Chủ tịch Đà Nẵng đối thoại về phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, để hạn chế bạo lực gia đình, bên cạnh tăng cường nhận thức, việc xử lý theo đúng pháp luật có sự răn đe rất lớn. Công tác giáo dục nhiều lần nhưng không có chuyển biến thì phải xử lý bằng pháp luật.

Sáng 13/12, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì Diễn đàn đối thoại phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Mở đầu buổi đối thoại, một nữ đại biểu phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cho biết, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong cả nước vẫn diễn ra nhiều, có những vụ việc gây bức xúc trong dư luận.

“Ngoài những giải pháp chung, Đà Nẵng cần có những giải pháp cụ thể gì để ngăn chặn tình trạng này”, vị đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết, thời gian qua có khoảng 150 vụ bạo lực thì có tới 96% số vụ là bạo lực phụ nữ và trẻ em gái.

Quang cảnh buổi đối thoại
Quang cảnh buổi đối thoại

Theo bà An, con số này chỉ là bề nổi theo thống kê của chính quyền, còn nhiều vụ việc chưa được phát hiện và có sự cam chịu nên sự thống kê chưa được đầy đủ.

Bà An chỉ ra nguyên nhân có tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là do kinh tế gia đình còn khó khăn, người chồng còn nghiện nhiều thứ, do sự ghen tuông và không hiểu biết về pháp luật.

Bà An cũng cho biết, trong thời gian qua, Sở Văn hóa – Thể thao đã triển khai nhiều hoạt động về phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hoạt động phong phú, tổ chức các hội thi về bình đẳng giới, tuyên truyền pháp luật cho người dân. Trong thời gian tới, Sở vẫn vẫn duy trì những hoạt động hòa giải, tư vấn phòng chống bạo lực gia đình cho các gia đình…

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi đối thoại với phụ nữ và trẻ em gái về phòng, chống bạo lực
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi đối thoại với phụ nữ và trẻ em gái về phòng, chống bạo lực

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND quận Sơn Trà - cho biết, trong những năm qua, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn quận có xu hướng giảm dần. Cụ thể năm 2015 có 10 vụ, năm 2016 có 6 vụ, 6 tháng đầu năm 2017 có 3 vụ.

Để tình trạng bạo lực gia đình được giảm, thời gian qua, địa phương đã tập trung vào công tác hòa giải kịp thời, tổ chức CLB gia đình hạnh phúc cho những gia đình có bạo lực, tạo việc làm cho phụ nữ để có thể tự chủ về kinh tế, tuyên truyền bình đẳng giới trong trường học, công an cũng thường xuyên nhắc nhở những ông chồng bạo lực vợ khi uống rượu…

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, ở Việt Nam là văn hóa của gia đình, văn hóa làng xã nên thường “dĩ hòa vi quý”. Có những vụ việc bạo lực ở Việt Nam là bình thường nhưng ở nước ngoài là người ta đưa đến công an.

Theo ông Thơ, để hạn chế bạo lực gia đình, bên cạnh việc tăng cường nhận thức, việc xử lý theo đúng pháp luật có sự răn đe rất lớn. Công tác giáo dục nhiều lần nhưng không có chuyển biến thì phải xử lý bằng pháp luật.

Chị Lê Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Công an TP Đà Nẵng chia sẻ những ý kiến tại buổi đối thoại
Chị Lê Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Công an TP Đà Nẵng chia sẻ những ý kiến tại buổi đối thoại

Chị Lê Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Công an TP Đà Nẵng không đồng tình với nhận định nguyên nhân của bạo lực gia đình là do người chồng nghiện rượu. Bởi theo chị Huyền, những người chồng không nghiện rượu vẫn bạo hành vợ. Mà nguyên nhân sâu xa ở đây là do nhận thức.

Theo chị Huyền, đối tượng cần tác động là nam giới nhưng chủ yếu khi tuyên truyền lại là nữ giới.

“Chúng ta phải làm tác động được đến nam giới mới có kết quả khả quan hơn”, chị Huyền nói.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng cần tuyên truyền chon nam giới những kiến thức pháp luật để họ điều chỉnh hành vi. Rất phổ biến trong gia đình cũng như ngoài xã hội vẫn tư tưởng trọng nam khinh nữ, là vợ của mình thì mình có quyền đánh.

Tại buổi đối thoại, trả lời câu hỏi về tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn thành phố cũng như những giải pháp của ngành giáo dục trong thời gian tới, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Đà Nẵng cho biết, trong năm học 2014 – 2015 và năm học 2015 – 2016 trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ đánh nhau. Cả 2 vụ đều đã được xử lý.

Ông Thành không dám khẳng định là tình trạng bạo lực học đường không xảy ra nhưng ông có thể khẳng định là tình trạng này đã được hạn chế.

Theo ông Thành, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tập huấn xử lý những tình huống cho cô giáo chủ nhiệm, tập huấn cho đội bảo vệ, rà soát lại các nội quy trong trường học…

Em Nguyễn Ngọc Như Ý (học sinh lớp 11, trường TPTH Phan Châu Trinh) trả lời câu hỏi của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ tại buổi đối thoại
Em Nguyễn Ngọc Như Ý (học sinh lớp 11, trường TPTH Phan Châu Trinh) trả lời câu hỏi của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ tại buổi đối thoại

Để “kiểm chứng” thông tin ông Thành vừa nói, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã hỏi một em học sinh của trường THPT Phan Châu Trinh ngay trong buổi đối thoại.

“Cháu đánh giá như thế nào về tình trạng bạo lực học đường ở trường Phan Châu Trinh? Trường cháu đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng bạo lực học đường”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đặt hỏi.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch thành phố, em Nguyễn Ngọc Như Ý (học sinh lớp 11, trường TPTH Phan Châu Trinh) cho biết, tình trạng bạo lực học đường ở trường Phan Châu Trinh chưa xảy ra. Trường thường có những buổi học ngoài khóa để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường; đưa các dự án hướng nghiệp vào trong các buổi học…

Theo ông Thơ, rất may ở Đà Nẵng chưa xảy ra những vụ bạo lực học đường lớn. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần quán triệt và triển khai tốt việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường. Thậm chí là đưa vào các môn học như giáo dục công dân.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng – cho rằng, nguyên nhân của những bạo lực, xâm hại là vấn đề nhận thức. Nếu ai có được nhận thức tự bảo vệ mình thì có hiệu quả cao.

Bà Tám dẫn số liệu, xâm hại trẻ em 70% là người thân trong gia đình (anh, em, chú, bác, thậm chí là cha).

“Ví dụ năm 2013 ở phường Hòa An có một cháu bé bị hàng xóm xâm hại nhưng cháu không dám nói, mẹ cháu không dám nói. Đến khi xâm hại nhiều lần mẹ cháu mới dám lên tiếng”, bà Tám kể lại.

Khánh Hồng