TPHCM:

Cao ốc “đuổi” xe ra vỉa hè, dành tầng hầm làm bể bơi

(Dân trí) - Hầu hết các tòa nhà cao tầng ở trung tâm TP dù "đói" chỗ đỗ xe nhưng vẫn dùng diện tích tầng hầm vào các mục đích khác. Như tòa nhà 43-45 Tú Xương (phường 7, quận 3) dành tầng hầm làm bể bơi.

Xây cao ốc nhưng không màng chỗ đậu xe

Hiện TPHCM đã có quy định nhà cao tầng phải đáp ứng đủ diện tích đỗ xe của người sinh sống, làm việc trong tòa nhà đó; nhưng xem ra quy định này không được các chủ tòa nhà để ý.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải về công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, qua kết quả khảo sát 80 tòa nhà cao tầng cho thấy gần 74% tòa nhà không đủ chỗ đỗ xe, 7,5% tòa nhà không có chỗ đỗ xe, chỉ có gần 19% tòa nhà đủ chỗ đỗ xe.

Cao ốc “đuổi” xe ra vỉa hè, dành tầng hầm làm bể bơi
Hầu hết các tòa cao ốc trong khu trung tâm TP đều thiếu chỗ đậu xe, cư dân cao ốc phải đưa xe ra gửi tại các vỉa hè

Ngay cả khi phê duyệt các dự án nhà cao tầng của cơ quan chức năng, vấn đề diện tích đỗ xe đôi khi cũng không được nhắc đến. Cụ thể như trong quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu phức hợp 8-8bis Hàm Tử, phường 1, quận 5 (nay là 628 – 630 Võ Văn Kiệt) của UBND quận 5, dù dự án này bao gồm chung cư 33 tầng và cao ốc 53 tầng nhưng trong quy hoạch không thể hiện số tầng hầm, vị trí và diện tích chỗ để xe.

Nếu có diện tích đỗ xe trong bản thiết kế thì diện tích này cũng không phù hợp thực tế. Đơn cử như tại tòa nhà Melinh Point Tower (số 2 Ngô Đức Kế, quận 1), thiết kế ban đầu có 1 tầng hầm đỗ xe, nhưng trong thực tế sử dụng Ban quản lý tòa nhà phải sử dụng thêm tầng 4, tầng 5 để xe nhưng vẫn quá tải. Cuối cùng, Ban quản lý tòa nhà này chiếm dụng cả đoạn vỉa hè đối diện số 2 Ngô Đức Kế để trông giữ phương tiện.

Chính vì những lý do này mà những người dân sinh sống, làm việc trong các tòa nhà trên phải tìm chỗ đỗ xe bên ngoài tòa nhà, làm tăng áp lực lên diện tích đỗ xe vốn ít ỏi của TPHCM. Khi số tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm TP ngày càng tăng thì tình hình này càng trở nên phức tạp hơn.

“Chiếm” hết vỉa hè, “chiếm” cả đường nhỏ

Trong khi các tòa cao ốc không đủ chỗ đậu xe, dân cao ốc đổ ra ngoài tìm chỗ gửi xe thì TPHCM chưa có cả quy hoạch mạng lưới các điểm và bãi đỗ xe trên địa bàn. Trên địa bàn TPHCM chỉ có 1 điểm đỗ xe được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh là 3 tầng hầm tòa nhà Vincom và 1 điểm đỗ xe công cộng tại công trường Lam Sơn.

10 vị trí được quy hoạch làm bãi đậu xe trên địa bàn quận 1 thì hiện mới chỉ có 2 điểm được xây dựng điểm đỗ xe công cộng… 8 bãi đậu xe ngầm theo quy hoạch ban đầu của TP hiện chỉ còn 5, trong đó mới có 2 bãi đang được chủ đầu tư triển khai mạnh nhưng thực tế là chưa biết ngày nào khởi công.

Theo quy hoạch của Chính phủ thì TPHCM phải có 1.141 ha làm bến bãi đậu xe, nhưng đến nay theo rà soát của UBND TP mới xác định được 561 ha, mà hầu hết chỉ là trên giấy. Do vậy, diện tích bãi đỗ xe đành chạy ra vỉa hè, chạy xuống lòng đường.

Thậm chí TP phải “chiếm dụng” cả những con đường diện tích hẹp để đỗ xe dưới lòng đường. Cụ thể, các tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường như Hàn Thuyên, Hồ Huân Nghiệp, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Văn Chiêm... (quận 1); Tân Thành, Phan Văn Trị (quận 5) đều có bề rộng mặt đường từ 7,5 – 8,5m. Theo Thanh tra Bộ GTVT thì bề rộng của các đường này không đảm bảo quy định được phép cho đậu xe dưới lòng đường của Bộ.

Vì những lý do trên, các bãi đỗ xe tự phát, lấn chiểm vỉa hè vẫn bùng phát mạnh vì nhu cầu của người dân là rất lớn. Rất nhiều đoạn vỉa hè trong khu vực trung tâm TP bị chiếm dụng hết mặt vỉa hè để đậu xe, dẫn đến việc quản lý phát sinh nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông TP.

Trong báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT cũng nhận định: “Các tồn tại của công tác tổ chức lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch điểm và bãi đỗ xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chiếm dụng lòng đường, hè phố làm nơi đỗ xe, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông và cảnh quan môi trường đô thị”.

Tùng Nguyên