Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sạt lở nặng sau mưa lũ

(Dân trí) - Sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng cơn bão số 12, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đoạn qua tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nhiều điểm. Có nhiều điểm bị sạt lở mái ta luy, có điểm bị sạt lở cả móng trụ bê tông.

Tại vị trí Km20+315 thuộc địa phận xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), tuyến cao tốc cắt qua quả đồi nhỏ, hai bên tuyến là mái dốc taluy dương. Mặc dù 2 bên mái taluy đã được gia cố bằng hệ khung dầm bê tông cốt thép nhưng cũng bị mưa lớn làm sói lở, gây hỏng chân khung kè, nhiều đoạn khung kè nằm chơi vơi.

Nhà thầu đang khắc phục sạt lở tại vị trí Km20+315
Nhà thầu đang khắc phục sạt lở tại vị trí Km20+315

Tại lý trình Km31+200 (thuộc địa phận xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) có một cống thoát nước ngang tuyến, dọc hai bên tuyến có hai cống thoát nước dọc gom nước về cống ngang.

Tại đây, mưa đã cuốn trôi một phần đất taluy dương nền đường, làm hỏng chân trụ của tường hộ lan mềm. Phần gia cố đá hộc 1/4 nón của mố cống đã cuống cấp, bong tróc, sạt lở, vỡ gãy…

Mái dốc taluy dương bị sạt lở
Mái dốc taluy dương bị sạt lở

Tại đoạn vào trạm thu phí thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), mái dốc taluy dương nền đường xuất hiện nhiều vị trí bị nước cuốn trôi trượt đất, nhất là những vị trí gần mố cầu và những đoạn chưa được gia cố mái taluy…

Việc sạt lở nhiều điểm trên tuyến cao tốc này dù chỉ mới khai trương giai đoạn 1 chỉ được vài tháng. Những hư hỏng này một phần do thiên tai, nhưng dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng công trình. Đây là dự án trọng điểm với giá trị đầu tư cả tỷ đô la.

Mái dốc Km31+236 đã được khắc phục
Mái dốc Km31+236 đã được khắc phục

Để tìm hiểu về những điểm sạt lở trên tuyến này, PV Dân trí đã trao đổi với lãnh đạo Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Theo đại diện Ban QLDA, đoạn Km20+480 – Km20+650 địa chất khi thi công cơ bản đúng với kết quả khoan địa chất giai đoạn thiết kế kỹ thuật (TKKT), nền đào đá bên phải tương đối ổn định, đoạn bên trái có thay đổi cục bộ với hồ sơ TKKT, xuất hiện nhiều lớp xen kẹp, bị phong hóa mạnh, đặc biệt lớp đá phong hóa hoàn toàn màu đen khi bị ảnh hưởng bởi nước ngầm và nước mặt sẽ bở rời rạc, giảm lực ma sát trong gây mất ổn định mái dốc.

Ngoài ra do địa chất khu vực này chủ yếu là cát kết, liên kết kém, đá bị phong hóa mạnh và có nhiều vết nứt nhỏ, làm tăng khả năng nứt to và phá vỡ liên kết khi gặp nước dẫn đến sụt trượt.

Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xin Bộ GTVT chủ trương thay đổi biện pháp xử lý từ dạng khung sang dạng phun bê tông kết hợp neo và lưới thép; Bộ GTVT chấp thuận và nhà thầu đã thực hiện xong bên phải.

Nhiều điểm sạt lở trên tuyến cao tốc bị sạt lở đang được nhà thầu khắc phục
Nhiều điểm sạt lở trên tuyến cao tốc bị sạt lở đang được nhà thầu khắc phục

Tuy nhiên bên trái tiếp tục bị sạt trượt, do đó VEC đã báo cáo Bộ xin chủ trương ngả mái phái bên trái và cục bộ 1 đoạn ngắn bên phải, Bộ đã chấp thuận. Hiện Ban QLDA đang làm việc với địa phương để thu hồi mặt bằng bổ sung để triển khai ngả mái. Ban sẽ chỉ đạo thi công ngay sau khi có mặt bằng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5/2018.

Tại lý trình 28+760, đoạn này cũng đã được Bộ thay đổi biện pháp xử lý mái dốc, hiện nay Nhà thầu đã cơ bản thi công xong phần phun mái dốc.

“Do hiện là mùa mưa, thường xuyên có lượng lớn nước chảy tại vị trí này nên không thi công được. Ban sẽ chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công ngay sau khi thời tiết đảm bảo và không có (hoặc ít) nước mặt chảy tại khu vực bậc nước”, báo cáo của Ban QLDA cho hay.

Về giải pháp lâu dài, Ban QLDA đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương thi công 2 dốc nước tại Km31+243 và Km31+263 và sửa chữa xây đá gia cố thượng lưu cống tại Km31+236 và Km32+252, để thoát nước từ mặt đường xuống dưới chân ta luy, đảm bảo ổn định nền đường đoạn tuyến Km31+200 đến Km31+300.

Ngoài ra, bổ sung thêm phạm vi gia cố mái dốc cống hộp từ vị trí đã xây hiện hữu (trên đỉnh cống 1,2m) phủ kín lên đến vai đường để chống xói lở trong tương lai (do đây là điểm tụ thuỷ).

Công Bính