Chủ tịch TPHCM: 300kg ma túy mà tiêu thụ hết thì hủy hoại thế hệ trẻ kinh khủng!

(Dân trí) - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, ma túy gây tác hại đến người trẻ tuổi, nhất là ma túy đá khó cai nghiện. Nếu 300kg ma túy tiêu thụ hết thì sẽ hủy hoại thế hệ trẻ kinh khủng. Tình hình tội phạm giết người gia tăng, cướp giật nhiều có nguyên nhân từ ma túy.

Tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP sáng 21/3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề cập đến vụ bắt 300kg ma túy. Đây là chuyên án được Bộ Công an phối hợp với các địa phương thực hiện thành công trong thời gian qua.

Theo ông Phong, ma túy tác hại đến người trẻ, nhất là ma túy đá rất khó cai nghiện. Nếu 300kg tiêu thụ hết thì hủy hoại thế hệ trẻ kinh khủng. Việc này xảy ra không chỉ ở TPHCM mà còn ở một số tỉnh lân cận.

ong phong noi ve 300kg ma tuy.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng nếu tiêu thụ hết 300kg ma túy thì hủy hoại thế hệ trẻ kinh khủng

“Tình hình tội phạm giết người gia tăng, cướp giật nhiều có nguyên nhân là do ma túy”, ông Phong nói.

Cũng liên quan đến ma túy, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, số người nghiện có hồ sơ, thành phố nắm được là 23.000 nhưng con số thật phải đến gấp ba lần.

“Hiện nay, quan điểm của chúng ta xem người nghiện là những người có khiếm khuyết về nhân cách, lầm lỡ chứ không phải là tội phạm. Vì vậy, thành phố muốn đưa họ vào các trung tâm để giúp họ nhận ra lỗi lầm, từ bỏ nghiện ngập”, ông Phong nói.

vu bat 300kg ma tuy.jpg

Bộ Công an phối hợp cùng các địa phương bắt vụ buôn bán ma túy lớn (ảnh Đình Thảo)

Chủ tịch UBND TP cũng kể chuyện đi thăm một số trung tâm cai nghiện trước đây: “Thấy rất nhiều em học chưa hết cấp 3, một số chỉ mới lớp 5-6. Phần lớn có hoàn cảnh gia đình gặp chuyện này, chuyện nọ”.

Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, việc thống kê, quản lý và đưa người nghiện đi cai nghiện là việc khó khăn. Vấn đề đặt ra là làm sao để người nghiện ma túy được phân loại và đưa ra tòa án xử lý.

Theo ông Bỉnh, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc điều trị, khám sức khỏe cho đối tượng cai nghiện.

“Làm sao để họ cai nghiện xong hòa nhập được cộng đồng là vấn đề khó. Cần sự phối hợp giữa các ban, ngành với địa phương vì có nhiều trường hợp tái nghiện. Nếu làm tốt việc tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện thì sẽ giảm gánh nặng cho xã hội”, ông Bỉnh nói.

Chia sẻ thêm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Huỳnh Thanh Khiết cho rằng giải quyết việc làm cho người cai nghiện rất khó.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng việc khó khăn tìm việc làm cho người sau cai nghiện là đúng, bởi nhu cầu chất lượng lao động ngày càng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong khi phần lớn người nghiện ít học.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý về việc tập trung đầu mối quản lý trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và tính toán khả năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khi tập hợp các trường về. Hiện TPHCM có 544 cơ sở dạy nghề, trong đó có 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp…

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP, điểm khó của việc này là đơn vị chủ quản của các cơ sở này trải từ Trung ương tới địa phương và nhiều sở. Ngoài vấn đề nhân sự, tài chính còn chuyên môn. Đặt ra yêu cầu phải tập trung về sở quản lý cũng nên xem xét có quản nổi hay không và thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, thành.

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó giám đốc Sở giáo dục – Đào tạo TP cho biết, hiện sở vẫn quản lý nhân sự, tài chính một số cơ sở, trong khi chuyên môn đã chuyển qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm, hiện nay có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển về còn đơn vị thì xin chuyển từ từ.

“Sở Nội vụ xin nhận để làm việc với các sở ngành liên quan. TP có cái khó là cơ sở dạy nghề trực thuộc nhiều sở, ngành…. Sở Nội vụ sẽ có kiến nghị cụ thể, đơn vị nào về ngay, đơn vị nào về theo lộ trình sẽ báo cáo TP”, ông Lắm nói.

bat 300kg ma tuy.JPG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh vai trò giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế TP

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 85%, cần phân tích xem ngành nào có gắn với cơ cấu kinh tế thành phố? Đây là yếu tố cân đối cho tăng trưởng kinh tế khi nhu cầu chất lượng lao động tăng lên.

Ông đề nghị quy hoạch rõ ràng hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn thành phố, đánh giá thực trạng nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề.

Theo ông Phong, sắp tới TP mở một số khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạn chế thâm dụng lao động.

“Ví dụ Pouyuen hiện nay có tới 96.000 lao động mà 2/3 ở Long An, Tiền Giang. Tôi đề nghị tập trung cải tiến công nghệ vì thâm dụng lao động, không tạo ra giá trị gia tăng lớn”, ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý việc nâng cao trình độ nghề để đưa người ra nước ngoài làm việc vì một số quốc gia có nhu cầu lớn về lao động như Nhật Bản, Đức…

Quốc Anh