1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chiến tranh thương mại Nhật - Trung: Thế giới vạ lây

Trong khi sóng gió ngoại giao ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa tan, cơn bão chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế Nhật-Trung đã xuất hiện với những cảnh báo căng thẳng,đe dọa bùng phát xung đột kinh tế và nó giống như “thanh gươm Damocles” treo lơ lửng bên trên nền kinh tế thế giới.

 
Những dấu hiệu cảnh báo


Những dấu hiệu cảnh báo

Trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Nhật - Trung do xung đột chính trị liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa có dấu hiệu dịu đi, các chuyên gia kinh tế đã “cân đong đo đếm” thiệt hại về kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy cuộc chiến chưa bùng nổ, những con số thiệt hại đã xuất hiện sau những cuộc biểu tình chống Nhật kèm theo đập phá, hôi của tại hàng chục đô thị lớn nhỏ ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở hoạt động ở Trung Quốc đã  báo cáo với các hãng bảo hiểm rằng họ đã bị thiệt hại gần 130 triệu USD.

Còn việc thua lỗ trong kinh doanh của các hãng xe hơi Nhật ở Trung Quốc cũng không nhỏ. Chỉ tính đến hết tháng 9 vừa qua, các đại lý của 3 hãng xe Toyota, Nissan và Honda ở Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 250 triệu USD, tương đương 14.000 chiếc (giá trung bình 18.000 USD/chiếc), do phải tạm thời ngưng dây chuyền sản xuất và đóng các cửa hàng đại lý. Mức độ thiệt hại đang tiếp tục gia tăng lên bởi chưa có dấu hiệu người tiêu dùng Trung Quốc thôi tẩy chay xe hơi Nhật.

Nhiều lĩnh vực chiến lược khác của Nhật ở Trung Quốc cũng bị thiệt hại khá nặng. Các hãng Sony, Canon và Panasonic đã ngưng hoạt động tại nước đông dân nhất thế giới. Nhiều cửa hàng bán lẻ hàng hóa Nhật đóng cửa vì lo sợ bị tấn công đập phá và cướp của. Chuỗi cửa hàng Fast Retailing, chủ sở hữu nhãn hiệu quần áo Uniqlo, đã đóng cửa 42/145 cửa hàng khiến 200 nhân viên thất nghiệp; hai chuỗi cửa hàng  Seven & I và Jusco của Nhật cũng đóng cửa.

Hãng máy bay Japan Airlines của Nhật thông báo giảm các chuyến bay giữa Nhật và Trung Quốc từ giữa tháng 10 này do đã nhận được 6.000 cuộc hủy vé  khứ hồi từ tháng 9 đến tháng 11. All Nippon Airways, một hãng máy bay lớn khác của Nhật, cũng cho biết khách hàng Nhật đã hủy 4.000 vé và khách hàng Trung Quốc hủy 15.000 vé.

Về phần mình, hãng máy bay China Eastern Airlines, một trong 3 hãng máy bay lớn nhất  của Trung Quốc, cho biết đã hoãn chuyến bay khai trương  đường bay mới Thượng Hải - Sendai vào ngày 18-10 do “không có khách”.

Nhật Bản và Trung Quốc - ai thiệt hơn?

Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn thứ 2 của Nhật (sau Mỹ) với 345 tỷ USD giá trị hàng hóa giao thương năm 2011, chiếm 9% thương mại Trung Quốc. Con số này lớn hơn giao thương của Trung Quốc với Anh và 4 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Trong khi đó, Nhật là đối tác số một của Trung Quốc. Xuất nhập khẩu với Nhật năm 2011 chiếm 21%.

Về đầu tư, năm 2011, Trung Quốc nhận được 6,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI), nâng tổng số FDI lên 69 tỷ USD kể từ năm 1996, theo số liệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo số liệu của Nhật, những con số tương ứng là 12 tỷ USD và 83 tỷ USD. Ngược lại, vốn FDI của Trung Quốc chỉ có 560 triệu USD năm 2011, so với 70 tỷ USD vốn FDI Mỹ và 94 tỷ USD vốn FDI EU.

Tại thời điểm bùng nổ những cuộc biểu tình chống Nhật dẫn đến bạo loạn cách đây nửa tháng sau khi Nhật tuyên bố mua 3 hòn đảo tư nhân trong quần đảo đang tranh chấp, 2 tờ báo lớn của Trung Quốc là Nhân dân Nhật báo (tiếng Trung) và China Daily (tiếng Anh) đăng xã luận đề nghị Bắc Kinh xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế Nhật. Tờ China Daily viết: “Nền kinh tế Nhật sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu Trung Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế. Thiệt hại của Trung Quốc sẽ tương đối thấp”.

