Chủ tịch IPU-132: “Tuyên bố Hà Nội sẽ là bệ phóng cho mục tiêu cao hơn”

(Dân trí) - Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury nhấn mạnh: “Trước đây tỷ lệ nghị sỹ nữ là 11% nhưng giờ đã là 22%. Chúng ta cần hy vọng trong Tuyên bố Hà Nội sẽ là một bước đi, bệ phóng cho mục tiêu cao hơn".

Chiều ngày 26/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế về Đại hồi đồng liên minh Nghị viện thế giới IPU-132 và các kỳ họp liên quan tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, “Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-132 (IPU 132) và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để đảm bảo thành công cho sự kiện ngoại giao nghị viện quan trọng này ở Việt Nam và của thế giới”.

"Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IPU. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử - ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng của Quốc hội Việt Nam và của đất nước chúng ta, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi họp báo (Ảnh website IPU-132)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi họp báo (Ảnh website IPU-132)

IPU-132 sẽ thông qua “Tuyên bố Hà Nội”

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, IPU -132 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 28/3-1/4 với chủ đề“Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Đây  là nội dung hết sức quan trọng, thiết thực đối với IPU và toàn nhân loại. Đây là dịp để đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thảo luận đề ra những Mục tiêu Phát triển bền vững cho giai đoạn sau 2015.

Những vấn đề về vai trò của nghị viện trong các lĩnh vực an ninh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc, nhân quyền của các nghị sỹ; chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS... được thảo luận trong khuôn khổ IPU-132 cũng là những nội dung thiết thực đối với IPU.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thực hiện các chương trình hành động đó trong thời gian tới là rất quan trọng để tiếng nói của IPU có thể tác động tới Liên Hợp quốc. Muốn thế giới hòa bình, hợp tác để cùng chia sẻ thúc đẩy hòa bình, ấm no hạnh phúc thì phải tôn trọng, đoàn kết. Các nghị viện ngày càng có vai trò quan trọng, cùng thống nhất triển khai hành động, giám sát việc tổ chức thực hiện chương trình hành động đó.

Theo Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, hòa bình rất quan trọng, nếu không có hòa bình không thể có phát triển bền vững. IPU là dịp để các nghị sĩ tăng cường đối thoại với nhau để biến lời nói thành hành động trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 IPU-132 sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội để góp phần định hình chính sách và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc sau năm 2015.

Sẽ thúc đẩy bình đẳng giới

Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho biết, IPU đang thúc đẩy bình đẳng giới để tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đời sống, chính trị, cũng như hỗ trợ phụ nữ nhiều hơn trong vai trò bảo vệ nguồn nước, phát triển bền vững. “Trước đây tỷ lệ nghị sỹ nữ là 11% nhưng giờ đã là 22%. Chúng ta cần hy vọng trong Tuyên bố Hà Nội sẽ là một bước đi, bệ phóng cho mục tiêu cao hơn", ông nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Việt Nam luôn hướng tới các mục tiêu làm sao trong xã hội để phụ nữ đỡ vất vả hơn, trong đời sống kinh tế phụ nữ có quyền cao hơn, còn trong chính trị có quyền tham gia vào chính trị nhiều hơn.

"Trong xây dựng pháp luật, chúng tôi luôn chống lại những quy định làm ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em. Nhiệm kỳ tới Quốc hội Việt Nam sẽ cố gắng 30% phụ nữ tham gia Quốc hội, nếu trên nữa thì càng tốt tùy vào năng lực trình độ của phụ nữ", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Nam Hằng

Dòng sự kiện: IPU-132 tại Hà Nội