Chất vấn việc thực hiện lời hứa của 9 Bộ trưởng

(Dân trí) - Chương trình dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (tháng 10 tới), ngoài 2 ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dành một buổi sáng để các Bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa với người dân.

Qua gần 2 năm nhậm chức trong nhiệm kỳ này, đã có 9 Bộ trưởng, 1 Phó Thủ tướng và Thủ tướng đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), 5 Bộ trưởng gồm Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trả lời các vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng tại kỳ họp này.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4.

Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2012), các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ Công an Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chọn đăng đàn.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cơ quan này sẽ có công văn đề nghị các vị Bộ trưởng, trưởng ngành sớm chuẩn bị những nội dung đã hứa tại 2 kỳ họp trước để báo cáo Quốc hội. Văn phòng cũng đề nghị Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội sớm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải trình tại phiên họp Hội đồng, Ủy ban để giảm bớt những vấn đề cần đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 này.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có văn bản yêu cầu các Bộ trưởng trả lời chất vấn tại 2 kỳ họp vừa qua báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội, gửi đến đến Văn phòng Quốc hội trước ngày 20/9/2012.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này là 25 ngày (chưa kể các ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật), trong đó, phiên khai mạc được ấn định ngày 22/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/11/2012.

Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm, Quốc hội nghe báo cáo thường niên về tình hình kinh tế xã hội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm… với nội dung thẩm tra đi kèm.

Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ chính thức đặt lên bàn nghị sự kỳ họp này và được thông qua vào phần cuối kỳ họp.

Về nội dung lập pháp, kỳ này Quốc hội bàn 10 dự án luật. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua ngay trong kỳ họp này. Quốc hội cũng dự kiến thông qua luật Thủ đô, luật Thuế thu nhập cá nhân. Một dự án luật cấp thiết nhận nhiều quan tâm của dư luận được Quốc hội đưa ra thảo luận lần này là luật Đất đai sửa đổi.

P.Thảo