Chênh vênh bên dòng suối Chạ

(Dân trí) - Cơn lũ xuất hiện tại xã Yên Tĩnh được ví như một cơn “đại hồng thủy”, gây ngập hàng trăm ngôi nhà, trường học, trụ sở ủy ban... Thiệt hại ước tính hơn 40 tỷ đồng. Nhiều người ở đây đã và đang đói, cuộc sống của họ chênh vênh bên dòng suối Chạ.

Suối Chạ được ví như một con sông lớn ở Yên Tĩnh, bởi nó quanh năm luôn đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân nơi đây. Song, đợt lũ quét xảy ra hôm 25/6 vừa qua đã làm cho suối Chạ và xóm làng Yên Tĩnh trở nên hoang tàn hơn bao giờ hết.

Ông Vi Vũ Quang - Chủ tịch UBND xã - cho biết: “Đây là năm đầu tiên trong lịch sử xã bị lũ lớn và gây thiệt hại nặng nhất. Cơn lũ kinh hoàng quá, không thể tưởng tượng nổi chỉ trong giây lát đã nhấn chìm toàn xã.”
Theo ông Quang, hiện xã đang huy động mọi người thu dọn để ổn đình tình hình. Trước mắt, xã hỗ trợ 1 triệu đồng cho gia đình nhà bị lũ cuốn trôi, nhà sập là 500 ngàn đồng. Bên cạnh đó, xã đã huy động máy móc của một số công ty và xin hỗ trợ từ huyện để thu dọn, tẩy rửa bùn nhưng ít nhất phải mất 3-4 ngày nữa mới có thể xong.
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 1

Sau cơn lũ, hàng chục gia đình điêu dứng vì không có gạo ăn, xoong nồi, đồ dùng trong nhà đều đã bị nước cuốn sạch. Chị Vi Thị Liên nói trong nước mắt: “Lúc mưa lên cả nhà ai cũng nghĩ bình thường thôi. Một lúc sau chỉ kịp chạy người bỏ lại của cải, mưa xong thì cũng là lúc nhà bị lũ cuốn hết, giờ nhà mất, đồ đạc không còn. Mới hôm trước vợ chồng cùng con cái lên rẫy thu hoạc được hơn 4 tạ lúa nương, nhưng bây giờ chỉ còn được có một gùi này nữa thôi.”

Cùng chung cảnh ngộ với chị Liên còn có ông Vi Văn Men nhà bị trôi sông. Ông buồn rầu: “Chưa bao giờ ta thấy lũ to thế này đâu. Nhà ta trôi hết rồi, giờ không có chi mà ăn cả, bà con ta cũng đói rồi, cầu mong từ trên xuống thôi”.

Cơn lũ đã đánh sập ngôi trường tiểu học Bản Hạt với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; chiếc cầu treo hơn 1 tỷ liên xã cũng bị nước cuốn trôi; trường cấp 1, 2 và mẫu giáo của xã đều ngập ngụa trong bùn, đồ dùng học sinh, bàn ghế cũng đã trôi theo lũ... Chứng kiến cảnh lũ quét ở Yên Tĩnh mới thấy nỗi khắc khoải người dân nơi đây đang chênh vênh bên dòng suối Chạ mà chưa biết khi nào khắc phục xong.

Trong khi đó tại Kỳ Sơn, nước lũ dâng cao làm tê liệt giao thông trên tuyến đường 7, tuyến huyết mạch duy nhất nối Kỳ Sơn với các huyện khác. Tại địa bàn thị trấn Mường Xén, mặt đường quốc lộ có đoạn nước ngập sâu tới 3 m. Một số các tuyến đường liên xã cũng bị đất đá sạt lở và nước các con suối dâng cao.

