Quảng Nam:

Cầu phao của “kỹ sư hai lúa” bị lũ cuốn, nông dân tắc đường ra đồng

(Dân trí) - Cây cầu phao này đã được "kỹ sư chân đất" Lê Tất Dũng làm từ 3 năm trước để bà con nông dân xã Đại An (huyện Đại Lộc) qua lại con sông Vu Gia đi làm đồng. Nay lũ về, cầu phao bị cuốn trôi, bà con đành phải qua sông bằng chiếc ghe mỏng manh, hiểm nguy.

Ngày lũ lớn, PV Dân trí liên lạc với ông Dũng hỏi tình hình cây cầu phao bắc qua sông Vu Gia để bà con đi làm đồng có "yên ổn" trong lũ? Qua điện thoại, ông Dũng nói như khóc: “Nó đứt và trôi hết rồi anh ơi. Sau lũ, mời anh lên xem có tiếng nói giúp để tui sửa lại cho bà con đi chứ giờ nước lớn lắm, anh không lên được đâu”.

Ông Lê Tất Dũng xót xa nhìn cây cầu bị lũ cuốn trôi
Ông Lê Tất Dũng xót xa nhìn cây cầu bị lũ cuốn trôi

Chuyện ông Lê Tất Dũng tự bỏ tiền ra làm cây cầu phao này đã được Dân trí đưa tin vào năm 2012 với bài báo “Tiền dành dụm mấy chục năm đem làm cầu cho dân đi”.

Sau khi Dân trí đăng bài, nhiều mạnh thường quân đã chung sức, hỗ trợ cho ông Dũng hoàn thành cây cầu này. Đến đầu năm 2013, cây cầu hoàn thành, trong đó có phần đóng góp của bạn đọc Dân trí (Dân trí đã có bài phản ánh ““Lão nông” khánh thành cây cầu phao tự làm cho dân đi”).

Ông đang sửa chữa lại chiếc cầu cho dân đi làm đồng
Ông đang sửa chữa lại chiếc cầu cho dân đi làm đồng

Ngày 21/12, khi chúng tôi tới thăm, ông Dũng đang cùng vài người thợ bắt đầu làm lại cây cầu. Ông Dũng cho biết, ngày 14/12, do hàng loạt thủy điện cùng xả lũ nên nước lên rất nhanh và cuốn trôi chiếc cầu phao. “Nước lớn nhanh trong đêm nên tôi không kịp neo cầu phao vào bờ, cầu bị nước lũ xoay ngang, thùng phuy bị cuốn trôi, còn chiếc phà thì chìm xuống sông”, ông Dũng xót xa nói.

Những người phụ giúp ông sửa chữa lại cây cầu
Những người phụ giúp ông sửa chữa lại cây cầu

Để sửa chữa lại cây cầu, ông Dũng cho hay cần khoảng 50 triệu đồng mà hiện nay ông không có số tiền lớn như vậy. “Không có tiền nhưng cũng phải đi vay mượn làm sớm để bà con có cây cầu đi, để bà con đi qua đồng với chiếc ghe mỏng manh trên dòng nước sông Vu Gia chảy xiết, lỡ xảy ra chuyện gì thì tôi hối hận”, ông Dũng tâm sự.

Từ hôm cây cầu phao bị lũ cuốn trôi, người dân xã Đại An muốn qua cánh đồng thôn Phú Lộc bên kia sông Vu Gia buộc phải đi ghe. Tuy nhiên, mùa này nước chảy xiết nên người dân cũng ngại đi nếu như không có việc cần gấp.

"Kỹ sư chân đất" xót xa khi cây cầu phao do ông bỏ tiền bỏ công ra làm bị lũ phá hỏng.

Trao đổi với PV Dân trí về việc cây cầu phao bị lũ cuốn trôi, ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch xã Đại An – cho hay, xã cũng đã trích một phần kinh phí để ông Dũng sửa chữa lại cầu, tuy nhiên số tiền sửa chữa cầu quá lớn so với ngân sách xã bỏ ra.

“Chúng tôi cũng mong các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để ông Dũng sửa chữa lại cây cầu cho người dân đi làm đồng không phải bơi ghe rất nguy hiểm”, ông Đỗ Văn Hòa nói.

Sau gần 20 năm gom góp từ nghề sửa xe đạp, xe máy, ông Lê Tất Dũng đã bỏ ra 300 triệu đồng để xây cầu phao cho người dân đi lại. Đây là số tiền ông định dùng để sửa lại ngôi nhà của mình, nhưng khi chứng kiến người dân không ít lần bị đuối nước khi đi trên chiếc cầu tre tạm bợ hay những chiếc ghe nguy hiểm, ông quyết định dùng số tiền đó để xây cầu phao cho dân.

Cầu phao do ông Dũng tự thiết kế và xây dựng bắc qua sông Vu Gia có chiều dài 78m, mặt cầu rộng 2m, tải trọng 750kg, được làm từ 146 thùng phuy, 1,8 tấn sắt, 4m3 gỗ ván, 300m dây cáp, 2 trụ bê tông… Cầu được xây dựng vào năm 2012 và khánh thành vào đầu năm 2013.

Công Bính