1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối đèn ở “trái tim thủy điện” Việt Nam:

Chờ ánh điện cho đến lúc… chết

Riêng xã Bảo Ái, có ít nhất 200 hộ dân, cả nghìn người, bao năm qua cứ đau đáu ước mơ sẽ có ngày thủy điện trả nợ mình, tri ân với xiết bao hy sinh của mình và cha anh mình bằng cách... cho sử dụng điện.

Mái nhà của người dân
Nậm Ngòi không có các thiết bị điện như những ngôi nhà khác.

Mái nhà của người dân Nậm Ngòi không có các thiết bị điện như những ngôi nhà khác.

Bà con buồn bã, tuyệt vọng, bất bình, kiến nghị khắp mọi “cửa” từ thôn bản đến trung ương.

1 xã “lòng hồ” có 4 thôn đèn dầu

Anh Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - đi tìm mấy cái xe máy cho chúng tôi tự leo dốc cao, vượt đường bùn nhão để vào thăm các thôn bản hy sinh vì lòng hồ thủy điện 50 năm qua. Mất cả tiếng đồng hồ đánh vật với các cung đường rợn tóc gáy, chúng tôi nhìn thấy rất rất nhiều hòn đảo xanh soi gương xuống mặt nước hồ thủy điện Thác Bà.

Hồ Thác Bà có tới 1.300 hòn đảo kỳ ảo như thế. Xã Bảo Ái có hơn 9.000 dân, là xã đông dân thứ nhì của huyện Yên Bình, chỉ thua thị trấn huyện. Cùng với 3 thôn tận khổ khác, Ngòi Ngần 100% số diện tích, số dân chịu cảnh... chưa bao giờ có điện.

Xã, huyện, tỉnh, trung ương, hình như chưa tính đưa điện vào. Với người dân, đường xa khoảng 5-6km từ đường nhựa vượt núi vào thôn, họ lấy đâu ra tiền mà mua cột điện, kéo dây?

Ngành điện thì họ chỉ lo kinh doanh và lại “độc quyền”, nên việc đầu tư hệ thống dẫn điện vào góc rừng đó thì có mà... lỗ tan thây. Thế là họ cứ bỏ mặc bà con.

Đường vào xã Bảo Ái.
 
Đường vào xã Bảo Ái.

Chúng tôi liên lạc với ông Giang - Giám đốc Thủy điện Thác Bà - ông nói cứ tưởng 100% bà con di dân năm xưa đã có điện (!). Ông nói nhiệm vụ của đơn vị là sản xuất điện hòa vào lưới quốc gia, chứ không phải kéo dây điện hay trích quỹ phúc lợi ra lo cho những người hy sinh vì lòng hồ thủy điện đã mấy mươi năm mà chưa có điện kia.

“Cái này các anh phải về hỏi Sở Điện lực Yên Bái ấy” - ông Giang nói. Một lãnh đạo tỉnh Yên Bái thì khuyên nên gặp ông Thực - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái - mà hỏi.

Ông Thực nói với tôi, đã và sẽ có dự án “thắp sáng” cho đồng bào đã hy sinh quá nhiều quyền lợi dâng hiến cho thủy điện Thác Bà năm xưa (!?).

Đói nghèo với tốc độ... truyền tải điện

Trong khi dự án cấp điện còn đang... hình thành và chuẩn bị thực thi với “tốc độ rùa bò”, thì đói nghèo và thất học cứ trùm lút nhiều vùng dân cư tội nghiệp kia với tốc độ... truyền tải điện! Với 110 hộ dân, với 565 khẩu, thôn Ngòi Ngần chiếm tới 90% dân số là người có nguồn gốc từ dưới đáy lòng hồ thủy điện Thác Bà “ngoi lên”. 90% số hộ “đạt chuẩn” đói nghèo. Bởi tại suốt mấy chục năm đằng đẵng “tăm tối”, nghèo đủ nhẽ, nên Ngòi Ngần tràn ngập bi kịch.

