1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hà Nội: “Thành phố còn bộn bề”

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội Hà Nội phản ánh, không ít cử tri bức xúc với việc nhiều tuyến phố cùng bị đào lên, “khó chịu” với việc quét sơn đồng loạt mặt ngoài phố cổ… Chủ tịch Hà Nội thừa nhận, thành phố còn bề bộn, ảnh hưởng tới giao thông, môi trường sống.

Vấn đề chỉnh trang đô thị trước dịp Đại lễ đã trở thành chủ đề được đề cập nhiều nhất trong buổi làm việc giữa đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc thành phố chiều 18/5.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội trong phần tổng hợp các kiến nghị của cử tri đã cho biết, nhiều cử tri bức xúc khi việc thi công tại các vỉa hè không đồng bộ, nhiều đoạn mới làm nhưng lại bị dỡ lên để… làm lại.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh bổ sung thêm, có những đoạn đường đang rất đẹp cũng được sửa chữa. Dẫn chứng bà Khánh đưa ra là con đường từ sân bay Nội Bài về nội thành “đang yên lành” bỗng phải đào lên khiến con đường lúc này chẳng khác gì đường… nông thôn.

“Dịp 1000 năm mà cứ đào đường thế này sẽ gây bức xúc cho người dân”, bà Khánh nói. Theo bà Khánh, quá trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần này rất nhiều cử tri đặt ra vấn đề nêu trên và các đại biểu đã không thể trả lời được.

Chưa hết, việc thành phố chi hơn 50 tỷ đồng quét sơn mặt ngoài phố cổ theo bà Khánh cũng khiến nhiều người… khó chịu. Bà Khánh nhìn nhận, khoản tiền này là không nhỏ và các địa phương rất cần nguồn vốn như vậy phục vụ đầu tư phát triển.

“Chúng ta cần xem xét sử dụng ngân sách thế nào cho đẹp”, nữ đại biểu góp ý.
 
Chủ tịch Hà Nội: “Thành phố còn bộn bề” - 1
Việc đào bới, sửa chữa được tiến hành "đồng loạt" ở nhiều tuyến phố (Ảnh: CAND)

Chuyển sang vấn đề khác là tổ chức lễ hội, bà Khánh đặt vấn đề tại sao cứ “gom” vào quận Hoàn Kiếm, không san sẻ bớt cho các quận, huyện. Thậm chí có những lễ hội phải mang tre trúc, cò… từ bên ngoài vào khu vực Hồ Gươm, trong khi nông thôn có những thứ này “thật” lại không được chọn tổ chức.

Theo bà Khánh, nếu tổ chức các lễ hội bên ngoài sẽ giúp những nơi này có không khí lễ hội, đồng  thời giảm bớt ách tắc giao thông ở khu trung tâm.

Về việc xây dựng các công trình chào mừng 1.000 năm, bà Khánh cho rằng, vừa qua có những công trình lớn khi thi công đã động chạm tới hoàng thành Thăng Long, phải dừng lại, gây tốn kém.

Từ thực tế này, bà Khánh đề nghị khi phê duyệt dự án phải mời các nhà khảo cổ học, các nhà văn hoá cho ý kiến, tránh tình trạng “anh xây dựng chỉ biết xây dựng, anh văn hoá chỉ biết văn hoá” như vừa qua.

Cách làm phối hợp giữa các ngành theo đại biểu Khánh vừa đỡ tốn kém vừa thuận lòng các tầng lớp nhân dân. Bà Khánh đề nghị phải đưa quy định về vấn đề trên vào trong Luật Thủ đô để các địa phương nhìn vào thấy yên tâm với Hà Nội.

Trước những phản ảnh của đại biểu, Chủ tịch UBND Thành phố, Nguyễn Thế Thảo cho rằng, do việc chỉnh trang đô thị được làm ở nhiều nơi cùng một lúc và việc thi công ở các đơn vị chưa được quán xuyến đầy đủ cho nên “thành phố còn bộn bề, lộn xộn, ảnh hưởng tới giao thông và môi trường sống”.

Ông Thảo cũng cho rằng, những nơi kéo dài thi công vừa qua là có thiếu sót. Mới đây thành phố đã  chỉ đạo làm dứt điểm một số tuyến đường và sẽ kiểm soát để có thể hoàn thành trước 30/8.

Lý giải về việc một số hè phố mới được làm, nhưng đã bị đào lên, ông Thảo cho rằng, những tuyến này bị sụt nên đã được thay bằng gạch mới tốt hơn. Gạch đào lên từ những tuyến này được tập kết về những nơi nhất định để làm vỉa hè cho những nơi khác.
 

Trong Kiến nghị với kỳ họp thứ bảy Quốc hội khoá XII, thành phố Hà Nội đề nghị Ngân sách Trung ương bổ sung, hỗ trợ cho ngân sách thành phố Hà Nội đảm bảo đủ nguồn vốn cho các công trình, dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, riêng năm 2010, Hà Nội cần thêm 2.321 tỷ đồng để bổ sung cho 7 dự án thuộc danh mục kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần hoàn thành.

 
Cấn Cường