Kiên Giang:

Chính quyền dỡ chợ trước Tết, tiểu thương đặt quan tài phản đối

(Dân trí) - Sáng 10/1, UBND huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) huy động cả trăm cảnh sát và nhiều lực lượng khác tiến hành tháo dỡ chợ thị trấn Tân Hiệp. Việc tháo dỡ ngôi chợ truyền thống tồn tại trên 60 năm này ngay trước Tết Nguyên đán đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều tiểu thương.

Nhiều tiểu thương phản ánh đến PV Dân trí, khi lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ chợ, bà con tiểu thương phản đối thì bị lực lượng công an còng tay dẫn về đồn công an; một số người dùng điện thoại chụp hình, quay phim… cũng bị giật điện thoại và đưa về đồn công an.

Thực tế, trước ngày tháo dỡ chợ, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời qua chợ mới nhưng bà con tiểu thương không đồng tình. Do vậy khi chính quyền tháo dỡ chợ, các tiểu thương kịch liệt phản đối, đặt 2 quan tài ở đầu chợ… Sau đó lực lượng công an đã khống chế xử lý.

Giải thích về việc tháo dỡ chợ, ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp - đã nói tại buổi họp báo ngày 9/1: "Huyện không đặt vấn đề cưỡng chế mà do đây là công trình của nhà nước nên chúng tôi tháo dỡ. Đây không phải là tài sản riêng của công dân, thuộc quyền sở hữu riêng của công dân mà đây là công trình của nhà nước đã xuống cấp thì yêu cầu tháo dỡ".


Chợ Tân Hiệp đã tồn tại trên 60 năm

Chợ Tân Hiệp đã tồn tại trên 60 năm

Tìm hiểu lại sự việc được biết, chợ thị trấn Tân Hiệp là chợ truyền thống tồn tại hơn 60 năm, khi còn hoạt động có gần 300 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Sau này huyện đã cho Công ty Sao Mai đầu tư chợ mới cách chợ cũ 1km.

Khi chợ mới xây gần xong, cuối 2014, UBND thị trấn Tân Hiệp mời tiểu thương họp, thông báo về việc di dời chợ cũ sang chợ mới. Hạn chót cho bà con tiểu thương di dời là 20/3/2015. Tuy nhiên, bà con không đồng ý chuyển sang chợ mới, họ cho rằng chợ mới giá thuê cao, khu chợ xa dân cư, lô sạp thiếu và nhỏ…

Đến 26/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ thị trấn Tân Hiệp để di dời sang khu chợ mới. Về lí do di dời chợ, Chủ tịch huyện này cho rằng, chợ cũ đã xuống cấp và hệ thống PCCC không đảm bảo nên buộc phải di dời sang chợ mới.

Sau đó, các tiểu thương tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh và Chủ tịch tỉnh Kiên Giang đã phải thành lập tổ công tác kiểm tra lại quá trình xây chợ mới, xóa chợ cũ của lãnh đạo huyện Tân Hiệp.


Lực lượng chức năng bảo vệ việc tháo dỡ chợ Tân Hiệp

Lực lượng chức năng bảo vệ việc tháo dỡ chợ Tân Hiệp

Tổ công tác của tỉnh đã đề nghị UBND huyện Tân Hiệp xem lại việc hỗ trợ cho các hộ có đất ki ốt cho thuê, các hộ đầu tư, sửa chữa, cải tạo chợ cũ trong thời gian qua... Người dân cho biết, kiến nghị của tổ công tác chưa được huyện Tân Hiệp xem xét thực hiện thì sáng 10/1 đã cho lực lượng xuống cưỡng chế tháo dỡ chợ cũ.

Tiểu thương Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ: "Các khiếu nại của bà con tiểu thương chúng tôi chưa được chính quyền địa phương xem xét giải quyết thấu đáo thì sáng 10/1, UBND huyện cho lực lượng chức năng xuống cưỡng chế tháo dỡ chợ khi ngày Tết cận kề. Việc này lãnh đạo địa phương đã ép chúng tôi vào bước đường cùng, vì hàng hóa nhập về không thể buôn bán".

Nhiều hộ tiểu thương khác cho biết, khi xây dựng chợ mới, chính quyền địa phương không họp tiểu thương lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của tiểu thương… Đến khi xây xong, chính quyền mới mời họp thông báo dời chợ. Cách làm này là trái quy định pháp luật, mặt khác làm nhiều tiểu thương trở tay không kịp...

Công văn số 1695 của Bộ Công Thương yêu cầu khi di dời chợ, chính quyền địa phương, các sở ngành phải tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hộ kinh doanh ngay trong giai đoạn đầu xem xét chủ trương đầu tư dự án; phải làm rõ chủ trương, phương án bố trí sắp xếp địa điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh tại chợ cũ sau khi dự án hoàn thành; làm rõ các vấn đề liên quan tới quyền lợi và trách nhiệm của các hộ kinh doanh tại chợ sau khi dự án được hoàn thành…

Nguyễn Hành