Cho phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

(Dân trí) - Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 25/11, cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, an ninh- quốc phòng, phòng chống cháy nổ,…

 

(Ảnh minh họa phá dỡ tàu biển: Báo Giao thông).
(Ảnh minh họa phá dỡ tàu biển: Báo Giao thông).

 

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định cho phép nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ tránh ảnh hưởng đến môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Việc phá dỡ tàu biển không chỉ là phá dỡ tàu biển của nước ngoài mà còn có phá dỡ tàu biển của Việt Nam; đồng thời, việc này có liên quan đến phát triển công nghiệp đóng tàu của ngành hàng hải, vấn đề an toàn, an ninh hàng hải… nên cần được quy định trong Bộ luật Hàng hải.

Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường như ý kiến của đại biểu đã nêu, dự thảo bộ luật đã được bổ sung thêm một mục về phá dỡ tàu biển (từ điều 46 đến điều 50) để quy định chặt chẽ đối với việc phá dỡ tàu biển.

Theo đó, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết định điều chỉnh quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở phá dỡ tàu biển.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển phải phù hợp với quy hoạch và phải bảo đảm an toàn, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.

Tại điều 47 bộ luật quy định, việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng và nhập khẩu tàu biển để phá dỡ phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ không được sửa chữa, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.

Tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải.

Những tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài bị tai nạn, hư hỏng hoặc bị chìm đắm nếu phá dỡ tại Việt Nam thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết về việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Lo lắng độc quyền vận tải nội địa sẽ dẫn đến tăng giá dịch vụ

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng việc giao cho các doanh nghiệp trong nước được độc quyền vận tải nội địa sẽ dẫn đến tăng giá dịch vụ vận chuyển, ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các tàu biển Việt Nam thuộc các doanh nghiệp khác nhau sẽ phải cạnh tranh theo quy định của pháp luật và người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn người cung cấp dịch vụ vận tải. Hơn nữa, Nhà nước còn thực hiện công tác quản lý thông qua việc quy định về phí, lệ phí, kê khai, công khai giá dịch vụ vận chuyển và công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm để khắc phục việc áp đặt giá cao đối với khách hàng.

Chính vì thế quy định như điều 8 Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là phù hợp: “Hàng hóa, hành khách và hành lý vận chuyển nội địa bằng đường biển được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam. Tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển nội địa bằng đường biển phải đáp ứng điều kiện do Chính phủ quy định”.

Việc vận chuyển nội địa không thuộc quy định này được thực hiện trong các trường hợp: Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng; giải tỏa hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng khi tàu biển Việt Nam theo quy định trên không có đủ khả năng vận chuyển; vận chuyển hành khách và hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó hoặc để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thẩm quyền, thủ tục cấp phép cho tàu biển thuộc trường hợp này.

Thế Kha