1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long:

“Cầu nứt sau 2 tháng sử dụng là bất thường”

(Dân trí) - Liên quan đến sự cố nứt mặt cầu Thăng Long, <i>Dân trí</i> đã trao đổi với TS. Trần Thị Kim Đăng, giảng viên trường ĐH Giao thông Vận tải, Hà Nội. Bà Đăng khẳng định: "Có nhiều yếu tố dẫn đến hư hỏng nhưng mặt cầu bị hỏng sau 2 tháng là chuyện bất thường”.

Được sử dụng loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng mặt cầu Thăng Long vừa đưa vào sử dụng đã bị nứt. Theo bà, điều này có bình thường hay không?

Chiều qua (21/3), tôi đã lên cầu Thăng Long và tận mắt nhìn thấy các vết nứt trên mặt cầu. Đối với cầu thép, lại là cầu thép cũ thì trọng tải và độ rung đều dẫn đến hư hỏng, nhưng mặt cầu Thăng Long bị nứt sau 2 tháng thi công là chuyện bất thường.
 
“Cầu nứt sau 2 tháng sử dụng là bất thường” - 1
Mặt cầu Thăng Long nứt sau 2 tháng là bất thường

Bà có thể nói cụ thể hơn?

Bê tông nhựa nóng SMA là loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho các công trình mặt cầu thép. Theo tổng kết từ nhiều nguồn tài liệu thì tuổi thọ bề mặt của các công trình làm bằng vật liệu SMA không cụ thể trong thời gian bao lâu, thông thường sử dụng được 2 năm đã có công trình bị hư hỏng, có công trình lại có tuổi thọ rất lâu, còn mặt cầu Thăng Long mới được 2 tháng đã bị nứt là quá ngắn…

Thực tế nghiên cứu, SMA chuẩn thuộc loại bê tông nhựa chặt, so với thể tích thì độ rỗng chỉ bằng 3 - 5%, thậm chí còn thấp hơn nên không bị thấm nước. Tuy nhiên, quan sát tại hiện trường trên mặt cầu Thăng Long lại thấy lớp nhựa bề mặt bị rỗng và bị ảnh hưởng của nước rất nhiều.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cố trên?

Mặt cầu Thăng Long bị nứt theo dạng Parabol, điều đó phản ánh độ dính bám không tốt, bị mất mát sự dính bám nên dẫn đến trượt nhựa.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố trên. Thứ nhất, do khi thi công lớp nhựa nóng làm cho mặt bản thép phía trên nở ra, đến khi lớp nhựa đã nguội thì bản thép co lại và bị nén. Thứ hai, độ rung trên bề mặt thép cũ, điều này là bình thường khi hàng ngày lượng xe lưu thông dồn trọng tải quá lớn xuống mặt cầu Thăng Long.

Hiện tại, phần mặt cầu bị nứt nhiều nhất tập trung ở một liên đoạn, những vết nứt này lại xảy ra ở mẻ thi công cuối cùng, đây là điều khá lạ lùng bởi về kinh nghiệm thi công thì càng về sau chất lượng thi công càng phải tốt hơn chứ không thể dở hơn được…

Để biết nguyên nhân cụ thể thì cần cắt lấy mẫu bề mặt cầu để kiểm tra, nếu bị mất mát dính bám giữa 2 lớp bê tông thì hoàn toàn là do khâu thi công không tốt.
 
“Cầu nứt sau 2 tháng sử dụng là bất thường” - 2
Vật liệu SMA chuẩn có độ rỗng rất thấp và gặp nước cũng không có vấn đề gì
nhưng nay phải xẻ rãnh trênh mặt cầu để thoát nước...

Dưới góc độ của một chuyên gia, bà đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự cố này?

Vật liệu SMA đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng cho mặt cầu thép và đã được nhiều nước sử dụng đạt kết quả tốt nhưng là lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Có một điều tôi băn khoăn là, với điều kiện khí hậu và môi trường khác biệt như ở Việt Nam nhưng trước khi đưa vào thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long SMA không hề được thi công thử nghiệm.

Chưa hết, với đặc điểm, vị trí như cầu Thăng Long mà vừa thi công vừa cho ô tô chạy khiến độ rung của cầu càng lớn, làm biến dạng mặt cầu thép và lớp bê tông nhựa sẽ không chịu được lực dẫn tới bong ra và gây trượt.

Tôi lo ngại các vết nứt sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa ở làn đường bên phải (chiều từ cao tốc Nội Bài về trung tâm Hà Nội), vì lượng xe lưu thông nhiều hơn và sẽ gây nhiều áp lực hơn cho mặt cầu.
 
“Cầu nứt sau 2 tháng sử dụng là bất thường” - 3
Trám, vá cục bộ như hiện nay là các khắc phục không hiệu quả

Theo bà việc trám, vá những viết nứt như hiện nay có hiệu quả? Bà có mách nước gì về cách khắc phục sự cố này?

Việc trám, vá theo kiểu nứt chỗ nào gắn chỗ đó như hiện nay hoàn toàn không hợp lý cả về chất lượng và mỹ quan, cách sửa chữa này chỉ có thể thực hiện khi đó là những vết nứt dọc, nứt ngang. Còn hiện tại mặt cầu Thăng Long đang bị nứt dưới dạng Parabol nên cách tốt nhất là cắt bóc thành miếng lớn và trải nhựa lại.
 

Ông Nguyễn Năng Thể (Phó Tổng Giám đốc PMU2):

Được biết, mặt cầu Thăng Long đã được thảm lại bằng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Anh Quốc. Tuy nhiên, môi trường thời tiết ở Việt Nam khác với môi trường thời tiết của nước Anh. Liệu yếu tố thời tiết có liên quan đến sự cố?

Toàn bộ nguồn nguyên liệu thảm mặt cầu đều nhập khẩu từ nước Anh. Trước khi nhập, chúng tôi cũng đã họp bàn, tính toán rất kỹ đồng thời còn cho tiến hành thử nghiệp. Sau đó Bộ GTVT mới quyết định sử dụng công nghệ này. Tính năng, tính chất của nguồn nguyên liệu đều qua các khâu kiểm tra chặt chẽ để xem có đảm bảo đúng là nguồn nguyên liệu chúng ta đã cam kết nhập. Về yếu tố thời tiết có tác động không thì đây là nguồn nguyên liệu do Bộ chọn, đơn vị tôi có được chọn đâu.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cố?

Hiện chúng tôi chưa thể khẳng định đâu là nguyên nhân cụ thể. Sự cố trên có thể do một mẻ trộn bê tông nào đó không đúng kỹ thuật. Trước mắt, nhà thầu sẽ phải tiến hành sửa chữa sự cố để đảm bảo yêu cầu lưu thông cho các phương tiện.

Dự kiến ban đầu là sửa chữa trong vòng 3 tháng, nhưng thực tế chỉ mất 2 tháng để hoàn tất việc thảm lại mặt cầu, dư luận cho rằng đã có việc “chạy” tiến độ dẫn đến chất lượng không đảm bảo?

Chúng tôi đã thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, chỉ tăng tiến độ trong khâu cào bóc Lamo. Hiện nay, chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ đã tiến hành khoan cắt lấy mẫu về nghiên cứu để cho kết quả cụ thể vào những ngày sắp tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)