1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chống tham nhũng phải tập trung vào khu vực nhà nước

(Dân trí) - "Khu vực nhà nước bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Việc làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước có ý nghĩa quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng", báo cáo giải trình về dự Luật phòng chống tham nhũng của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Về tên gọi, mặc dù có một số ý kiến đề nghị lấy tên khác như “Luật bài trừ tham nhũng”, “Luật phát động toàn dân chống tham nhũng”… nhưng theo UBTV Quốc hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong đó phòng ngừa là biện pháp tích cực để chống tham nhũng do đó, tên gọi “Luật phòng, chống tham nhũng” vừa thể hiện rõ chiến lược trong công tác phòng ngừa và chống tham nhũng ở nước ta.

 

Về minh bạch tài sản, UBTVQH cũng nêu quan điểm cần thực hiện các biện pháp đồng bộ. Trong đó, biện pháp quan trọng là công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, đơn vị…Tuy nhiên, việc qui định người có chức vụ quyền hạn phải kê khai tài sản của những đối tượng là người thân thích nào  thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

 

Những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, cần kê khai tài sản bao gồm: Từ Phó trưởng phòng của UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các chức danh tương đương; một số cán bộ công chức xã, phường, thị trấn; cán bộ làm công tác quản lý tài sản, ngân sách của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức cá nhân; ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.

 

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, dự thảo luật xác định rõ nguyên tắc chung là người lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cấp phó trong đơn vị phải chịu trách  nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra tham nhũng tại lĩnh vực do mình trực tiếp phụ trách.

 

Câu hỏi "ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng chịu sự chỉ đạo của cơ quan nào? Ai là người đứng đầu?" đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Sau khi nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm một số nước, UBTVQH đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.

 

Mặc dù có nhiều ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan này, nhưng UBTVQH cho rằng trên thực tế, chúng ta đã thành lập nhiều ban chỉ đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng một số Ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, UBTVQH cũng nhận định, để dẫn đến tình trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do chưa tổ chức tốt và phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này…

 

Trong thành phần Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải bao gồm người đứng đầu các cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

 

Về khen thưởng người tố cáo, dự thảo cũng qui định rõ người tố cáo được khen thưởng cả về vật chất và tinh thần.

 

Đừng chờ luật ra đời các cơ quan hãy vào cuộc đi!

 

Bên hành lang QH chiều qua, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng QH Nguyễn Viết Chức đã “kêu gọi” như vậy khi trao đổi với báo giới.

 

Hiện các cơ quan nhà nước có rất nhiều, nhưng đặt ra cơ quan nhà nước chống tham nhũng thì là ai? Nếu nói về Đảng thì chúng ta có Uỷ Ban Kiểm tra, nói về Nhà nước thì chúng ta có Thanh tra nhà nước, quyền lực rất lớn. Tại sao những cơ quan này không vào cuộc luôn đi.

 

Nếu có báo nào nêu đích danh cán bộ của Đảng đang làm việc mà tham nhũng thì chi bộ, đảng bộ phải giải quyết đến nơi đến chốn. Như thế sẽ không xảy ra nhiều tham nhũng như hiện nay. Chính cái đó mới góp phần chống tham nhũng thiết thực nhất.

 

Còn chuyện luật ra đời, rồi có cơ quan này, cơ quan kia… thì Quốc hội đang bàn luận và biểu quyết. Tôi tin tập thể sẽ chọn được phương án tốt nhất. Còn cá nhân tôi đề nghị thời gian trước mắt đừng chờ luật ra đời mà những cơ quan sẵn có hãy vào cuộc đi và làm đến nơi đến chốn, tôi tin là nhân dân và báo chí sẽ ủng hộ.

 

Đức Hòa – Hồng Hạnh