Cảnh sát biển phá án

Phụ trách tuần tra, kiểm soát từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Vùng Cảnh sát biển 1 (Hải Phòng) nổi bật với những chiến công về phát hiện và xử lý các vụ buôn lậu và gian lận thương mại trên biển.

Lực lượng cảnh sát biển lập biên bản một tàu chở hàng lậu trên biển - Ảnh: Mạnh Thường

Lực lượng cảnh sát biển lập biên bản một tàu chở hàng lậu trên biển - Ảnh: Mạnh Thường

Thiếu tá Lê Văn Thụy - phó trưởng phòng trinh sát Vùng Cảnh sát biển 1 - cho biết: “Cái khó của những người làm trinh sát trong phòng chống các đối tượng vi phạm pháp luật trên biển là phải nhận dạng được đâu là đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại trong hàng trăm tàu thuyền đang hành trình trên biển”.

Phá án lúc 1g sáng

“Chuyến đi đặc biệt nhất là lần theo dõi tàu chở 2.200 tấn than lậu. Khi chúng tôi xử lý xong thì đã bước qua năm mới được 1 tiếng đồng hồ” - thiếu tá Thụy kể. Đó là vụ việc diễn ra cuối tháng 12-2011, chỉ còn mấy ngày nữa là Tết dương lịch 2012. Từ nguồn tin là các cơ sở bí mật gửi về, chỉ huy vùng xác định mục tiêu có dấu hiệu vi phạm. Chỉ chưa đầy 30 phút sau khi nhận lệnh, các cán bộ, chiến sĩ phòng trinh sát Vùng Cảnh sát biển 1 đã lên tàu đi làm nhiệm vụ.

Đối tượng xuống hàng ở cảng Phú Thái (Hải Dương). Từ đó ra cửa biển còn khoảng 30km. Trên bờ, lẫn vào đám đông đang tấp nập chuyển hàng lên xuống, thấp thoáng vài ba người xe ôm. Dưới nước, một vài người đàn ông chèo đò, chèo mủng lượn lờ quanh khu vực có mục tiêu. Đó là những trinh sát của Vùng Cảnh sát biển 1 đang đóng giả để theo dõi. Trong khi đó, một mũi trinh sát khác đã thuê tàu cá của ngư dân có công suất lớn, tốc độ nhanh mai phục ở những vị trí mà mục tiêu có thể đi qua. “Chúng tôi đã lấy được hồ sơ hàng hóa của đối tượng ở bến. Nhìn hồ sơ là biết ngay có dấu hiệu vi phạm. Nhưng chúng tôi phải có chứng cứ để họ tâm phục khẩu phục, nắm đối tượng là phải nắm chắc, nắm đúng để họ không chối cãi, ngụy biện được” - thiếu tá Thụy cho biết.

Ngày thứ nhất, ngày thứ hai rồi đến ngày thứ ba trôi qua..., mục tiêu cứ nhẩn nha chuyển hàng xuống tàu. Trưa 28-12, đối tượng đã xuống hàng xong nhưng đến sáng 29-12 vẫn chưa chịu di chuyển. 9g sáng 29-12, phương tiện nổ máy theo hướng Hải Phòng ra cửa biển Cát Bà. Tới cửa Nam Triệu, tàu chở than dừng lại đến 16g ngày 31-12 thì thả neo. Trong khi đó, chiếc tàu cá của cảnh sát biển đóng giả cũng phải dừng lại theo dõi.

Hơn 17g, mục tiêu nhổ neo ra biển. 22g đêm hôm đó, đối tượng di chuyển tới khu vực biển gần quần đảo Long Châu (Hải Phòng), cách nơi xuống hàng hơn 40km. Lúc này, các trinh sát đã xác định đối tượng sẽ chở hàng đi tiêu thụ nên lập tức báo về chỉ huy vùng cho lực lượng công khai mặc quân phục dùng tàu cao tốc đuổi theo lên kiểm tra kiểm soát. Đối tượng lúc đầu chối quanh co với lý do: hồ sơ giấy tờ chủ đang cầm. Họ không trình ra được các thủ tục giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Tội phạm chở khoáng sản thường có nhiều thủ đoạn. Họ đã xuất hàng nhưng vẫn dùng hồ sơ giả hoặc dùng hồ sơ thật nhưng xuất hàng trong thời gian ngắn, có khi quay vòng hồ sơ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã chứng minh với hàng loạt tài liệu nhưng phải mất ba giờ họ mới chịu ký vào biên bản. Lúc đó đã là 1g sáng Tết dương lịch 2012! Chuyến tàu chở 2.200 tấn than lậu buộc phải di chuyển về quân cảng của Vùng Cảnh sát biển 1 để xử lý.

Cuộc đấu trí bảy ngày đêm

Ngày 26-2-2012, khi đang theo dõi tàu chở 2.100 tấn than ở Quảng Ninh thì tổ trinh sát nhận lệnh: cũng có một tàu rời bến ở cảng Phú Thái (Hải Dương) chở 1.500 tấn quặng có dấu hiệu gian lận thương mại. Bằng biện pháp nghiệp vụ thuần thục, chỉ ít phút sau các trinh sát đã có trong tay hồ sơ của chiếc tàu chở quặng. Chiếc tàu này cũng không có giấy tờ khi vận chuyển hàng hóa.

