Chính quyền có sai sót trong gần 50% vụ khiếu kiện đất đai

(Dân trí) - Trong số quyết định bị khiếu nại, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%. Có địa phương tỷ lệ này rất cao (lên tới gần 70%)...

Phiên thảo luận về báo cáo Giám sát kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo về lĩnh vực đất đai tại Quốc hội sáng nay 7/11 đã ghi nhận nhiều ý kiến, nhận định, khái quát về tình hình, nguyên nhân dẫn tới việc khiếu nại tố cáo phức tạp, khó gỡ thời gian qua.

Một số cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức
 
UB Thường vụ Quốc hội cho biết, từ năm 2003 - 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, lĩnh vực đất đai chiếm 70%. 
 
Số liệu tổng hợp của nhiều địa phương cho thấy tỷ lệ các quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo chiếm khoảng 3% so với tổng số quyết định ban hành trong lĩnh vực này. Trong số quyết định bị khiếu nại, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%. Có địa phương tỷ lệ này rất cao (lên tới gần 70%). Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại tòa án, tỷ lệ người kiện đúng và đúng một phần chiếm cũng xấp xỉ 20%.
 
Khiếu nại đất đai nhiều vì chưa gỡ bỏ được bức xúc cho dân
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (phải) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia phiên thảo luận.

“Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót” - Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thay mặt cơ quan giám sát nêu nhận xét.

Chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính của các cấp chính quyền, ông Giàu khái quát, một số quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai bị sai sót như: áp giá bồi thường, xác định vị trí đất, diện tích đất chưa đúng, chưa đủ.

Việc cấp “sổ đỏ” tại một số địa phương chưa tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, sai về nội dung ghi trong sổ như không đúng vị trí thửa đất, không đúng diện tích, cấp chồng lấn lên phần diện tích của người khác đã sử dụng ổn định. Việc xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn sai sót về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử phạt; xử phạt sai căn cứ, mức phạt hoặc hình thức phạt chưa phù hợp.

Cơ quan giám sát “phê” thẳng thắn sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Cụ thể, còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực này, một số cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che đối với cán bộ sai phạm.

Qua công tác thanh tra trong 8 năm (2003 – 2011) đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, hơn 4.800 ha đất; khôi phục quyền lợi cho hơn 6.900 công dân. Đáng chú ý, thanh tra cũng kiến nghị xử lý hành chính 6.650 cán bộ; chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng.

6.600 cán bộ sai phạm, bao nhiêu người phải nghỉ?
 
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang (giữa) sẽ có phần giải trình về vấn đề này trong buổi chiều nay.
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang (giữa) sẽ có phần giải trình về vấn đề này trong buổi chiều nay.

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu xoáy sâu vào con số thống kê 47,8% người dân khiếu nại tố cáo là có cơ sở. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, điều đó chứng tỏ việc giải quyết còn nhiều thiếu sót, cần khôi phục quyền lợi cho người dân bị làm sai.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng nhấn mạnh con số này với cảnh báo, tỷ lệ sai sót lớn như vậy có thể dẫn tới hậu quả làm suy giảm, mất lòng tin của người dân. “Mất niềm tin là mất tất cả. Còn bức xúc thì sẽ dẫn tới hệ quả tức nước vỡ bờ” – bà Khá cảnh báo.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đặt vấn đề nhà nước được trao quyền lớn trong quản lý đất đai nhưng lại chưa có cơ chế  kiểm soát hiệu quả quyền của nhà nước trong lĩnh vực này nên vị trí của người dân trở thành yếu thế khi đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, dẫn đến bức xúc khiếu kiện về đất đai.

Bà Lan lấy dẫn chứng trong việc thu hồi đất, các quy định chặt chẽ, an toàn cho nhà nước nhưng lại không rạch ròi giữa khu vực nhà nước và tư nhân, nhiều trường hợp dẫn đến phương hại lợi ích của người sử dụng đất, chỉ làm lợi cho doanh nghiệp cũng làm phát sinh khiếu nại tố cáo.

Nữ đại biểu kiến nghị chỉnh luật theo hướng chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì quốc phòng an ninh, mục đích công cộng quốc gia mới trưng thu, trưng mua… đất, không nên mở rộng quá quyền lực của nhà nước trong thu hồi đất.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cũng nêu nghịch lý, ngay cả trong trường hợp thu hồi đất vì mục đích công cộng như mở đường giao thông, người dân cũng đặt vấn đề không lý gì mở đường cho nhiều người sử dụng mà chỉ những người mất đất buộc phải gánh thiệt thòi. Ông Nam đề nghị đa dạng hóa các hình thức bồi thường thu hồi đất, coi như một quan hệ mua bán dân sự về quyền sử dụng đất trong những dự án kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi vì sao khiếu nại chiếm tỷ lệ cao vậy? Vì sao quyết định về vấn đề này của chính quyền thiếu sót nhiều vậy? Ông Học cũng băn khoăn về đánh giá một bộ phận cán bộ yếu kém phẩm chất nhưng không rõ “một bộ phận đó” là thế nào, nhỏ hay không nhỏ, cá biệt hay ở nhiều cấp nhiều ngành.

Trong 8 năm đã kiến nghị xử lý hơn 6.600 người vì sai phạm trong lĩnh vực này. Ông Học nghi hoặc, số cán bộ làm sai, làm trái nhiều vậy nhưng không rõ bao nhiêu người bị buộc rời nhiệm sở, xử lý có nghiêm minh không. Đại biểu kiến nghị đổi mới cán bộ làm công tác quản lý đất đai với việc gắn trách nhiệm bồi thường vật chất khi ra quyết định sau, gây thiệt hại cho người dân.

Ông Học cũng cập nhật tin thời sự, nói về việc Bí thư thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trực tiếp đối thoại với người dân ở 2 khu vực có vụ việc phức tạp. Một người trong số đó cho rằng chỉ cần 20 phút được lắng nghe đó đã giúp ông gỡ bỏ được bức xúc 20 năm đi kiện và ông sẽ rút đơn kiện. Đại biểu lật lại vấn đề, tình trạng nhận đơn, tiếp dân qua loa, thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền vừa qua cũng là nguyên nhân khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Phiên thảo luận tiếp tục được truyền hình trực tiếp cả buổi chiều hôm nay.

Bài: P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng