Cha con người Mỹ và cuộc chiến với tử thần

Từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối hằng ngày, hai bố con Larry và Kristen Vetter tới nhà anh La Thành Cang để giúp đỡ hai anh em La Thành Toàn và La Thành Nghĩa giành lại sự sống. Trong căn nhà 50m2, cuộc chiến với tử thần luôn căng thẳng.

 

Ông Larry Vetter xoa bóp chân cho La Thành Nghĩa.

Ông Larry Vetter xoa bóp chân cho La Thành Nghĩa.

 

Chuyện của Larry Vetter

 

Điều gì khiến chàng trai Larry Vetter - một y tá trong đội thủy quân lục chiến Mỹ - ám ảnh nhất sau khi trải qua cuộc chiến ở Việt Nam? Vetter tiết lộ, đó là ánh mắt của một người phụ nữ Việt trong thời chiến.

 

Ánh mắt quện chặt vào cuộc đời sau này của nhà báo tự do, cựu chiến binh Larry Vetter, khiến ông không thôi day dứt tìm tới bờ biển mà cách đây hơn 40 năm ông cùng đồng đội đã đào hầm xây công sự, truy lùng bắn giết và tệ hơn là rải chất độc dioxin xuống những thảm rừng.

 

Đó là một buổi sáng năm 1965 ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam), trận càn bất ngờ của một tốp lính Mỹ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của dân quân. Súng nổ, làng cháy, hai bên đều thiệt hại.

 

Chàng trai 23 tuổi Larry Vetter là cứu thương: “Tàn trận đánh, tôi còn nhớ cả một ngôi làng bị cháy, tôi bị thương ở tay, cố gắng bò tới cứu giúp một quân nhân bị cháy. Anh này quằn quại trên một mô đất, khi đang cố gắng dập lửa, tôi bất ngờ nhìn lên và thấy một phụ nữ đang mang thai bị thương khá nặng. Tôi định lết về hướng đó để giúp đỡ chị ta, bởi có vẻ như cái thai đã lớn. Nhưng chị ta ngẩng đầu lên và hướng ánh mắt về phía tôi. Ánh mắt làm tôi khựng lại”.

 

Larry Vetter cũng là một nhà báo, nhưng ông thú thật là không thể tìm được câu chữ nào thích hợp để lột tả ánh mắt của người phụ nữ này, trong hoàn cảnh đó.

 

“Nói như thế nào nhỉ? Nhãn quan cô ấy chiếu thẳng vào mắt tôi, một sự căm giận, một sự sợ hãi, một chút bất cần, khinh bỉ. Trong phút chốc, giữa khói đạn ầm ào, tôi mới thấy mình là kẻ đáng thương. Cuộc tập kích thất bại, quân rút, nhưng tôi không thể quên ánh mắt ấy” - Larry Vetter tham chiến tới tận năm 1969 thì giải ngũ trở về Texas.

 

Năm 1996, Larry Vetter bị ung thư dạ dày, các bác sĩ ở Texas kết luận: chất độc da cam là một phần tác nhân. Lúc đó, ông mới hay biết rõ sự thực về chất thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ pha chế, đưa lên máy bay rồi rải xuống Việt Nam.

 

Ông bắt tay vào viết cuốn sách, với tựa đề Blood on the Lotus (Máu trên hoa sen). Để làm được điều này, ông phải đọc, nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đọc truyện Kiều bằng ngoại văn.

 

Blood on the Lotus là cuốn sách với cảm hứng từ người phụ nữ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Định, còn nhân vật chính là người đã ám ảnh ông suốt cuộc đời.

 

Người phụ nữ Thăng Bình năm nào vẫn đêm đêm ám vào giấc ngủ của ông, chập chờn ma mị. Đến năm 2008, gom đủ kinh phí, ông quyết tâm trở lại Việt Nam, trở lại Thăng Bình để tìm bằng được đôi mắt năm xưa.

 

Thật tiếc, thời gian đằng đẵng, nhân thế đổi thay, đôi mắt ám ảnh ông năm xưa đã không còn. Bà tên thật là Nguyễn Thị Thân, quê xã Bình Minh, mất năm 2001.

 

“Tôi vẫn phải tìm người con trai của bà ấy, dù biết rất khó, nhiều người nói con trai bà ấy đã được sinh ra, không biết bây giờ ở đâu” - Larry Vetter buồn bã.

 

Lần trở lại Việt Nam vào năm 2008, dù không thỏa nguyện nhưng những lần gặp gỡ, giao lưu với các em bé nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã khiến Larry Vetter quyết định dành hẳn phần đời còn lại của mình để giúp đỡ các em.

 

Lần đó, cùng đi với đoàn của UNICEF và nữ diễn viên Tea Leoni, ông không cầm được nước mắt khi thấy thảm cảnh của anh em La Thành Toàn, La Thành Nghĩa, để rồi khi trở về Mỹ, ông cùng gia đình dành phần lớn thu nhập giúp đỡ gia đình anh chị La Thành Cang (bố mẹ Toàn, Nghĩa) cũng như hỗ trợ các em nhỏ ở Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Là một nhà báo tự do, ông cũng đang ấp ủ làm một bộ phim dài kỳ về nạn nhân da cam Việt Nam.

