1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chính phủ vẫn quyết tâm làm trục Thăng Long…”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã cho biết như vậy tại buổi họp báo chiều 29/4 công bố kết quả về các phiếu thăm dò về "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”

“Chính phủ vẫn quyết tâm làm trục Thăng Long…” - 1
84,5% ý kiến đồng ý với đồ án quy hoạch chung Hà Nội
 
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau 8 ngày tổ chức triển lãm lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch chung tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) (từ 21 - 28/4), Ban tổ chức đã đón hơn 16.000 lượt khách đến tham quan, thu về khoảng 3.000 trên tổng số 6.700 phiếu góp ý được phát ra. Trong đó, bình quân tỷ lệ các ý kiến đồng ý với đồ án là 84,5%.
 
Phiếu thăm dò ý kiến tập trung vào 15 vấn đề lớn: định hướng phát triển không gian; các đô thị về tinh, thị trấn, thị tứ; quy hoạch hạ tầng xã hội; giao thông; hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản; nông thôn mới; trung tâm hành chính quốc gia; trục Thăng Long kết nối khu vực Hồ Tây với núi Ba Vì; liên kết vùng; đô thị sông Hồng; quản lý, phát triển đô thị; hành lang xanh; vành đai xanh.
 
Vấn đề quy hoạch hạ tầng xã hội thu được sự đồng thuận cao nhất, tiếp đến là hành lang xanh và vành đai xanh. Hai vấn đề có tỷ lệ đồng thuận thấp nhất là vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia (69,4%) và trục Thăng Long kết nối với khu vực Hồ Tây với núi Ba Vì (76,5%).
 
Vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia và trục Thăng Long cũng là hai vấn đề đã được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Trong đó, có không ít ý kiến từ phía chuyên gia chưa thực sự nhất trí với đồ án đưa ra.
 
Về vấn đề này, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn khẳng định: Có những ý kiến không tiếp thu được nếu không mang lại lợi ích cho nhân dân thủ đô. Chính phủ vẫn quyết tâm làm trục Thăng Long. Để không gây khó khăn về mặt khoảng cách giữa những nơi, thì phải phát triển giao thông.
 
Hiện có hai phương án về trục đường này: trục cong hoặc trục thẳng. Nếu làm trục thẳng, đoạn đường sẽ ngắn hơn nhưng sẽ đi qua nhiều làng xóm có người dân sinh sống hơn. Hiện tư vấn đang nghiêng về phương án này.
 
Còn về vị trí trung tâm hành chính quốc gia, ông Toàn cho rằng, hiện trên thế giới có nơi phân bổ tập trung song cũng có nơi lại không. “Nếu chúng ta dự kiến xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở đấy thì chính quyền thành phố sẽ cấp đất. Vấn đề ở đây là thời gian, dự kiến tới năm 2050, nghĩa là tới 40 năm nữa” - thứ trưởng nói.
 
Ông Toàn cũng cho biết, đây mới là quy hoạch chung chứ chưa phải quy hoạch chi tiết nên không thể cụ thể chi tiết đến từng địa bàn. Nếu đồ án được thông qua, quy hoạch chi tiết sẽ tiếp tục được triển khai để cụ thể hoá quy hoạch chung và sẽ công bố rộng rãi.
 
Theo kế hoạch, trong tháng 5, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo trước Quốc hội và Thủ tướng sẽ xem xét phê duyệt trong tháng 8.
 
Lan Hương