Trưởng thôn Lê Thế Vinh là người Tày, xốc vác lắm. Anh vốn là công an viên, ngay từ năm 1996, lúc mới “nhận chức”, thấy thanh niên rượu chè, đánh lộn quá mức, anh rà soát rồi vạm vỡ xông pha bắt, xử lý tất.

“Họ sợ tôi đến mức, có xô xát gì, chả ai dám báo với tôi nữa. Như thế lại không tốt cho công tác an ninh. Nhưng vì bắt nhiều người quá, tôi mới nhận ra hầu hết họ không biết chữ. Tôi bèn dạy họ cách vẽ tên mình to như quả trứng gà, gọi là ký biên bản. Có khi họ đánh vật khoảng 7 phút mới vẽ xong một cái chữ là tên của họ” - anh Vinh chua xót kể.

Hết ánh mặt trời là tăm tối bịt bùng, học trò chỉ còn biết đi ngủ từ lúc nhập nhoạng tối. Thế rồi dốt, chán, bỏ học sớm.

Lúc ban ngày thì nóng nực không tài nào làm được việc gì ngoài... phành phạch quạt nan. Đường sá gập ghềnh chín suối mười đèo mới ra đến ủy ban. Nhà mẫu giáo thôn thì hiện tại vẫn đang mượn tạm cái bếp bỏ hoang nhà ông Quang mà dạy và học. Cái vòng khó khăn, thiếu thốn, thất học, đói nghèo cứ luẩn quẩn chưa biết bao giờ mới thôi.

“Bà con thấy tôi làm công an viên quá nhiệt tình, họ bèn bầu luôn làm trưởng thôn” - anh Vinh kể tiếp, khi ngồi cạnh Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Sơn tại nhà mình.

Đường vào xã Bảo Ái.
 
"Bao giờ thì Ngòi Ngần và nhiều vùng dân cư của Bảo Ái có điện? Không ai trả lời được. Chúng tôi cũng chỉ còn biết hứa với bà con là cố mà chờ đợi, hy vọng", anh Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - nói.

Càng gặp gỡ bà con, anh Vinh càng thấy đau cho thảm cảnh của những người hy sinh vì thủy điện. Lúc đầu là 5,3 vạn người ra đi, gần nửa thế kỷ qua, con cháu chắt của những người đó đã sinh ra, thậm chí đã chết đi khá nhiều thế hệ - xin nhấn mạnh: Tất cả số dân khổng lồ đó, đều chung số phận bị bỏ quên giữa rừng xanh núi đỏ!

Chồng của bà Lương Thị Đánh, trước khi chết, chỉ đau đáu ước ao, giá mà thôn Ngòi Ngần của mình có điện thì tôi chết cũng nhắm được mắt.

Bà Lương Thị Săm - chị gái bà Đánh - ngoài 70 tuổi, từ khi theo mẹ di dân từ chỗ nay là đáy hồ lên miền rừng nay gọi là bản Ngòi Ngần để vỡ một mảnh ruộng giữa rừng hoang vẫn liên tục cầu trời cho quê mình có điện.

“Tôi thấy cách đây 10 năm người ta đã vào khảo sát, nói là sang năm làm đường điện vào Ngòi Ngần, nhưng càng chờ thì càng... mất hút. Chúng tôi đã kiến nghị lên tất cả các cấp rồi, nhưng tuyệt nhiên chưa một ai trả lời chúng tôi là bao giờ thì quê tôi có điện. Suy nghĩ thấy nó “tiêu cực” trong lòng quá” - bà Đánh đanh thép nói.

Hạt thóc bị bỏ quên trong đáy hòm

Không có điện, bà con nghĩ ra đủ cách để chung sống với bóng tối và cái nóng nực kinh khủng của mùa hè. Mỗi người một cái quạt làm bằng lá cọ. Nhà nào khá giả thì mua máy nổ, dăm bảy nhà chung một cái, song cứ hai tiếng chạy máy thì mất vài ba trăm nghìn đồng, ai cũng phát hoảng “bỏ máy chạy lấy người”. Có người dùng ắcquy nạp điện.

