm bảo hạnh phúc, các cô gái phải tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh bên nhà chồng trước khi kết hôn. Ông Quen cũng nhấn mạnh, đừng coi những cuộc hôn nhân với người nước ngoài là cách kiếm tiền bởi rất có thể sau khi cưới sẽ vỡ mộng.

Địa phương cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có cơ chế giải quyết ly hôn cho những trường hợp nêu trên một cách thuận tiện nhất. Về tình trạng trẻ em lai, địa phương cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành những văn bản pháp luật như về nhập khẩu, thủ tục học hành tạo điều kiện cho những đứa trẻ có cuộc sống tốt nhất.

                                                                                                            Huỳnh Hải