Hà Nội:

"Cha đẻ" ý tưởng đúc rùa vàng ở Hồ Gươm lên tiếng

(Dân trí) - Ông Tạ Hồng Quân cho biết, lý do đề xuất ý tưởng đúc “Biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” từ mong muốn “Thần Kim Quy” trở thành một giá trị văn hóa, tinh thần hàng nghìn năm sau…

Công dân Tạ Hồng Quân vừa gửi UBND TP Hà Nội – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các đơn vị liên quan Đề án Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm - “Thần Kim Quy”. Nội dung đề án nêu rõ, lý do ông Quân đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng xuất phát từ “Thần Kim Quy” gắn liền với truyền thuyết lịch sử, qua nhiều câu chuyện khác nhau.

“Rùa Hồ Gươm cũng gắn liền với lịch sử, với truyền thuyết, với văn hóa của Hà Nội và của cả Việt Nam. Rùa Hồ Gươm thực sự trở thành một hiện tượng giá trị văn hóa đặc biệt trong mỗi người dân Việt Nam”, ông Tạ Hồng Quân cho hay.

Biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm được tác giả đề xuất đúc ở bên bờ hồ
Biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm được tác giả đề xuất đúc ở bên bờ hồ

Vì vậy, ông Quân đề xuất ý tưởng đúc “Biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm” đặt bên cạnh hồ Hoàn Kiếm. Qua việc này ông Quân mong muốn hình tượng Rùa vàng Hồ Gươm trở thành một giá trị văn hóa, tinh thần, biểu tượng cho Hà Nội – Việt Nam hàng trăm năm, hàng nghìn năm sau. Biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống người Hà Nội, người Việt Nam; trở thành tâm điểm văn hóa du lịch cho nhân dân cả nước và du khách nước ngoài.

Ngoài ra, tác giả còn đưa ra ý kiến lập luận rằng, rùa Hồ Gươm đã được cả nhân dân gọi bằng Cụ Rùa (Thần Kim Quy), rất ít khi xuất hiện nhưng mỗi lần xuất hiện hầu như tương ứng với một sự kiện trọng đại.

“Luận cứ này được nhiều người ủng hộ và tìm cách chứng minh. Một số thì cho rằng sự việc mang tính ngẫu nhiên, còn phần đông chúng ta (trong đó có tôi) thấy đây là một sự kiện đặc biệt và cần phát huy trở thành dấu ấn riêng của Hà Nội của Việt Nam là niềm tự hào riêng có cần phát huy trở thành biểu tượng vĩnh cửu một đặc điểm riêng có về văn hóa lịch sử và phát triển thành điểm thu hút du lịch mang tầm quốc tế”, ông Tạ Hồng Quân nêu thêm.

Trong đề án, ông Tạ Hồng Quân còn đưa ra những biểu tượng quốc gia trên thế giới, trong đó có những biểu tượng là linh vật, con vật hay công trình kiến trúc hoặc là những nét văn hóa đặc thù riêng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.

Cụ thể, ở Trung Quốc với biểu tượng Gấu Trúc, Rồng, Trống Đồng, Vạn Lý trường Thành, Thiên An Môn, mới đây như sân vận động tổ chim. Ở Mỹ có Tượng thần tự do, tòa nhà lưỡng viện, tháp chuông tự do, phố Wall và đặc biệt là biểu tượng con Trâu đúc bằng đồng to đẹp trên đầu phố Wall tại New York. Ở Úc có nhà hát Sydney, chuột túi Kangaroo. Ở Pháp có dòng sông Seine, tháp Eiffel, gà trống Gaulois. Ở Nhật là tháp truyền hình, hoa anh đào...

“Đó là cơ sở cốt lõi ý nghĩa và đầy đủ để chúng ta tạo nên một biểu tượng độc đáo và ý nghĩa sâu sắc của Hà Nội, của Việt Nam về hình tượng Rùa vàng Hồ Gươm”, tác giả Tạ Hồng Quân lập luận.

Đề án nêu rõ kế hoạch đúc tượng Rùa vàng Hồ Gươm chất liệu bằng đồng nguyên chất được mạ vàng tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến biểu tượng Rùa vàng có chiều dài khoảng 2,5 m - 3,5 m, chiều cao gồm cả bệ khoảng 2,5 m, có trọng lượng khoảng 6-10 tấn. Thời gian đúc biểu tượng Rùa vàng dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.

Quang Phong