Chất lượng dự báo bão của Việt Nam cao bậc nhất ASEAN (!?)

(Dân trí) - Báo cáo kết quả thực hiện việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần trước (kỳ họp thứ 4, tháng 11/2012) của Bộ Trưởng Tài Nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh nội dung về công tác dự báo khí tượng thủy văn.

Tại kỳ họp đó, ông Quang nhận nhiều câu hỏi chất vấn về chất lượng dự báo bão sau sự việc các bản tin dự báo khí tượng thủy văn không xác định được hướng đi “tuốt” dọc bờ biển các tỉnh phía Bắc của cơn bão Sơn Tinh (bão số 8) năm ngoái, khiến nhiều địa phương thiệt hại nặng nề. Trong đó có vụ đổ tháp truyền hình trị giá hơn 50 tỷ đồng vừa xây dựng tại Nam Định.
 
Chất lượng dự báo bão của Việt Nam cao bậc nhất ASEAN (!?)
Thiệt hại tài sản lớn nhất trong cơn bão số 8 năm ngoái là tháp truyền hình trị giá hàng chục tỷ đồng ở Nam Định bị đổ gục.

Bộ trưởng TN-MT khái quát về chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu, đến thời điểm này, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội…

Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010 – 2012 cũng được Thủ tướng ký duyệt sau đó.

Báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện đề án này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải thích, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, khối lượng nhiệm vụ của đề án chưa triển khai được nhiều (khoảng 30%).

Dù vậy, người đứng đầu Bộ TN-MT vẫn có đánh giá lạc quan khi khẳng định những nội dung thực hiện đã phát huy hiệu quả nhất định, nâng cao thời hạn dự báo bão từ 24 lên 48 giờ và nhận định trước về hướng di chuyển của bão lên đến 72 giờ.

“So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, công nghệ dự báo của Việt Nam đứng sau Singapore, Indonesia, Malaysia và có cao hơn so với Thái Lan, Philipine. Chất lượng dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của Việt Nam tương đương với Philipine - nước chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất trong khu vực các nước ASEAN, tốt hơn so với các nước còn lại, song còn kém các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang “hứa” thời gian tới, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án và chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục nâng cao công tác dự báo thời tiết, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai, giữ gìn thành quả phát triển kinh tế xã hội.

Về thanh tra, kiểm tra đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có tổng số 1.110 công trình, thủy điện được quy hoạch với tổng công suất lắp máy khoảng 25.290MW. Đến nay, có 239 công trình đã hoàn thành xây dựng và vận hành phát điện (chiếm 21,5% tổng số dự án và gần 52% tổng công suất), 217 công trình đang thi công xây dựng, 294 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 360 dự án chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm. Tổng diện tích đất được quy hoạch, thu hồi và giao, cho thuê đối với số dự án này xấp xỉ 110.000 ha, trong đó diện tích đất rừng khoảng 32.400 ha.

Tại các tỉnh được thanh tra, kết quả cho thấy các dự án đều nằm trong quy hoạch, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, công tác thẩm định dự án chưa chặt chẽ, chất lượng qu hoạch, thiết kế cơ sở thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. Đến nay, Bộ đã đề xuất loại khỏi quy hoạch 116 dự án thủy điện nhỏ và đề nghị không xem xét đưa thêm vào 156 vị trí có tiềm năng khai thác khác.

Đánh giá về khía cạnh môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án chưa đề cập đầy đủ các sự cố về môi trường, cửa xả bùn, cát; thiếu các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, sự cố vỡ đập do động đất, tai biến địa chất; kê khai các chất thải nguy hại, biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường do tràn dầu từ tuôc-bin, trạm biến thế điện…

Thực tế, các dự án chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, không có khả năng điều tiết nước về mùa lũ, chưa có giấy phép khai thác nước mặt… Điểm danh một số dự án sai phạm, báo cáo của ông Quang nêu rõ, thủy điện Vĩnh Sơn, An Khê – Ka Nak trên sông Ba chuyển dòng về sông Côn (Bình Định) khiến hạ lưu sông Ba thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hướng đến đời sống của hàng ngàn người dân ở hạ lưu dọc sông Ba.

Thủy điện Đakmil 4 của Idico thiết kế theo phương án chuyển nước, không trả nước về dòng cũ, ảnh hưởng hàng chục ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, gây tranh chấp giữa 2 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.

Liên quan đến công tác quản lý đất đai, Bộ trưởng TN-MT báo cáo kết quả xử lý vi phạm trong sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Qua kiểm tra năm 2012 đã phát hiện gần 8.200 tổ chức vi phạm với diện tích 128.000 ha. Các vi phạm chủ yếu do chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; chậm, nợ tiền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển nhượng nhà đất không đúng quy định.

Bộ đã xử lý gần 5.200 tổ chức vi phạm với diện tích 105.000 ha đất. Trong đó, cơ quan chức năng đã thu hồi đất của 819 tổ chức với diện tích 38.000 ha, đang lập hồ sơ thu hồi đất của 560 tổ chức với diện tích 27.000 ha khác; tiếp tục xử lý 1.500 tổ chức với diện tích 22.600 ha; yêu cầu đưa đất vào sử dụng với 1.900 tổ chức, tổng diện tích 16.500 ha.
 
P.Thảo