Chính phủ “phê” việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng

(Dân trí) - Tiến độ xử lý nợ xấu chậm, kém hiệu quả; dư nợ bất động sản lớn, khó khắc phục; bức xúc vì an toàn thủy điện; xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng… Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nhiều điểm yếu của 9 Bộ trưởng hậu chất vấn.

Chính phủ “phê” việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng
Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được xem là những đánh giá của Chính phủ với các Bộ trưởng.
 
Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn trong 2 kỳ họp (thứ 2, thứ 3) của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm danh cặn kẽ các vấn đề 9 Bộ trưởng được giao thực hiện sau phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Với lĩnh vực GTVT của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Phó Thủ tướng cho biết, 1 năm qua, ngành đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách về giải quyết ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông. Tai nạn đã giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng tai nạn nghiêm trọng vẫn ở mức cao.

Một số biện pháp chống ùn tắc ở Hà Nội, TPHCM được triển khai như điều chỉnh giờ làm việc, xây cầu vượt nhẹ, phân làn phân luồng… đã giúp cải thiện rõ rệt tình hình.

Phần công việc của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trong năm qua được ghi nhận ở nỗ lực xây dựng nông thôn mới, bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản lại là điểm hạn chế, dẫn đến hệ quả hàng nhập tràn lan, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hơn 1.200 tỷ đồng là con số đầu tư cho công tác trồng, bảo vệ rừng năm nay nhưng Phó Thủ tướng thừa nhận, việc ngăn chặn tình trạng phá rừng còn kém hiệu quả. Ngành để xảy ra nhiều vụ phá rừng, chống kiểm lâm nghiêm trọng, gây bức xúc thời gian qua.

Bộ GD-ĐT đã bước đầu rà soát, xử lý các hành vi vi phạm về liên kết đào tạo nước ngoài, dừng tuyển sinh với 4 trường, đình chỉ 17 ngành ở 9 trường khác. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã cố gắng ngăn chặn tình trạng học thêm tràn lan, không lành mạnh, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình được nhắc tên trong nhiều nội dung. Việc xử lý nợ xấu, mua bán nợ tiến độ còn chậm, hiệu quả hạn chế. Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng góp phần hạn chế lạm phát nhưng cũng làm sản xuất khó khăn, lãi suất dù có giảm nhưng doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn vẫn rất thấp.

Thị trường vàng nhận điểm cộng ở việc hạn chế tình trạng đầu cơ, buôn lậu, giảm mức vàng hóa nền kinh tế, nhưng lại bị điểm trừ về việc quản lý thị trường vàng miếng, kiểm soát giá vàng trong nước.

Việc vay nợ của khu vực bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ, giảm xuống mức 4,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 11% cuối năm trước nhưng dự nợ bất động sản vẫn lớn, nợ xấu chiếm tỷ lệ cao.

Đối với lĩnh vực TN-MT, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác quản lý đất còn nhiều bất cập như vấn đề lập quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch, thực hiện nguyên tắc định giá đất bồi thường khi thu hồi sát giá thị trường kém hiệu quả.

Vấn đề giải quyết khiếu kiện đất đai, nhiều vụ việc chưa giải quyết dứt điểm, nhiều vụ khiếu kiện đông người vẫn kéo về TƯ.

Đối với Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, ông Phúc nhấn mạnh nội dung tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế lớn và khẳng định, những hạn chế trong việc quản lý các tập đoàn, TCty nhà nước đang được thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục.

Đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề thời sự nổi lên như xử lý hàng tồn kho. Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực để phục hồi sức mua từ quý 2 năm nay, đột phá ở lĩnh vực xuất khẩu nhưng sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, nhất là sản xuất công nghiệp, cơ chế chống nhập lậu hàng nông sản…

Việc quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tín hiệu mừng là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có khả năng đẩy sớm tiến độ 2 năm so với kế hoạch. Lĩnh vực xăng dầu đã có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhưng “thực tế, thị phần của TCty xăng dầu VN vẫn chiếm tỷ trọng lớn áp đảo”.

Vấn đề quy hoạch thủy điện, ông Phúc “phê” Bộ chủ quản về vấn đề bức xúc nổi lên hiện nay là việc đảm bảo an toàn hồ đập, tính toán cân đối giữa mục tiêu phát điện và bảo vệ môi trường, tác động đến hạ du. Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Công thương đang tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, kiểm tra dự án đang thi công, xử lý trách nhiệm nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng, an toàn…

Nội dung thực hiện lời hứa sau chất vấn của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được ghi nhận ở các giải pháp tăng cường điều tra xử lý các vụ án nghiêm trọng về tham nhũng, tội phạm ngân hàng, chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội là nguyên nhân dẫn đến tội phạm…. Tuy vậy, việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội còn kém hiệu quả, lực lượng công an có nơi làm chưa tốt nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định…

Kết lại phần báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn thừa nhận, công tác điều hành của Chính phủ có nhiều việc đã đạt kết quả bước đầu nhưng cũng nhiều việc còn hạn chế, cần tiếp thu. Ông Phúc ghi nhận nỗ lực của các Bộ, ngành, người lãnh đạo và khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi việc thực hiện các vấn đề còn tồn tại.

P.Thảo