1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện bi hài thời hết việc

(Dân trí) - Tại thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) , nơi giàu nhất nhì Đông Nam bộ, thu nhập bình quân của người dân thuộc “CLB 1.000 USD/năm”, nhưng nhiều công nhân đang phải “cắm” cả sĩ diện để đi “mót” khoai mì (củ sắn) ăn qua ngày.

 
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, hàng chục ngàn công nhân lâm cảnh thất nghiệp, giãn việc, giảm lương, nợ nần… sinh ra lắm chuyện trớ trêu. Nhiều chuyện không biết là hài hay bi...
 
Chuyện bi hài thời hết việc - 1

Khó khăn nhất lúc này là những gia đình công nhân trẻ có con nhỏ
 
Hoãn cưới vì… không được tăng ca

Mấy tháng nay, vì lo lắng chuyện cưới xin mà S. và cô bạn gái N. làm cùng công ty tại KCN Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương sụt mất mấy cân. Chả là cả hai đã dự định tổ chức đám cưới vào tháng giêng năm Kỷ Sửu (sau Tết Nguyên đán). Tính toán mỗi tháng thu nhập của cả hai cũng được tầm 5 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản cũng còn dư 2 triệu/tháng dành làm đám cưới.

Thế nhưng, mấy tháng cuối năm này công ty hết việc, không còn tăng ca nữa nên hai anh chị chỉ làm trong giờ hành chính, lãnh lương căn bản hơn 1 triệu tháng. Tính ra mỗi tháng chỉ được từ 2 - 3 triệu đồng, đủ cho cả hai ăn tiêu. Cho nên, gần nửa năm nay mà cả hai chưa dành được mấy.

Tháng rồi, S. làm được 1,7 triệu, N. được hơn 1 triệu, nhưng mẹ ở quê hối thúc quá, cả hai cũng cố chừa ra 1 triệu gửi về cho mẹ chuẩn bị lo đám cưới. Như vậy, tiền ăn, tiền trọ tháng này của cả hai chỉ còn gần 2 triệu. S. lo ra mặt, suốt ngày than thở sao không được… tăng ca. Cả hai đang bàn với nhau: hay là hoãn cưới.

Công nhân thất nghiệp, chủ nhà trọ suýt phá sản

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch xã An Tây, Bến Cát, Bình Dương, cho biết: “Trên địa bàn xã mấy tháng qua nhiều công nhân thất nghiệp bỏ về quê nên tình hình kinh doanh nhà trọ cũng gặp khó khăn nhiều”.

Xã An Tây là xã có đến 7.000 công nhân ngoại tỉnh tập trung làm việc tại KCN Việt Hương 2 nên số lượng phòng trọ lên đến hơn 2.000 phòng, hầu như hộ dân nào trong xã cũng kinh doanh nhà trọ và thu nhập khá ổn định. Thấy có lời nên nhiều người dân tại các địa phương khác cũng đến đây mua đất xây nhà trọ cho thuê.

Ông H. ngụ tại thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát là một thí dụ. Nhưng ông kinh doanh không gặp thời. Ông đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua đất và xây dựng khu nhà trọ với hơn 100 phòng tại xã An Tây này. Công trình hoàn tất vào tháng 10/2008 cũng là thời gian các công ty tại KCN Việt Hương bắt đầu sa thải công nhân nên chẳng ai thuê trọ nữa, khu nhà trọ của ông bỏ phế từ đó đến nay.

Ông tâm sự: “May mà tiền xây nhà trọ là tiền nhà nước bồi thường cho tôi khi thu hồi đất xây khu công nghiệp và đô thị Mỹ Phước. Nếu đi vay mượn để kinh doanh thì phá sản rồi”.
 
Chuyện bi hài thời hết việc - 2
Một khu nhà trọ bỏ hoang vì không có công nhân thuê

“Cắm” đủ thứ để lót lòng

Cô Thái, chủ tiệm tạp hóa trên đường D4, KCN Mỹ Phước 2, kể: “Mấy tháng nay, nhiều đứa cứ đến tầm giữa tháng lại ra “cắm” chứng minh nhân dân ở quán cô để lấy chục gói mỳ về ăn cho hết tháng. Đứa nào mua quen rồi thì thiếu nợ đến cả triệu bạc từ tháng này qua tháng khác, trả mãi mà vẫn không hết. Vì chúng nó cứ đầu tháng trả được một ít thì cuối tháng lại mua chịu thêm một ít”.

Còn tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương giàu nhất nhì Đông Nam bộ, thu nhập bình quân của người dân thuộc “CLB 1.000 USD/năm”, nhưng nhiều công nhân của công ty TNHH Dân Sinh, phường Phú Hòa phải “cắm” cả sĩ diện để đi “mót” khoai mì (củ sắn) mà ăn qua bữa.

Ông T., một quản đốc của công ty, kể: “Công ty hồi trước có đến 500 công nhân, nay chỉ còn hơn 50. Công ty nợ lương mấy tháng rồi nên công nhân đâu có tiền bạc gì, hàng ngày 2 bữa đi ký sổ căng tin mà ăn. Muốn bớt nợ thì lân la ra mấy rẫy mì của dân xung quanh mót mấy củ còn sót sau khi người ta thu hoạch”.

Yến, công nhân bộ phận chà nhám của Dân Sinh, cho biết: “Ngày công của bộ phận em chỉ có 38 ngàn mà mấy tháng nay còn không có việc để làm thì lấy đâu ra tiền mà tiêu”.

Những cuộc chạy trốn bất đắc dĩ

Ông Lê Văn Ký, chủ nhà trọ Ký Lễ, xã An Tây, Bến Cát, Bình Dương kể: “Sau khi công ty Việt Long, Việt Khang thải gần cả ngàn công nhân, nhiều đứa quê ở xa, sau khi lãnh lương tháng cuối cùng không đủ trả tiền nhà trọ đành bỏ cả quần áo, vật dụng mà bỏ trốn. Vì tụi nó lương không đủ sống mấy tháng nay rồi, tiền trọ đứa nào cũng nợ mấy tháng, chủ nhà cũng biết nên canh dữ lắm. Do vậy, tụi nó đành bỏ của chạy lấy thân thôi”.

Anh Bùi Văn Lợi (27 tuổi), công nhân công ty Việt Long vừa mất việc, cũng thừa nhận là có nhiều bạn cùng bộ phận với mình bỏ trốn vì không đủ tiền trả tiền trọ. Nhưng khi chủ nhà trọ truy hỏi thì anh nhất mực lắc đầu bảo là không thể liên lạc với các bạn ấy nữa.

Chị Lan, chủ nhà trọ Hồng Lan trên đường D5, KCN Mỹ Phước 2 còn kể một câu chuyện buồn: “Nhà trọ của chị có hai anh em ở Nghệ An thuê lâu nay rồi, tụi nó thiếu chị mấy tháng tiền nhà. Đột nhiên cuối tháng rồi tụi nó biến mất. Đến 3 bữa trước thằng anh gọi điện về bảo là tụi nó bí quá mới đành vậy, tụi nó đang bán cây cảnh thuê cho người ta, đợi dành đủ tiền sẽ về trả cho chị”.

Rồi chị chặc lưỡi: “Tội nghiệp! Tại hoàn cảnh cả thôi, ai muốn vậy đâu”. 

Tùng Nguyên - Đoàn Quý