Dòng nước chảy xiết và mạnh, làm sạt lở nhiều nhà dân ở hai bên bờ sông. Hàng chục ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà khác bị ngập trong nước lũ. Hơn một nửa số hộ dân trên địa bàn thị trấn Mường Xén đã bị ngập lụt. Hai cầu treo ở khối 4 thị trấn và bản Khe Tang xã Chiêu Lưu bị cuốn trôi. Hàng trăm hộ dân bên kia sông bị cô lập. Đặc biệt, có một xe khách bị cuốn trôi trong lũ, rất may không có thiệt hại về người.

Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão huyện, tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 115 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, trong đó có 5 trường học, hơn 700 nhà bị ngập, nhiều trụ sở cơ quan bị thiệt hại nặng. Đường dây điện bị hư hại nghiêm trọng. Hiện chưa thể thống kê chính xác con số thiệt hại về người và tài sản.

Ông Mùa Nỏ Xử - Phó Ban Phòng chống bão lụt huyện Kỳ Sơn - cho biết: “Hiện tại huyện hỗ trợ cho những nhà bị trôi hoàn toàn là 10 triệu đồng, nhà bị sạt lở 5 triệu đồng, các trường học bị hư hỏng cũng được hỗ trợ 5 triệu, còn các trường bị cuốn trôi thì phải xin ngân sách xây dựng lại.”

Theo tin từ ban phòng chống bão lụt huyện Anh Sơn, thiệt hại ban đầu do cơn bão số 2 gây ra trên địa bàn đến hôm nay là hơn 87 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại lớn nhất là có trên 2.000ha ngô sắp thu hoạch bị ngập nước, bùn hối vùi lấp thiệt hại gần 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, 25ha diện tích mạ hè thu sắp gieo cấy cho 1.200ha lúa hè thu bị ngập úng, hư hỏng; 60ha lúa mùa chưa thu hoạch bị sạt đổ, ngập nước. Nhiều công trình máy bơm điện, 3km đường dân sinh trên địa bàn bị sạt lở hư hỏng, trên 100 nhà dân bị ngập nước ảnh hướng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
 
Dưới đây là một số hình ảnh do PV Dân trí ghi lại người dân Yên Tĩnh khắc phục hậu quả:
 
  
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 2
Vớt vát cái quạt.
 
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 3
Nhặt những gì còn sót lại.
 
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 4
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 5
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 6
 
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 7
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 8
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 9
Chiếc xe máy bị vùi dưới lớp đất bùn dày hơn 1m.
 
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 10
Bùn quá dày nên phải dùng máy móc cỡ lớn não, xúc...
 
 
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 11
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 12
 
Chênh vênh bên dòng suối Chạ  - 13
 
 
Thêm một người mất tích, thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng

Đến 16h ngày 26/6, tỉnh Nghệ An có 1 người chết, 3 người mất tích và 2 người bị thương. Nạn nhân mới nhất được xác định là anh Lương Văn Phòng (bản Na Ca, xã Nga My, huyện Tương Dương). Nhiều nhà dân, trường học bị cuốn trôi, ngập và hư hỏng nặng.

Lũ lớn đã làm ngập sâu nhiều đoạn QL 48, QL 7, QL 48C, QL 15 và nhiều tuyến đường tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở giao thông vận tải và UBND các huyện khắc phục sạt lở, thông tuyến bước đầu. Đến nay, tại QL 7 đoạn Km180 lên Kỳ Sơn, QL 48C tại xã Yên Hòa và các đường tỉnh lộ 598A, 543, các tuyến đường thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế phong, Quỳ Châu bị ách tắc nhiều đoạn.

Mưa lớn đã khiến 8.358ha lúa, 104ha mạ, 1.924ha hoa màu, 883ha mái, 120ha sắn nguyên liệu tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Yên Thành bị ngập; 115ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, 24 lồng các và 5 thuyền đánh bắt hải sản bị cuốn trôi. Mưa lũ cũng đã khiến 17.280m kênh mương bị sạt lở, 10 hồ đập bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính 996,699 tỷ đồng.
 
 
 
Nguyễn Duy