Cho vận động bầu cử nhưng chỉ được trả lời... báo địa phương (?!)

(Dân trí) - Điều 66 dự thảo luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND quy định các hình thức vận động bầu cử; nhưng Điều 68 lại chỉ cho phép người ứng cử đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn trên báo đài địa phương hoặc website của Hội đồng Bầu cử quốc gia…

Đây là một nghịch lý được chỉ ra trong phiên thảo luận về dự thảo luật tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 9/4.

Cụ thể, góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn về các quy định liên quan đến vận động bầu cử khi Điều 65 dự thảo luật cấm lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Điều 66 quy định có hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, Điều 68 lại chỉ cho phép người ứng cử đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cho rằng các quy định này chưa thống nhất, bà Mai kiến nghị ban soạn thảo xem xét lại, nhất là việc các phương tiện thông tin đại chúng trung ương có vai trò thế nào trong vận động bầu cử.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật.

Về vấn đề tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị bên cạnh những nội dung đã được hiến định, dự thảo Luật cần bổ sung quy định phải có ít nhất 3 năm công tác thực tiễn.

Ông Phước phân tích, dự luật quy định đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND có thể dẫn đến việc người vừa mới ra trường đã trở thành đại biểu. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cảnh báo: “Họ chưa có kinh nghiệm thực tiễn gì ngoài kiến thức trường lớp, không phát huy được năng lực, không đáp ứng được yêu cầu đại diện cho người dân…”.

Theo ông Phước, quy định về điều kiện thực tiễn công tác để phát huy tốt tính đại diện cho nguyện vọng của người dân của đại biểu Quốc hội.

Về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, cơ quan thẩm tra dự án luật – UB Pháp luật đề nghị Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định cụ thể về số đại biểu Quốc hội được bầu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số mà trong Luật chỉ quy định về việc UB Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Dự kiến số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm để có ít nhất 30% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8).

Bà Trương Thị Mai cho rằng cần nâng cao hơn tỷ lệ này vì để đạt được con số 30% nữ đại biểu trong Quốc hội thì tỉ lệ nữ ứng cử quy viên phải là 38-40%. Dẫn chứng bài học từ IPU-132 vừa qua, bà Mai phân tích, muốn đáp ứng được mục tiêu nâng tỷ lệ nữ nghị sĩ thì cần phải có… quota.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình nâng tỉ lệ nữ ứng cử viên lên cao hơn dự thảo vì "bầu cử phải có số dư".

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phân tích thêm về vấn đề kỹ thuật bầu cử, sắp xếp nhân sự, bố trí đơn vị bầu… với lập luận, những yếu tố này sẽ quyết định có đạt được tỉ lệ không, “muốn cơ cấu trúng thì phải… sắp xếp”.

Trong phiên họp chiều 9/4, UB Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Trong phương án thành lập thành phố Tam Điệp, có việc thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp trên cơ sở toàn bộ 459,8 ha diện tích tự nhiên và 7.486 nhân khẩu của xã Yên Bình, đã được UB Thường vụ Quốc hội đồng ý. Sau khi thành lập, thành phố Tam Điệp có 10.497,9 ha diện tích tự nhiên, 104.175 nhân khẩu và 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Nam Sơn, Tây Sơn, Tân Bình, Yên Bình và 3 xã Yên Sơn, Quang Sơn, Đông Sơn.

UB Pháp luật - cơ quan thẩm tra đề án - đề nghị Chính phủ giải trình thêm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương được huy động (1.269,2 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị cho phường Yên Bình và thành phố Tam Điệp khi được thành lập để bảo đảm tính khả thi của đề án.

Để nâng cấp Kỳ Anh từ huyện lên thị xã, Chính phủ đề nghị thành lập 6 phường. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Kỳ Anh có 28.025,03 ha diện tích tự nhiên, 85.508 nhân khẩu và 12 đơn vị hành chính cấp xã. Gồm 6 phường Sông Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, và 6 xã là Kỳ Hoa, Kỳ Hưng, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam.

Theo đề án của Chính phủ thì nhu cầu vốn đầu tư cho thị xã Kỳ Anh và của huyện Kỳ Anh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính giai đoạn 2015-2020 là 2.580 tỷ đồng.

P.Thảo