1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Chưa thống nhất phương án cải tạo "con đường trăm tỷ"

(Dân trí) - Viện Chuyên ngành đường bộ và sân bay (Bộ GTVT) vừa báo cáo sơ bộ các giải pháp cải tạo, nâng cấp tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh vốn đang bị xuống cấp nặng nề. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra chưa thuyết phục được các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh.

Báo cáo sơ bộ về các phương án cải tạo nâng cấp tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh được Viện Chuyên ngành đường bộ và sân bay (VCNĐB&SB - đơn vị khảo sát, lập dự án đầu tư điều chỉnh) đưa ra tại cuộc họp giữa lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sông Đà (đơn vị được Tập đoàn Sông Đà giao nhiệm vụ quản lý, khai thác) và UBND tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 14/2 tại UBND tỉnh này.
 
Chưa thống nhất phương án cải tạo "con đường trăm tỷ" - 1
Đại diện VCNĐB&SB (Bộ GTVT) trình bày các phương án khắc phục sửa chữa đường tránh TP Hà Tĩnh tại UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều ngày 14/2

4 phương án “cắt” mạch xuống cấp

Theo nội dung báo cáo tóm tắt của VCNĐB&SB, sẽ có 4 phương án cải tạo nâng cấp tuyến chính công trình Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP Hà Tĩnh. Phương án 1.1: Kết cấu mặt đường gồm các lớp: BTNC 15, dày 5cm +  lớp BTNC 25, dày 7cm + lớp đá gia cố nhựa (ATB) có chiều dày thay đổi; phương án 1.2: BTNC 15, dày 5cm + lớp BTNC 25, dày 7cm + lớp đá gia cố nhựa (ATB) có chiều dày thay đổi +  lớp CPĐD loại 1 (Ưu điểm: công nghệ thi công không phức tạp, dễ kiểm soát chất lượng; Nhược điểm: giá thành thi công cao);

Phương án 2, kết cấu mặt đường bao gồm, lớp BTXM # 350, dày 25cm +  lớp CPĐD gia cố XM 6%, có chiều dày thay đổi +  bù vênh lớp CPĐD loại 1 (Ưu điểm: cường độ mặt đường cao; Nhược điểm: chưa có quy trình thi công nghiệm thu, các hư hỏng trong quá trình khai thác đòi hỏi các giải pháp sửa chữa phức tạp, chi phí lớn);   
 
Phương án 3, kết cấu mặt đường bao gồm các lớp: BTNC 15, dày 5cm +  lớp BTNC 25, dày 7cm + lớp CPĐD gia cố XM 6%, có chiều dày thay đổi + lớp CPĐD loại 1 (Ưu điểm: thi công nhanh, dự kiến 3 tháng; Nhược điểm: Công nghệ thi công phức tạp, đòi hỏi thiết bị thi công đồng bộ và dễ xẩy ra hiện tượng nứt phản ánh lớp BTN do lớp móng đá gia cố xi măng bên dưới bị nứt);
 
Phương án 4, kết cấu mặt đường dự kiến các lớp, lớp BTNC 17 + lớp BTNC 25 + lớp móng gia cố + cào bóc, tái chế mặt đường cũ (Ưu điểm: xử lý triệt để lớp mặt cũ làm lớp móng đường, cao độ đường nâng lên không nhiều; Nhược điểm: chưa có quy trình thi công nghiệm thu và chưa xác định được chính xác chiều dày lớp tăng cường).
Chưa thống nhất phương án cải tạo "con đường trăm tỷ" - 2
Không thiếu những cái hồ như thế này "chình ình" trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh
  
Đưa ra 4 phương án nêu trên, tuy nhiên, trong phần kết luận đại diện phía VCNĐB&SB đề nghị chủ đầu tư trình, kiến nghị Bộ GTVT cho triển khai phương án thi công phương án 1.2, với kết cấu mặt đường BTNC 15, BTNC 25, ATB và cấp phối đá dăm loại 1, với tổng mức đầu tư 313 tỷ đồng.

Lo ngại

Ngay khi các kỹ sư của VCNĐB&SB (Bộ GTVT) trình bày xong các phương án khắc phục, sửa chữa tuyến đường xuống cấp nói trên, đại diện Sở GTVT, Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đã bày tỏ những lo ngại các phương án này khó giải quyết dứt điểm thực trạng đường xuống cấp cũng như những tồn tại mà tuyến đường tránh này gây ra.

“Từ khi được thi công tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh đã như một con đê, ảnh hưởng nặng nề đến việc thoát lũ từ thượng nguồn hồ thủy lợi Kẻ Gỗ đổ về. Nay, nếu phương án mà phía đơn vị tư vấn thiết kế vừa đưa được chấp thuận triển khai có nghĩa là mặt đường tiếp tục được nâng cao lên, như thế càng khiến công tác thoát lũ gặp nhiều khó khăn”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Đặng Quốc Hà phân tích.
Chưa thống nhất phương án cải tạo "con đường trăm tỷ" - 3
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Đặng Quốc Hà lo ngại, các giải pháp sửa chữa, cải tạo mà Viện VCNĐB&SB đưa ra sẽ khiến đường tránh Hà Tĩnh biến thành con đê, ngăn lũ thực sự 
 
Cũng theo ông Hà, trong quá trình lập dự án đầu tư, điều chỉnh, phía đơn vị tư vấn thiết kế chưa đưa ra được hệ số tăng trưởng xe, nói đúng hơn là dự báo chính xác lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đường này trong những năm tới, vì thế, công trình khó đảm bảo chất lượng trong tương lai.
 
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh cho rằng, những thông số kỷ thuật mà đơn vị tư vấn đưa ra đã cũ, khó đáp ứng được yêu cầu kỷ thuật một khi lưu lượng xe tăng vọt. Một vấn đề khác mà Sở GTVT Hà Tĩnh lưu tâm đơn vị tư vấn thiết kế cũng như nhà thầu BOT, đó là cần xem xét đến khả năng mở rộng quy mô đường 4 làn xe, bởi Quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh hiện đã được Bộ GTVT phê duyệt cải tạo mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe.  
 
Phó Chủ tịch UBND tĩnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật khuyến cáo, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh là một huyết mạch quan trọng của cả nước, chứ không chỉ riêng gì Hà Tĩnh nên chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế cần nghiêm túc xem xét những ý kiến phản hồi của ngành chức năng địa phương để giải pháp khắc phục sửa chữa tuyến đường này đạt kết quả cao nhất.

Văn Dũng