Tuy nhiên, ông Jeremy Stevens, chuyên viên kinh tế của Tập đoàn Africa Standard Bank ở Bắc Kinh, giải thích: “Các chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới kết nối với nhau hết sức chặt chẽ, đa dạng và phức tạp. Trung Quốc và Nhật Bản hoàn toàn phụ thuộc vào nhau”. Ông Ivan Tselichtchev, chuyên gia kinh tế ở trường Đại học Quản trị Kinh doanh Nagata - Nhật, cũng chia sẻ quan điểm trên. “Làm suy yếu nền kinh tế Nhật là đi ngược lại lợi ích kinh tế của Trung Quốc” - nhà kinh tế này nhấn mạnh.

Hiện tại do Nhật xuất khẩu sang Trung Quốc linh kiện và bộ phận rời mà các nhà máy Trung Quốc cần để sản xuất các sản phẩm “made in China” xuất khẩu đi toàn cầu. Ngược lại, Trung Quốc cấm cửa Nhật mua đất hiếm thì sản xuất hàng điện tử Nhật sẽ giảm mạnh, làm trầm trọng thêm ngành xuất khẩu Nhật vốn đã giảm đến 1,3% trong tháng 8 so với các tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo 0,4%.

Một thực tế sống động là rất đông công nhân làm việc trong các nhà máy xe hơi Nhật hoặc phụ thuộc vào hàng hóa Nhật. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, Nhật đóng cửa nhà máy, nhập khẩu hàng hóa Nhật ngưng trệ, tiến trình chuyển giao công nghệ sẽ ngừng lại đẩy hàng triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp. Đây sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang có dấu hiệu hụt hơi.

Có thể nói một cách hình ảnh rằng Trung Quốc là một thị trường lớn, Nhật Bản mất thị trường này thì không khác gì việc một người đang buôn bán làm ăn được thì bị chủ nhà đòi lại mặt bằng, vì thế mất thị trường Trung Quốc là một tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế Nhật. Tuy nhiên, người sợ hãi nhất trong cuộc chiến thương mại này lại là Trung Quốc, nếu các tập đoàn công nghệ cao Nhật Bản như Toshiba, Sony, Honda… rút ra khỏi Trung Quốc thì giá cả của các sản phẩm này tại Trung hoa lục địa sẽ tăng vọt và đặc biệt nền công nghiệp trình độ thấp mang tính chất lắp ráp của Trung Quốc sẽ “chết đứng”, dẫn đến thất nghiệp tràn lan… Ông Trương Hiểu Nông, nhà kinh tế và cựu cố vấn cựu chủ tịch Triệu Tử Dương cho rằng, tẩy chay hàng Nhật là phi thực tế. Chuyện nực cười là các bức ảnh người Trung Quốc biểu tình tẩy chay hàng Nhật đã đốt cháy xe hơi Nhật đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc thì người chụp ảnh dùng máy ảnh... Nhật để chụp! Trang tin Theepochtimes còn cho biết, hầu hết thiết bị của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đều là hàng “made in Japan”. Nếu Trung Quốc tẩy chay triệt để hàng Nhật, CCTV sẽ không thể hoạt động lâu dài.

Ảnh hưởng đến cả kinh tế thế giới

Nếu xảy ra chiến tranh thương mại Nhật - Trung, kinh tế thế giới sẽ đứng trước một đợt “sóng thần” với những hậu quả khó lường - Bà Janet Hunter, nhà sử học kinh tế ở trường Đại học London, trên đài truyền hình Pháp France 24 nhận định. Toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ gánh lấy hậu quả. Bởi, theo bà Janet Hunter, tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay phụ thuộc vào châu Á, vùng đất duy nhất còn giữ tốc độ tăng trưởng khá. Trung Quốc và Nhật Bản lại là cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới.

Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal (WSJ) cũng cho rằng các nền kinh tế phương Tây vốn đang èo uột trông cậy nhiều vào thị trường châu Á để phục hồi. Nếu hoạt động kinh tế của hai cường quốc kinh tế châu Á sụt giảm thì chưa biết chừng nào thế giới mới có thể thoát khỏi cuộc khủng  hoảng kinh tế - tài chính kéo dài từ năm 2008.

Trên đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, nhà chính trị học Sergei Kurginian phân tích: “Đừng quên rằng Nhật là một phần không thể thiếu của thị trường thế giới. Người Nhật sản xuất phần lớn các sản phẩm điện tử chất lượng cao. Sự trì trệ trong lĩnh vực này có thể tạo ra một sự thiếu hụt nghiêm trọng, có thể gia tăng khủng hoảng thế giới”.

Greg Nance, một doanh nhân Mỹ ở Thượng Hải, chuyên nghiên cứu về chiến lược đồng minh Mỹ ở Đại học Chicago, đánh giá trên tờ The Seattle Times rằng cuộc xung đột chính trị, kinh tế hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản giống như một trận cuồng phong có thể tàn phá nền kinh tế châu Á. Hai nước này, vốn là đầu tàu kinh tế trong khu vực, nếu vướng vào một trận chiến thương mại chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng về kinh tế bởi cả hai gần như phụ thuộc vào nhau hoàn toàn. Nếu giao thương giữa 2 “đại gia” châu Á bị tê liệt thì đồng thời kinh tế thế giới cũng bị vạ lây.

Theo Minh Điểm
An ninh Thủ đô