Xã Bảo Ái có tới 4 thôn chưa có điện lưới. Bà con đang có xu hướng dùng máy thủy điện nhỏ thả dưới suối để sản xuất điện cho từng gia đình. Nhưng “sáng tạo” này còn gặp bi kịch hơn. Suối Ngòi Ngần bao năm ào ạt trong xanh, từ ngày ai đó nghĩ ra chuyện thủy điện nhỏ, thì nước suối cạn trơ đáy. Người ở đầu nguồn nước chặn suối lại, tích nước hòng phát điện cho nhà mình. Toàn bộ hạ lưu của suối cạn trơ, các thủy điện nhỏ khác biến thành cục sắt gỉ vô dụng.

Có khi, nhà bà Hoàng Thị Đánh, nhà anh Lê Thế Vinh, vì ở cuối nguồn nước, nên cứ chờ đến 21h, nước trên nguồn được “thả” về, mới có thể... le lói phát ra ánh sáng phục vụ việc ngủ.

Có đợt, suốt mấy tháng trời không một giọt mưa, thủy điện nhỏ không thể hoạt động. Vì không có điện, nên ở Ngòi Ngần gần sáu trăm nhân khẩu, quá nhiều người mù chữ và mới chỉ có 1 người tốt nghiệp cấp 3.

“Mù chữ đi vay vốn ngân hàng khổ lắm, phải điểm chỉ. Nhưng khổ hơn là hơn nửa thế kỷ hy sinh cho thủy điện, lên rừng rú khai hoang, dựng bản làng nhà cửa, đến giờ 100% đất ở của người dân vẫn chưa hề có sổ đỏ. Không có sổ thì ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, họ không được thế chấp vay tiền ở bất kỳ ngân hàng nào khác. Trong khi đó, Ngòi Ngần có đến 90% số hộ thuộc diện đói nghèo. Cái vòng luẩn quẩn đó, đêm nằm, trót là trưởng thôn rồi, tôi càng không tài nào ngủ được” - anh Vinh giãi bày.

Ngoài Ngòi Ngần, chuyện buồn cũng diễn ra tương tự ở các thôn Ngòi Nhầu, Ngòi Mấy, Ngòi Kè, Vĩnh An... của xã Bảo Ái. Đến nay chỉ một hai thôn, lác đác có vài hộ tự bỏ tiền, mắc dây, “xin ké” chút ánh sáng điện từ nơi xa về. Điện ấy - như đã nói - yếu đến mức sờ vào không thèm giật.

Đúng như lời ông Hoàng Văn Các khóc nói với người dân cách đây 2 năm trước khi chết: “Chúng ta là hạt thóc bị bỏ quên trong đáy hòm ở góc bếp”. Tất cả các đoàn cán bộ có thể gặp được, người Ngòi Ngần đều đã gặp và kiến nghị chấm dứt những cái vô lý mà mình đang phải gánh chịu.

Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Sơn buồn rầu: “Họ cứ hỏi mãi, chúng tôi thương và chia sẻ với bà con lắm, nhưng không biết trả lời thế nào, vì mình ở cấp cơ sở. Chúng tôi cũng đi hỏi, lên tận tỉnh, tận các đoàn cao cấp, chỉ một đau đáu mà bà con gửi gắm: Bao giờ thì Ngòi Ngần và nhiều vùng dân cư của Bảo Ái có điện? Không ai trả lời được. Chúng tôi cũng chỉ còn biết hứa bà con là cố mà chờ đợi, hy vọng”.

Dứt câu chuyện về lời hứa mấy mươi năm còn bỏ ngỏ, bố đẻ trưởng thôn Vinh là cụ Lê Thế Hưng - ngoài 70 tuổi - mới cất lời. Sức cụ đã yếu lắm, cụ đi khỏi quê cũ, sống lang thang trên thuyền bè, rồi định cư vào Ngòi Ngần phá núi lập thôn bản từ mấy mươi năm trước. Giờ gần đất xa trời, điện chưa về đến quê mình, ông cứ ngồi phe phẩy quạt lá cọ, ngắm cái đèn dầu đỏ đòng đọc mà đay đi đay lại: “Các cán bộ họ đã quên mất nhóm dân hy sinh vì thủy điện này rồi ư?”.

(Còn tiếp)

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động