Chủ tịch Hà Nội: “Nói đổi giờ giúp giảm ùn tắc là chủ quan”

(Dân trí) - Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cơ quan hành chính thành phố đánh giá việc đổi giờ học, giờ làm giảm ùn tắc là không khách quan. Để “sáng tỏ” việc này cần phải lấy ý kiến người dân và sự vào cuộc của các viện nghiên cứu.

Sáng nay, ngày 14/3, UBND thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả bước đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, vào giờ cao điểm, mật độ phương tiện giao thông ở các điểm đen ùn tắc đã giảm đáng kể.

Giảm mật độ xe nhưng vẫn tắc đường

Trước đây (chưa đổi giờ), do tắc đường nên xe buýt phải quay đầu bỏ chuyến. Sau gần 2 tháng đổi giờ hiện tượng đó đã giảm”, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng đưa dẫn chứng về hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm.
Chủ tịch Hà Nội: “Nói đổi giờ giúp giảm ùn tắc là chủ quan”
Hà Nội đã đưa ra nhiều “liều thuốc trị căn bệnh” ùn tắc giao thông thời gian qua

Qua khảo sát của Sở GTVT, lưu lượng ô tô, xe máy tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm giảm đáng kể, giãn đều ra các giờ. Điều đó tăng khả năng lưu thông của phương tiện trên đường. Cụ thể, vào giờ cao điểm mật độ phương tiện đã giảm từ 5 - 15% (tùy từng nút). Sau đổi giờ, thời gian mỗi chuyến đi cũng được rút ngắn, giảm từ 10 - 15 phút so với trước khi đổi giờ.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận một thực tế, sau đổi giờ một số tuyến đường lưu lượng giao thông cũng không thay đổi nhiều. Cụ thể, trên một số tuyến phố xuất hiện hiện tượng ùn tắc mới, như nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn - Khâm Thiên, tuyến La Thành… “Đây đều là những tuyến trục chính, thành phần tham gia giao thông chủ yếu là cán bộ, công chức, lao động tự do… nhóm đối tượng không bị điều chỉnh giờ”, ông Hùng lý giải.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng đưa ra những thông số khả quan về việc đổi giờ tác động tích cực đến giảm ùn tắc giao thông như: số điểm ùn tắc chỉ còn 79/124 điểm. Khảo sát 14 nút giao thông, mật độ ô tô, xe máy giảm 30 - 50%.

Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho hay, đến thời điểm này, một số trường đại học vẫn không làm theo chỉ đạo đổi giờ học của thành phố. “Hiện nay còn khoảng 10 trường trong nội thành không đổi giờ học, đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường này thực hiện”, Thiếu tướng Trần Thùy nói.

Sau gần hai tháng đổi giờ, đại diện Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng các trường học cơ bản đã đi vào nề nếp, không còn vướng mắc lớn xảy ra. Tuy nhiên, Sở này vẫn kiến nghị UBND thành phố cho phép các trường (ở xa vùng ảnh hưởng ách tắc) trên địa bàn quận Tây Hồ, huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai điều chỉnh giờ linh động phù hợp với điều kiện thực tế.

Xử lý mạnh với trường “cãi” lệnh đổi giờ

“Đổi giờ chỉ là một vị trong thang thuốc trị bệnh tắc đường. Để giảm được tắc đường Hà Nội phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác”, đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) nhận định. Khi Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp, đại diện viện này cũng dự báo phải mất từ 3 đến 4 năm nữa mới giảm được “căn bệnh” tắc đường.
 
Chủ tịch Hà Nội: “Nói đổi giờ giúp giảm ùn tắc là chủ quan”
Người Hà Nội mệt mỏi mỗi khi ra đường

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc đổi giờ học, giờ làm. Ông Khôi cho biết sẽ ký quyết định đề nghị Bộ Giáo dục chỉ đạo một số trường chậm triển khai đổi giờ học, giờ làm.

Sau khi nghe những đánh giá khá “đẹp” về hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm đối với giao thông, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng cơ quan quản lý của thành phố đánh giá thì chưa khách quan. Ông Thảo đề nghị các ngành liên quan cùng vào cuộc để có những đánh giá khách quan nhất về tình hình ùn tắc giao thông Hà Nội.

Theo ông Thảo, giao thông diễn biến liên tục nên không thể nói là tháng này giảm rồi nên không tăng cường kiểm soát. Thời gian tới phải kiên trì, kiên quyết những giải pháp đang triển khai nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn, giảm thiểu hơn nữa ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Về việc một số trường đại học không thực hiện đổi giờ học, ông Thảo nhấn mạnh: “Đây là quyết định hành chính thì tất cả đơn vị phải chấp hành. Đôn đốc nhắc nhở không được thì mới báo cáo cơ quan chủ quản. Nếu không thực hiện nữa thì thực hiện cưỡng chế”.

Quang Phong