 

“Tôi muốn xoáy sâu vào sự chịu đựng nỗi đau của các em nhỏ, muốn cận cảnh đến những mảnh đời bất hạnh, sự đối xử của người lớn với các em trong gia đình” – ông nói. Dự định trở lại Việt Nam trễ, nhưng khi nghe tin hai em Toàn, Nghĩa đang vật vã chống chọi tử thần, Vetter cùng con gái Kristen vội vã bay từ Mỹ sang, bỏ cả lễ Giáng sinh, lễ mừng năm mới để được ở bên hai em.

 

Chuyện của Kristen Vetter

 

Nối nghiệp cha, tốt nghiệp Đại học ngành y, cô gái Kristen Vetter xin vào làm y tá của Trung tâm cứu hộ Hoa Kỳ 10 năm nay.

 

Cô thường xuyên xem những thước phim về nạn nhân da cam của cha và luôn ước ao một ngày nào đó sẽ đến Việt Nam, tận tay chăm sóc những em bé đang phải hứng chịu nỗi đau chiến tranh. Nhưng công việc không cho phép cô.

 

Bài tập phục hồi chức năng cho La Thành Toàn.
Bài tập phục hồi chức năng cho La Thành Toàn.

 

Năm 2010, mẹ cô mất, một cú sốc đối với hai cha con Larry và Kristen Vetter. Cô về Texas thường xuyên hơn. Cuối năm 2012, nghe ý định của cha cô sẽ sang Việt Nam, ở một thời gian dài để chăm sóc Toàn, Nghĩa, Kristen quyết định rất nhanh, cô nộp đơn xin thôi việc ở Trung tâm cứu hộ, thu xếp hành lý, sang Việt Nam cùng bố.

 

Là y tá, công việc chăm sóc hai em Toàn, Nghĩa, giúp các em phục hồi chức năng như là một định mệnh, một sự sắp sẵn trong cuộc đời cô.

 

Kristen cười vui: “Thú thật là trước đây, tôi không hề có khái niệm gì về Việt Nam, mơ hồ, mặc dù cha tôi lúc nào cũng nhắc đến đất nước các bạn, có lẽ do công việc bận bịu quá, tôi không có thời gian. Cho đến một lần, tôi nhớ khoảng năm 2009, cha có cho tôi xem một đoạn phim, chiếu về các em da cam. Tôi ngồi im, bất động khi thấy hình ảnh dị dạng của các em hiện lên. Thật không tin nổi. Cả ngày hôm đó, tôi lôi hết đống phim của cha tôi, xem toàn bộ. Và tôi biết có những điều lớn lao hơn ở thế giới bên ngoài”.

 

Kristen Vetter cho hay, mức lương y tá của cô ở Trung tâm cứu hộ Hoa Kỳ là một con số đáng mơ ước cho bất kỳ bạn trẻ nào, và nếu không nghỉ việc, cô cũng đang được cân nhắc để thăng một chức cao hơn. Tuy nhiên, cô đã bỏ tất cả. Mới ở Việt Nam hơn 1 tháng, nhưng Kristen cảm thấy đây đã là quê hương.

 

Như một gia đình

 

Hai anh em La Thành Toàn và La Thành Nghĩa (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được các bác sĩ kết luận là đang sống những năm tháng cuối đời với đủ thứ bệnh và di chứng da cam nặng nề.

 

Như một gia đình. Ảnh: Nam Cường.
Như một gia đình. Ảnh: Nam Cường.

 

Hơn một tháng nay, bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, ngày nào cha con Larry và Kristen cũng ở nhà anh Cang và chị Hoa, bắt đầu hành trình vật lý trị liệu, trợ tim, phục hồi chức năng cho hai anh em.

 

Cuộc chiến đấu với tử thần trong ngôi nhà 50m2 căng thẳng từng giây phút. Mặc dù vậy, không khó để tôi chứng kiến những nụ cười, và niềm hạnh phúc ngắn ngủi ngập tràn trong căn nhà này.

 

Chị Trần Thị Hoa - người đàn bà hơn 10 năm cõng 2 con đi học - nghẹn ngào: “Nói ngàn lần cảm ơn cũng không kể hết được ân tình của bố con Larry, Kristen cho gia đình tui. Trước, cả nhà nghèo xơ xác không có cơm ăn, nay ông Larry và cô Kris đây cho tủ lạnh, tivi, xoong nồi, còn cho cả tiền mua máy thở, trợ tim. Trên hết là tình thương yêu rất chân thật của hai bố con dành cho gia đình”.

 

Miệng kể, mắt ngân ngấn nước và hai bàn tay của chị Hoa vẫn đan chặt vào tay của Kristen. Cô gái Mỹ không hiểu tiếng Việt, nhưng cũng rưng rưng cảm động. Ông Larry Vetter cho hay, sẽ ở Việt Nam, quyết tâm giành giật sự sống cho hai em Toàn, Nghĩa. “Tiền lương hưu, trợ cấp của tôi ở Mỹ rất khá, các bạn yên tâm” - ông cười, hạnh phúc.

 

Theo Nam Cường
 Tiền phong