“Hai tàu này không cùng một chủ nhưng xuất phát cùng thời điểm dù bắt đầu di chuyển từ hai hướng khác nhau - thiếu tá Nguyễn Văn Hiển cho biết - Khi đó chúng tôi đang giả dạng ngư dân đi đánh bắt cá. Anh em trinh sát phải chia thành hai tổ bám nắm đối tượng khi họ còn ở trên sông và theo ra đến biển. Một tổ theo tàu quặng Hải Dương về Hải Phòng. Tổ còn lại bám theo tàu chở than ở Quảng Ninh. Tôi chỉ huy tổ trinh sát theo dõi tàu than nhưng là tổng chỉ huy cả hai tổ trinh sát nên phải giữ liên lạc giữa hai mũi liên tục để nắm tình hình”.

Cả hai chiếc tàu này rất ranh ma. Họ không đi thẳng ngay ra biển mà di chuyển dích dắc qua nhiều vị trí. Biển Quảng Ninh có nhiều luồng lạch, núi đá. Cứ 1-2 ngày, đối tượng lại nhẩn nha, đủng đỉnh di chuyển đến một vị trí mới. Đến ngày thứ sáu, cả hai tàu vẫn chưa có biểu hiện sẽ đi tiếp về hướng tổ trinh sát đã phán đoán. Các trinh sát vẫn kiên trì đeo bám đến cùng.

Đến chiều 2-3, hai chiếc tàu đều tiến ra cửa biển Cát Bà và... neo đậu ngay tại đây. Yếu tố thời tiết đã hỗ trợ cho mục tiêu khi sương mù dày đặc đến mức cách 50m là không thể nhìn rõ. Sóng lại đánh cấp 4, cấp 5. Chiếc tàu cá nhỏ thuê của ngư dân cứ tròng trành, lắc lư liên tục. Có trinh sát say sóng cả ngày không ăn được gì, chỉ nôn. Trời lại mưa phùn hắt vô, anh em ai cũng bị ướt sũng từ sáng đến tối, tím tái vì lạnh. Hai ngày cuối, anh em trên tàu chỉ còn ít nước ngọt và mì gói, lương khô cầm cự. Đối tượng lại liên tục thay đổi hành trình, có nhiều vị trí rất khó quan sát. Anh em trinh sát động viên nhau cứ duy trì chia ca bám mục tiêu 24/24 giờ cả ngày lẫn đêm, không lúc nào được rời mắt. Nếu không kiên trì bám sát là mất mục tiêu bất cứ lúc nào. Với sương mù dày đặc như thế, ở trên biển chệch qua hướng khác 5 độ là không tìm thấy đối tượng nữa.

4g sáng 3/3, trời còn rất tối nhưng chiếc tàu chở than đã lặng lẽ nhổ neo ra biển. “Biết đối tượng di chuyển về điểm tập kết hàng, tôi báo ngay cho lực lượng công khai áp sát, kiểm tra” - thiếu tá Thụy nói. 5g30, sương mù vẫn chưa tan nhưng chiếc tàu chở quặng cũng nhổ neo di chuyển. Đối tượng nghĩ rằng nếu cảnh sát biển theo dõi những ngày qua đã quá mệt mỏi và đến gần sáng sẽ càng lơ là, chủ quan nên lợi dụng định đâm thẳng ra biển. Khi lực lượng cảnh sát biển yêu cầu, họ không xuất trình được giấy tờ. Phải đấu tranh và thuyết phục mãi họ mới hợp tác.

Trong khi đồng đội của thiếu tá Thụy đấu tranh với chủ tàu chở quặng thì ở bên này, anh cùng với tổ trinh sát của mình cũng đang “đau đầu” với tình huống bất ngờ: thuyền trưởng tàu chở than cố tình tắt máy, thả trôi tàu để cảnh sát biển không thể đưa về quân cảng xử lý tiếp được. “Họ biết tàu của cảnh sát biển không kéo được tàu trọng tải mấy ngàn tấn nên mới làm thế. Chúng tôi yêu cầu họ thả neo vì sợ tàu sẽ trôi dạt. Mất một thời gian khá lâu thuyết phục, chúng tôi phải tăng cường thêm lực lượng ra, cưỡng chế thuyền trưởng cho nổ máy về vị trí cảng của đơn vị” - thiếu tá Hiển kể.

Vững tâm làm nhiệm vụ

“Những ngày làm nhiệm vụ, các trinh sát thường tắt điện thoại vì chủ hàng khi biết tin sẽ điện thoại, nhắn tin năn nỉ. Năn nỉ không được thì đe dọa. Giá trị hàng hóa của tàu chở than là 2-3 tỉ đồng, tàu chở quặng là 3-4 tỉ đồng. Với số tiền lớn như thế, người ta sẵn sàng bỏ thêm mấy tỉ đồng để hạ bệ mình, có khi họ còn đe dọa vợ con. Biết chuyện, chỉ huy đơn vị khẳng định: tổ chức sẽ bảo vệ cán bộ, chiến sĩ của mình, cứ vững tâm làm nhiệm vụ. Sau vụ đó, chúng tôi vẫn đi bắt nhiều vụ khác. Nhưng chúng tôi có nguyên tắc riêng, chẳng hạn như đi chơi phải có đồng đội, không được đi một mình” - thiếu tá Nguyễn Văn Hiển cho biết.

 
Theo My Lăng
Tuổi trẻ