Quảng Nam:

Cầu treo “treo” mãi, dân tròng trành qua sông

(Dân trí) - Nhiều lần được hứa hẹn sẽ có cây cầu treo bắc qua sông nhưng chờ mãi mà cầu vẫn "treo", người dân Ca Dong, Xê Đăng muốn qua con sông Tranh hung dữ vẫn phải dùng những con thuyền mỏng manh hay những chiếc lốp xe tròng trành.

Ngày 9/3, chúng tôi theo Quốc lộ 40B chạy từ TP Tam Kỳ qua các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam) nối lên tỉnh Kon Tum. Khi đến gần trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi ghé vào nhà người dân ven đường gửi xe máy, đi bộ vài trăm mét từ con đường nhựa theo lối mòn của người dân thường đi xuống bến sông, nơi được khảo sát sẽ xây chiếc cầu treo cho người dân.


Người dân làng Tắc Rối đưa nông sản qua sông bán.

Người dân làng Tắc Rối đưa nông sản qua sông bán.

Trước mắt chúng tôi là con sông Tranh xanh thẳm và cuồn cuộn chảy. Bên này sông là thôn 1 xã Trà Mai, bên kia sông là thôn 4 xã Trà Tập, nơi có hơn 100 hộ dân từ bao đời nay muốn ra ngoài mua bán hay lên trung tâm huyện, xã chỉ có một cách là đi thuyền, nếu không muốn đi bộ cả ngày đường rừng.

Trên bến sông đã có vài con thuyền mỏng manh, “hú” mãi không thấy bóng dáng người đưa thuyền. Đợi hơn 30 phút mới thấy bóng dáng một người đàn ông từ trong rừng chui ra chèo chiếc thuyền sang đón.


Con thuyền mỏng như lá lúa.

Con thuyền mỏng "như lá lúa".

Người đàn ông nói mình tên mình là Hồ Văn Út, năm nay 45 tuổi. Anh cho biết không làm nghề chèo đò chở khách mà đang làm rẫy, vì nghe chúng tôi gọi muốn qua sông nên "mượn ghe của ai đó đang đậu ở bến sông chèo sang đây đưa mấy anh qua sông”.

Anh Út cho biết, bên kia sông Tranh là làng Tắc Rối thuộc thôn 4 xã Trà Tập có khoảng hơn 100 hộ dân. Theo anh Út, bao đời nay, người dân làng Tắc Rối muốn đi lên trung tâm huyện hay xã chỉ có cách phải dùng lốp xe ô tô hay thuyền, đò mới đi lại được. Nhưng ở đây cũng chỉ có một vài chiếc thuyền nhỏ để qua lại, còn mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết thì không thể nào qua sông được.

Qua sông trên còn thuyền nhỏ tròng trành

Trò chuyện với anh Út được một lúc, chúng tôi gặp ông Trương Quang Thiều (46 tuổi, trú thôn 4, xã Trà Tập), người chèo đò cũng vừa đi bán hàng nông sản về cũng góp vào câu chuyện người dân ở đây mong muốn có một cây cầu treo bắc qua sông.

Ông Trương Quang Thiều cho biết, ở thôn 4 xã Trà Tập này còn có gần 70 con em học sinh của đồng bào đi học ở trung tâm xã phải qua sông Tranh mới đến trường được, phương tiện chủ yếu dùng lốp xe hay dùng thuyền nhỏ tự chế người dân, mùa nắng đi lại được chứ mùa mưa thì người dân không qua sông do nước lũ dâng cao nên mọi việc qua buôn bán, trao đổi hàng hóa rất khó khăn.

Người dân đợi đò đưa qua sông
Người dân đợi đò đưa qua sông

Chúng tôi hỏi ông Thiều sao lại phải dùng lốp ô tô qua sông mà không dùng thuyền, ông nói ở đây chỉ có vài chiếc thuyền đưa khách, khi chủ thuyền bận việc mà người dân cần thì phải dùng lốp ô tô vượt sông.

Trong sáng ngày 9/3, không gặp người nào qua sông bằng lốp ô tô. Ông Thiều cho biết trước đây cũng có mấy chiếc lốp ô tô được bơm căng để người dân qua lại nhưng nay đã hư hỏng hết. “Mới hôm trước còn một chiếc nhưng nay cũng đã bị xì rồi nên không dùng nữa”, ông Thiều nói.

Văn bản của huyện Nam Trà My gởi Tổng Cục đường bộ và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam về việc xây cầu treo
Văn bản của huyện Nam Trà My gởi Tổng Cục đường bộ và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam về việc xây cầu treo

Người dân ở đây cũng cho biết, ngày bình thường cũng có hàng chục người dân ở làng Tắc Rối qua sông để bán hàng nông sản và mua gạo, mắm muối về; còn sáng thứ 2 thì hàng chục em học sinh của thôn phải đi ra xã học, đến thứ 6 lại trở về nên lúc này bến sông rất tấp nập.

Bến sông này cũng không ít những vụ tai nạn thương tâm. Như năm học 2013, hai nữ sinh Tắc Rối đang học lớp 8 là Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ cùng bỏ mạng trong lúc vượt sông đi học. Tháng 10/2013, ông Hồ Văn Tiến (49 tuổi) ở Tắc Rối mất mạng dưới sông. Năm 2015, trong lúc qua Tắc Rối dạy học, một giáo viên tiểu học cũng bị chết đuối...

Trao đổi với PV Dân trí về việc xây cầu treo dân sinh cho người dân nơi đây, ông Nguyễn Đình Tân – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Nam Trà My – cho biết, trước đây Bộ GTVT có chương trình cầu treo dân sinh trên cả nước, trong đó tỉnh Quảng Nam được phân bổ 14 cây cầu, huyện Nam Trà My “được hưởng” 1 cây cầu.

BQL Công trình 5 thuộc Tổng cục Đường bộ cũng đã đến tận nơi khảo sát nhiều lần từ năm 2014, sau đó huyện tiến hành giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn để làm đường vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhưng đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo ông Tân, dự kiến cầu treo nối thôn 1 xã Trà Mai và thôn 4 xã Trà Tập dài 100m, rộng 2m, với số vốn dự kiến khoảng 6-7 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn so với ngân sách của huyện, khúc sông này không thể làm cây cầu nhỏ hơn vì khoảng cách sông rộng và phải vượt lũ.

“Huyện đã gửi văn bản đến Tổng cục Đường bộ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Hỏi BQL Công trình 5 thì họ nói chưa có tiền. Chính quyền huyện, xã hứa với đồng bào là tháng 5/2015 sẽ có cầu nhưng không có. Cầu này đúng là “cầu treo” vì “treo” không biết đến bao giờ mới làm”, ông Tân ngán ngẩm nói.

Công Bính