TPHCM:

“Chật vật” cảnh học sinh qua đò đến trường

(Dân trí) - Để đến trường, em Phạm Trần Huệ, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) phải đi từ 5 giờ sáng, hết đi bộ, chờ đò rồi đi xe buýt. Tiếng là ở TPHCM nhưng đường đến trường của nhiều học sinh ở huyện Nhà Bè vẫn còn khá “chật vật”.

“Chật vật” cảnh học sinh qua đò đến trường - 1
Học sinh huyện Nhà Bè, TPHCM trên đường đến trường.

Năm nay, Trường THPT Long Thới có hơn 1.200 học sinh theo học, trong đó chủ yếu là con em ở thị trấn và các xã Hiệp Phước, Phú Xuân, Long Thới… Các giáo viên ở đây chia sẻ chuyện đến trường phải qua 1, 2 lần đò vẫn là chuyện thường, nhất là các em ở Hiệp Phước. Trường dạy 2 buổi sáng, chiều nên vẫn có nhiều em phải chuẩn bị cơm từ sáng mang theo ăn trưa chứ không kịp về nhà ăn.

“Chật vật” cảnh học sinh qua đò đến trường - 2
Để đến trường, các học sinh ở huyện Nhà Bè, TPHCM phải qua đò.

Mỗi lần qua bến đò ngoài của Hiệp Phước chỉ mất 1.000 đồng nhưng khổ nỗi bến đò này chỉ có duy nhất 1 chiếc mà giờ chạy lại không cố định. Để tránh đi học muộn, học sinh nơi đây phải tranh thủ đi từ rất sớm.

“Chật vật” cảnh học sinh qua đò đến trường - 3
Vội vã qua đò.

Em Trần Thị Kim Em, học sinh lớp 11A11 cho biết: “Nhà em ở ấp 3, xã Hiệp Phước, bình thường đi học em phải dậy từ 4 giờ sáng. Hôm nào đi bộ thì ra tới bến đò cũng mất gần 1 tiếng, chờ đò thêm 15 phút nữa rồi đi xe buýt 15 phút nữa mới mong kịp giờ học. Nhiều hôm đò trễ đến cả tiếng đồng hồ đành đến lớp muộn”.

Đó là khi nước đầy, còn mỗi mùa nước cạn, sông cạn thì chỉ trông chờ vào những chiếc xuồng nhỏ, mỗi lần chỉ chở 3, 4 người.

Cô Nguyễn Thị Khánh Triều, giáo viên dạy Toán ở trường cũng chia sẻ, đa phần nhà các em đều làm nông cả, địa hình sông ngòi nhiều nên mấy năm trước tình trạng bỏ học cũng thường. Tìm đến tận nhà các em để vận động đi học lại, cô mới thấy thấm được sự trắc trở khi đến trường của các em.

“Lúc ban đầu nhận quyết định về trường cũng thấy buồn, điều kiện ở vùng sâu này còn thiếu thốn đủ thứ nhưng qua 3 năm gắn bó với học trò nơi đây mình cũng vơi đi nỗi buồn xa nhà”, cô giáo trẻ quê gốc Bình Dương tâm sự.

Đường đến trường nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà dập được khát vọng đến với cái chữ của học trò nơi đây. Em Phạm Trần Huệ, học sinh lớp 12A1 kể: Nhà em trước giờ khó khăn, các anh chị của em chỉ được học tới lớp 1, 2 là nghỉ ở nhà đi làm. Giờ chỉ còn em và em gái út là được nhà cho học tới trung học nên chúng em luôn phải cố gắng học. Niềm vui của em là vừa rồi em nhận được học bổng Room to read dành cho học sinh ở vùng sâu khó khăn, hiếu học”. Cô học trò cuối cấp này đang nuôi mơ ước được vào học ngành Sư phạm ĐH Sài Gòn.

“Chật vật” cảnh học sinh qua đò đến trường - 4
 Học sinh Trường THPT, huyện Nhà Bè, TPHCM trong lễ khai giảng năm học mới.

Mười năm qua, Trường THPT Long Thới là trường duy nhất của huyện Nhà Bè “gánh” nhiệm vụ giáo dục hệ THPT cho toàn huyện. Dù ở vùng sâu nhưng thầy trò nhà trường vẫn phấn đấu để không quá chênh lệch với các trường nội thành. Niềm vui trong lễ khai giảng năm mới chính là thành tích nổi trội so với địa bàn vùng sâu vùng xa: tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 97%; hơn 60 HS đỗ ĐH, CĐ, trong đó 24 em đỗ ĐH.

Đặc biệt, trong năm học mới này, “gánh nặng” giáo dục THPT ở huyện Nhà Bè được san sẻ qua Trường THPT Phước Kiển - trường THPT thứ 2 của huyện vừa khánh thánh đầu tháng. Nhờ vậy, hàng ngàn học sinh thuộc các xã Phước Lộc, Phước Kiển, Nhân Đức không còn phải qua đò đến trường.  

Bài và ảnh: Lê Phương